Cổ phiếu xây lắp vào mùa
Kết quả kinh doanh 9 tháng không quá xấu cùng nhu cầu xây lắp bùng nổ sau thời gian dài đóng băng đã giúp cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng thu hút dòng tiền.
Bức tranh 9 tháng không quá tiêu cực
Trong phiên giao dịch ngày 2/11, chị Trần Tuyết Lan đã không giấu nổi niềm vui khi cổ phiếu HBC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) mà chị đang cầm vẫn tăng tốt, sau khi có hai phiên liên tiếp tăng trần.
HBC cùng nhiều cổ phiếu ngành xây lắp khác như CTD, CTR, VCG, PCI, HUB… đã có nhịp tăng khá tốt trong vòng 1 tuần trở lại đây nhờ kỳ vọng nhóm này sẽ có sóng trong mùa cao điểm xây dựng. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm được nhiều doanh nghiệp trong ngành công bố cho thấy bức tranh lợi nhuận không quá tệ như nhiều người vẫn hình dung.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với con số tăng trưởng khả quan dù trước đó, HBC có khoảng 3 tháng phải “treo cẩu” ở phần lớn các công trình do giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Quý III, HBC ghi nhận doanh thu 2.092 tỷ đồng (giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận gần 14 tỷ đồng (giảm 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 9 tháng đầu năm, HBC ghi nhận doanh thu 7.538 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 81 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, HBC có doanh thu tài chính gần 88 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm (lần lượt 9% và 27%). Sau giai đoạn khó khăn nhất của năm 2021, HBC đã hồi phục hoạt động khi nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Cổ phiếu CTR của Công ty cổ phần Xây dựng công trình Viettel, CTD của Công ty cổ phần Coteccons cũng có nhiều phiên tăng giá liên tục. Trên thị trường, CTR đang giao dịch ở vùng giá 88.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 2.000 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước nữa.
Kết quả kinh doanh tích cực là động lực cho đà tăng của cổ phiếu này. Quý III vừa qua, CTR đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 91,7 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất của CTR đạt 5.464 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 245,3 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29% và 45,8% so với cùng kỳ.
Năm 2021, CTR đặt kế hoạch doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty đã hoàn thành 83% chỉ tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.
Tại Tổng công ty Vinaconex (mã VCG), lợi nhuận hợp nhất quý III đạt 108,89 tỷ đồng, giảm 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, sự sụt giảm mạnh này có nguyên nhân là cùng kỳ năm ngoái Công ty ghi nhận lãi đột biến từ việc thoái vốn tại Công ty TNHH Phát triển đô thị An Khánh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận doanh thu 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 358 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện lên mức 16% so với mức 15% trong cùng kỳ năm trước.
Tương tự nhiều doanh nghiệp cùng ngành, nhất là doanh nghiệp tại phía Nam, kết quả kinh doanh quý III/2021 của Coteccons suy giảm mạnh, với việc báo lỗ 11,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 88,6 tỷ đồng), doanh thu sụt giảm 61,8%. Kết quả kinh doanh 9 tháng không được tích cực như nhiều doanh nghiệp trong ngành, khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 40% và 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng đạt 6.189 tỷ đồng và 87,5 tỷ đồng.
Bung ra sau thời gian dài “đóng băng”
Sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành xây dựng đang tăng tốc để hoàn thành tiến độ các dự án.
"Khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, kinh tế phục hồi nhanh chóng, ngành xây dựng sẽ rất nóng" Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Nhận định về triển vọng của ngành, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, kinh tế phục hồi nhanh chóng, ngành xây dựng sẽ rất nóng cùng với làn sóng đầu tư về công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công để khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Mỗi doanh nghiệp xây lắp niêm yết lại có lợi thế riêng. Điểm sáng của Coteccons là đang sở hữu lượng tiền mặt 3.000 tỷ đồng và tích cực thu hồi công nợ, dòng tiền kinh doanh dương trở lại.
Giá trị hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm của Công ty đạt tới 17.400 tỷ đồng. Coteccons hiện đang là chủ thầu của nhiều công trình lớn như Lancaster Luminaire, Intercontinental Residences Halong Bay, Hyatt Regency Hồ Tràm, Dolce Penisola, Ecopark Swan Lake Residence…
Với Vinaconex, lợi thế đó là khoản tồn kho và lượng tiền người mua phải trả tăng mạnh. Cụ thể, hàng tồn kho tính đến hết tháng 9/2021 của Tổng công ty đạt 3.196 tỷ đồng, tăng 976 tỷ đồng so với đầu kỳ và người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 7.721 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền là 1.322 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn là 2.222 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2.043 tỷ đồng. Nguồn tài chính dồi dào sẽ là điều kiện thuận lợi cho Công ty triển khai các gói thầu hiện hữu và tham gia đấu thầu những công trình lớn trong thời gian tới…
Vinaconex đã trúng thầu nhiều dự án hạ tầng như gói thầu thi công xây dựng công trình, cung cấp lắp đặt thiết bị thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (khởi công ngày 6/8/2021).
Trước đó, Vinaconex liên danh khởi công dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, thi công hạ tầng dự án Khu dân cư đô thị tại Km số 3 và Km số 4 phường Hải Yên, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh…
Kỳ vọng sóng tăng nối dài
Anh Nguyễn Văn Mạnh, nhà đầu tư tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, khẩu vị đầu tư của anh là các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và đi theo sóng ngành. Theo anh Mạnh, cuối năm là thời điểm của sóng ngành bất động sản, xây dựng, vì đây là cao điểm của mùa xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Quan sát thị trường nhiều phiên gần đây, anh Mạnh nhận thấy cổ phiếu HBC có thanh khoản tốt, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt trên 10 triệu đơn vị, riêng phiên 3/11 - phiên thị trường có cú đạp mạnh, với thanh khoản kỷ lục hơn 43.000 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này đạt hơn 22 triệu đơn vị. Anh cho biết sẽ cân nhắc đưa vào danh mục đầu tư cổ phiếu HBC.
Giai đoạn trước, ngành xây dựng, như than thở của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, là “không có việc, cũng không có tiền” (vì không được thanh toán đúng tiến độ), thì giai đoạn cuối năm, nhóm này đang dồi dào việc làm, cần chạy tiến độ để đáp ứng yêu cầu đặt ra từ phía chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, giá thép sau một thời gian tăng nóng có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường thế giới, biên lợi nhuận của ngành vì vậy được kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý IV và quý đầu năm sau.
Mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, khi giá thép trong nước đi vào giai đoạn ổn định, các doanh nghiệp xây dựng trong nước như Coteccons, Hòa Bình có thể chủ động chốt giá đấu thầu đảm bảo tỷ suất lợi nhuận, thay vì bị giá thép tăng cao bào mòn một phần lợi nhuận như những quý vừa qua.
Nhà đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng sóng tăng cuối năm đối với nhóm cổ phiếu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận