menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Cổ phiếu ngành nước bắt đầu được chú ý

Mặc dù có các chỉ tiêu tài chính tương đối tốt nhưng cổ phiếu ngành nước vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với làn sóng đẩy mạnh cổ phần hóa và các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), triển vọng đối với cổ phiếu ngành này đang có những thay đổi.

Phân hóa do lĩnh vực kinh doanh và địa bàn hoạt động

Cùng với ngành điện, cổ phiếu ngành nước được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường chứng khoán (TTCK) vì nước sạch là mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất, kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ ngày càng tăng.

Khi nguồn nước ngầm, nước mặt đối diện nguy cơ ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm, nhu cầu sử dụng nước trong tự nhiên được thay thế bởi nguồn nước sạch do công ty cấp nước cung cấp sẽ giúp các doanh nghiệp này có triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Hiện nay, có 12 mã cổ phiếu thuộc ngành nước đang được niêm yết trên thị trường, tuy nhiên mức độ phân hoá trong biên lợi nhuận gộp giữa các doanh nghiệp này là khá rõ nét. Những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất hiện nay có thể kể đến như Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) với gần 60%; Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) trên 50%; Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DNN) với 50%...

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp ở mức “khiêm tốn” hơn là Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (BTW) với khoảng 30%; Công ty cổ phần VIWACO khoảng 22%; Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (CLW) chỉ ở mức 10%.

Sự khác biệt về biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nước được cho là đến từ lĩnh vực kinh doanh và địa bàn hoạt động của những doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp tập trung vào công tác sản xuất (tức chỉ sản xuất hoặc kết hợp sản xuất và phân phối) thì có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với nhóm doanh nghiệp chỉ làm phân phối mà không có nhà máy sản xuất.

Điển hình như tại TDM, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu ngay từ khâu sản xuất nước sạch với việc sở hữu hai nhà máy nước Dĩ An và Bàu Bàng nên chủ động được nguồn chi phí sản xuất đầu vào. Về đầu ra, gần như toàn bộ sản lượng nước sản xuất của TDM hiện nay đều được phân phối qua kênh bán sỉ cho cho Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), sau đó được BWE phân phối đến người tiêu dùng.

Lợi thế của các doanh nghiệp sản xuất đến từ việc kiểm soát được chi phí đầu vào, đồng thời giá bán đầu ra cũng thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp bán lẻ.

Ở phương diện chính sách, đối với giá mua bán sỉ nước sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT quy định, giá bán buôn nước sạch do hai bên tự thỏa thuận để đảm bảo cả hai đều bù đắp được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý và không cao hơn giá bán lẻ do cấp thẩm quyền quy định.

Với giá bán lẻ, Bộ Tài chính quy định, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt áp dụng trong phạm vi cả nước và ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phê duyệt và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn của tỉnh.

Hệ quả là trong khi giá nước bán sỉ nhìn chung là do bên mua và bên bán có thể chủ động điều tiết theo chi phí gia tăng hàng năm, giúp doanh nghiệp sản xuất duy trì, thậm chí cải thiện biên lợi nhuận, thì với doanh nghiệp bán lẻ, mức giá tại từng địa phương sẽ do UBND tỉnh điều chỉnh, có khi cần rất nhiều thời gian, dẫn đến việc giá mua nước không tăng theo giá bán, gây tác động tới biên lợi nhuận.

Ngoài giá bán, các doanh nghiệp chuyên về phân phối còn chịu tác động từ yếu tố địa bàn kinh doanh, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Nguyên nhân là bởi mỗi doanh nghiệp ngành nước hiện chỉ được giao phụ trách một địa bàn nhất định. Điều này khiến khả năng mở rộng địa bàn kinh doanh gặp nhiều hạn chế.

Dần chuyển động tích cực

Mặc dù có các chỉ tiêu tài chính tương đối tốt nhưng cổ phiếu ngành nước vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do đặc thù xuất phát điểm là đơn vị nhà nước, mỗi công ty hầu như chỉ phụ trách cung cấp nước sạch cho một vài quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố khiến doanh nghiệp cấp nước có địa bàn kinh doanh giới hạn, quy mô tài sản, nguồn vốn khá nhỏ, thường chỉ ở mức dưới vài trăm tỉ đồng, phần nào kém hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn.

Thứ hai, do là ngành kinh doanh thiết yếu, chịu sự quản lý khá chặt chẽ bởi các chính sách giá của Nhà nước, mức tăng giá bán hàng năm thường chỉ bù đắp được mức tăng của tỷ lệ lạm phát, hầu hết đều không đầu tư ngoài ngành khiến doanh thu và lợi nhuận của các công ty cấp nước khó tăng đột biến.

Thứ ba, yếu tố địa phương trong hoạt động kinh doanh cũng khiến triển vọng của doanh nghiệp cấp nước ít được nhà đầu tư khu vực khác biết tới, nhất là khi các doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác quảng bá tên tuổi.

Thứ tư, sự sở hữu chi phối của cổ đông lớn nhà nước khiến lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng lưu hành ít, các cổ đông hiện hữu chủ yếu là nắm giữ dài hạn, dẫn đến thanh khoản cổ phiếu ngành nước đã thấp lại càng thấp hơn.

Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, với làn sóng đẩy mạnh cổ phần hóa, triển vọng đối với cổ phiếu và doanh nghiệp trong ngành nước được đánh giá đang thay đổi. Điều này một mặt đến từ việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn nhìn thấy sự hấp dẫn của ngành nước với đặc điểm là ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu, có nhiều yếu tố mang tính độc quyền, triển vọng tăng trưởng sáng nên đã tích cực M&A doanh nghiệp trong ngành, đẩy mạnh đầu tư, tạo nên những doanh nghiệp quy mô lớn hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Một số những nhà đầu tư đáng chú ý vào ngành nước thời gian qua có thể kể đến như Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)...

Không chỉ tăng sức cầu cổ phiếu trên thị trường, tạo nên đột biến trong giao dịch, mà chính hoạt động kinh doanh, quy mô của các doanh nghiệp ngành nước cũng đang dần thay đổi khi thoát khỏi cái bóng nhà nước. Sự năng động, linh hoạt của quản lý tư nhân kỳ vọng sẽ khai thác tốt hơn các tài sản hiện hữu, cải thiện hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại