Cổ phiếu than vẫn còn dư địa tăng
Ngành than có triển vọng tích cực năm 2023
Bất chấp gặp nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn sản xuất được 39,4 triệu tấn than, tiêu thụ 46,5 triệu tấn (tiêu thụ trong nước 45,3 triệu tấn), tăng 8% so với kế hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 168.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ khi thành lập và tăng 28% so với năm 2021. Lợi nhuận đạt 8.100 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2021 và vượt gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Năm 2023, TKV đặt mục tiêu đạt 168.800 tỷ đồng doanh thu, sản xuất và tiêu thụ than tương đương năm 2022. TKV cho biết, Tập đoàn sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp cho từng đơn vị để thực hiện sản xuất - kinh doanh ổn định, bảo đảm cung cấp đủ than cho các đối tác, bạn hàng theo hợp đồng dài hạn đã ký kết.
Với Công ty cổ phần Than Mông Dương - Vinacomin (mã chứng khoán MDC), báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy, doanh thu trong kỳ đạt 939 tỷ đồng, tăng 68,6%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 92,5 tỷ đồng, tăng 823% so với quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, MDC đạt doanh thu 2.817 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế hơn 103 tỷ đồng, tăng 230% so với năm 2021.
Tương tự, Công ty Xuất nhập khẩu than (mã chứng khoán CLM) có kết quả kinh doanh quý IV/2022 ấn tượng khi đạt doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2022 hơn 13.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 391% và 393% so với cùng kỳ năm 2021. Về lợi nhuận, lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 44 tỷ đồng, tăng 450% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2022 đạt 337 tỷ đồng, tăng hơn 1.000% so với năm 2021.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý cuối năm 2022 như Than Cao Sơn (CST) lãi ròng 168 tỷ đồng, tăng 154%; Than Vàng Danh (TVD) lãi ròng 148 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC) có lợi nhuận lần lượt tăng 96% và 70% so với cùng kỳ…
Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu là những thị trường nhập khẩu than, than đá lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, sản lượng than xuất sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 5% tổng nhu cầu, nên nước này phải nhập khẩu từ các nước khác như Úc và Nga. Hiện tại, Trung Quốc vẫn thiếu hụt than trầm trọng, đặc biệt là than dành cho ngành năng lượng, phát điện.
Trong năm 2022, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu, trong đó có xăng, dầu, than, khí tự nhiên tăng khoảng 60%, do nhiều yếu tố như xung đột giữa Nga và Ukraine, dịch Covid-19 khiến Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố vì dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu...
Dự báo, năm 2023, giá than và các mặt hàng năng lượng sẽ giảm khoảng 11%, nhưng vẫn ở mặt bằng cao. Về sản lượng than, theo ông Kiên, trong năm nay sẽ tăng do nhu cầu từ Trung Quốc rất lớn và các thị trường khác đều ổn định về nhu cầu. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành than Việt Nam sẽ được hưởng lợi, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng than dự kiến được đẩy mạnh, doanh thu và lợi nhuận của các công ty than năm 2023 tiếp tục tăng trưởng.
Ông Kiên nhận xét, cổ phiếu ngành than vừa qua có đợt tăng giá mạnh, không ít mã tăng từ 100 - 150% sau 3 tháng, nhưng cổ phiếu ngành này vẫn còn dư địa tăng giá khoảng 20 - 30%, nhờ những tín hiệu kinh doanh tích cực năm 2023.
Các doanh nghiệp trong ngành than thường có cơ cấu cổ đông cô đặc, nên thanh khoản của cổ phiếu không cao, nhưng các doanh nghiệp lớn như Than Vàng Danh, Than Cọc 6, Than Núi Béo, Than Cao Sơn có khối lượng giao dịch từ 1 - 2 triệu cổ phiếu/phiên. Vì thế, ông Kiên cho rằng, cổ phiếu ngành than vẫn được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận