Cổ phiếu Thép đua nhau xanh tím: Phút huy hoàng rồi chợt tắt hay khởi đầu sóng mới?
Hai phiên giao dịch đầu năm âm lịch Nhâm Dần 2022 suôn sẻ được kỳ vọng sẽ làm nóng lại nhóm Thép sau thời gian dài “nguội lạnh” từ sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 10/2021.
Tiếp đà hưng phấn sau phiên khai xuân rực rỡ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên trong phiên sáng 8/2 dù rung lắc đã xuất hiện nhiều hơn. Nhóm Thép với sự dẫn dắt của “đầu tàu” HPG hút tiền khá mạnh, đóng vai trò quan trọng giúp VN-Index vượt qua giai đoạn khó khăn.
HPG tạm tăng gần 5% sau phiên sáng trở thành cái tên đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong khi HSG, NKG đều đã “trắng bên bán”. SMC tăng hơn 6% còn POM, TIS, TLH thậm chí đã lộ trần.
Hai phiên giao dịch đầu năm âm lịch Nhâm Dần 2022 suôn sẻ được kỳ vọng sẽ làm nóng lại nhóm Thép sau thời gian dài “nguội lạnh” từ sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 10/2021.
Dù vậy, con đường trở lại còn không ít sóng gió bởi ngay đầu năm 2022 các doanh nghiệp Thép đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với lợi nhuận không còn duy trì được đà tăng trưởng so với quý trước.
Lãi ròng quý 4/2021 của Hòa Phát (mã HPG) dù tăng 59% so với cùng kỳ lên mức 7.400 tỷ đồng nhưng còn thấp hơn 28,5% so với đỉnh lợi nhuận đạt được vào quý trước. Kết quả này đã khiến doanh nghiệp đầu ngành Thép bị đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận quý sau cao hơn quý trước kéo dài suốt từ quý 3/2019.
Trong quý 4/2021, mảng nông nghiệp của Hòa Phát thậm chí còn lỗ thuần 72,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, lỗ trước thuế 104 tỷ đồng và lỗ sau thuế 98,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất lịch sử của Hòa Phát. Giai đoạn hoàng kim từ quý 4/2019 đến quý 2/2021, Hòa Phát đều đặn lãi trên dưới 400 tỷ đồng mỗi quý.
Hoa Sen Group (mã HSG) và Thép Nam Kim (mã NKG) đều đã “hụt hơi” ngay từ quý 3/2021 sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2 trước đó. Quý cuối NĐTC 2020-2021, lợi nhuận sau thuế của HSG tăng 12% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn 32% so với quý trước. Tương tự, lãi ròng quý 4/2021 của NKG gấp gần 3 lần cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn 32% so với quý 3/2021.
Thậm chí, Thép SMC (mã SMC), Thép Tiến Lên (mã TLH) đều tăng trưởng âm với lợi nhuận giảm lần lượt 70% và 56% so với cùng kỳ. Thép Pomina (mã POM) thậm chí chỉ lãi vỏn vẹn chưa đến 1 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý gần đây.
KHÓ DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG
Dù không đạt kỳ vọng trong nửa sau của năm 2021 khi giá thép hạ nhiệt nhưng tựu chung năm vừa qua vẫn là một năm rực rỡ với các doanh nghiệp ngành Thép. Lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen Group, Thép Nam Kim đều tăng trưởng bằng lần so với năm 2020 trước đó và ghi nhận mức kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Tuy nhiên, bài toán duy trì được mức lợi nhuận khủng đã không hề đơn giản với các doanh nghiệp Thép chứ chưa kể đến việc giữ được đà tăng trưởng mạnh như năm qua. Đây cũng là môt phần nguyên nhân khiến các cổ phiếu HPG, HSG, NKG, SMC, TLH, POM,... chịu áp lực chốt lời mạnh kéo dài từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.
CTCK Mirae Asset cho rằng, năm 2022, các công ty xuất khẩu sẽ khó duy trì biên lợi nhuận gộp lớn như năm 2021 do không còn yếu tố đầu cơ trong giá HRC. Do đó, dự phóng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm từ 1-2% cho toàn ngành thép trong năm 2022.
Theo Mirae Asset, năm 2022, Hòa Phát sẽ khó còn có lợi nhuận đột biến từ biến động giá quặng sắt như trong 6 tháng 2021. Do đó, dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành Thép năm 2022 lần lượt đạt 187.242 tỷ đồng và 33.569 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 9% so với cùng kỳ.
Về Hoa Sen Group, Mirae Asset dự phóng doanh thu năm 2022 của HSG sẽ đi ngang ở mức 48.538 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng dự phóng đạt 3.417 tỷ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ.
Theo Mirae Asset, việc Trung Quốc tiếp tục siết sản lượng thép do thiếu hụt điện cũng như kiểm soát khí thải, mảng xuất khẩu của HSG trong năm 2022 tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, giá quặng thép năm 2022 sẽ không có sự biến động lớn khi nguồn cung từ Úc, Brazil và Nam Phi đã quay lại mức ổn định, đồng thời Trung Quốc mở kho dự trữ thép nguyên liệu, qua đó khó phát sinh lợi nhuận đáng kể từ chênh lệch giá nguyên liệu như năm 2021.
Với Thép Nam Kim, Mirae Asset cho rằng NKG dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 tấn công suất tẩy mạ trong năm 2022 nhờ mở rộng nhà máy ở Bình Dương và tái cơ cấu kho hàng. CTCK này ước tính chi phí nâng cấp sẽ chỉ ở mức USD 5 triệu cho 200.000 tấn thép, tương ứng với suất đầu tư thấp, chỉ ở mức 1,1 tỷ đồng/tấn.
Do ảnh hưởng của giá quặng sắt giảm, Mirae Asset dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 đạt mức 28.144 tỷ đồng và 1.480 tỷ đồng, lần lượt tăng 0,6% và giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận