Cổ phiếu ngành dược tăng nóng "ăn theo” thuốc điều trị Covid-19, chuyên gia cảnh báo
Nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm trong những phiên giao dịch gần đây liên tiếp tăng trần, được cho là “ăn theo” thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, giới chuyên gia đang đưa ra những cảnh báo “nóng”.
Nhóm cổ phiếu dược tăng trần liên quan đến thuốc điều trị Covid-19?
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Theo đó, 3 thuốc được cấp phép gồm: Thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và thuốc Movinavir của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekorpha.
Trong 3 doanh nghiệp trên, hiện chỉ có mã cổ phiếu MKP của Mekorpha được niêm yết trên UpCOM. Trước thông tin trên, cổ phiếu MKP ghi nhận 3 phiên tăng trần liên tiếp với mỗi phiên tăng xấp xỉ 15%, từ mức 43.000 đồng/CP lên 64.800 đồng/CP.
Bước sang phiên giao dịch hôm nay 23/2, cổ phiếu MKP tiếp tục tăng lên thêm 8,02%, đạt mức giá 70.000 đồng/CP, với thanh khoản đạt kỷ lục tới 622.200 cổ phiếu (khối lượng khớp lệnh trung bình của mã chứng khoán này chỉ khoảng hơn 8.000 cổ phiếu/phiên).
Không chỉ có mã MKP của Mekorpha tăng mạnh, đáng lưu ý, trong ngày 17/2, chỉ ít giờ sau khi Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc chứa hợp chất Molnupiravir, FPT Long Châu - trực thuộc Công ty Bán lẻ FPT (FPT Retail - mã chứng khoán FRT - một thành viên của Tập đoàn FPT), đã lập tức ký hợp đồng phân phối một triệu viên thuốc trị Covid -19.
Theo đó, hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu sẽ bán hai loại thuốc điều trị Covid-19 là Molravir 400 của Boston Việt Nam và Molnupiravir Stella 400 của Stellapharm tại hệ thống gần 500 nhà thuốc của mình ở 63 tỉnh thành.
Phản ứng với thông tin này, ngay trong phiên giao dịch cuối tuần 18/2, cổ phiếu FRT của FPT Retail đã tăng "bung nóc". Mã này tăng kịch biên độ lên 102.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch tăng gấp đôi so với phiên 17/2.
Tính đến phiên giao dịch hôm nay 23/2, cổ phiếu FRT đã tăng 5 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần, từ mức 94.000 đồng/CP lên đỉnh lịch sử 116.600 đồng/CP.
Một số mã chứng khoán ngành dược khác tưởng chừng như không hưởng lợi từ thông tin thuốc điều trị Covid-19 lần này, nhưng cũng đã liên tục tăng mạnh trong các phiên gần đây.
Điển hình như cổ phiếu VMD của Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) cũng ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần, từ mức giá 27.500 đồng/CP hiện đã tăng lên 34.150 đồng/CP.
Hoặc cổ phiếu DHG của Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đã liên tục tăng từ phiên 14/2 đến nay, từ mức giá 99.600 đồng/CP tăng lên 115.000 đồng/CP (phiên 23/2).
Chuyên gia cảnh báo gì với "sóng" dược phẩm?
Trước "sóng" cổ phiếu ngành dược phẩm những phiên gần đây tăng mạnh, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, về mặt tổng quan bình thường thì thông tin thuốc điều trị Covid-19 sẽ tạo trào lưu đầu tư vào cổ phiếu ngành dược. Và điều này chắn chắn sẽ được các nhà đầu tư lớn, chuyên "đánh" về cổ phiếu dược sẽ tận dụng cơ hội này để tạo "sóng".
Tuy nhiên, trong ngắn hạn nếu nhà đầu tư nào theo kịp con "sóng" thì vẫn có lãi, hoặc có thể đã đón đầu từ trước thì cũng có lợi. Song, trong bối cảnh hiện nay, có hai yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý.
Yếu tố thứ nhất, nói sâu về ngành dược thì phải biết rằng, không phải công ty ngành dược nào cũng được kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 và hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận tốt từ các loại thuốc này.
Thêm vào đó, đa số thuốc điều trị Covid-19 đều được nhập khẩu, trong khi giá bán đầu ra Chính phủ sẽ có giám sát, quản lý vì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cho nên, dù công ty dược nào được đứng trong nhóm phân phối thuốc chữa trị Covid-19 cũng không tự động có được biên lợi nhuận cực lớn.
"Cho nên, nhà đầu tư nếu cho rằng cổ phiếu ngành dược sẽ hưởng lợi và thấy cổ phiếu tăng trần mạnh mà nhảy vô thì coi chừng bị hố" – ông Phương chia sẻ.
Yếu tố thứ 2 mà nhà đầu tư cần lưu ý, là hiện nay xung đột giữa Nga và Ukraina không còn là xung đột giữa 2 quốc gia mà đã lan rộng sang liên minh Châu Âu, Mỹ và đang bắt đầu leo thang. Các cuộc họp để hòa giải thậm chí đã bị từ chối; đại sự quán các nước cũng đã bắt đầu rời khỏi Ukraina… Nói vấn đề này để thấy được rằng, khi đối đầu quân sự xảy ra thì thị trường tài chính thế giới và cả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
"Ít nhất về mặt tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Và trong bối cảnh này, nếu cổ phiếu ngành dược lại tăng nóng thì đây không phải là thời điểm tốt để nhà đầu tư lao vào con sóng này. Phải hết sức thận trọng", ông Phương lưu ý.
Cũng có cái nhìn thận trọng, một chuyên gia của chứng khoán SSI cũng cho rằng, tất cả các nhà sản xuất muốn đưa thuốc ra thị trường thì phải được cấp số lưu hành. Sau đó, họ cũng sẽ bán xuống các kênh như bình thường. Đây không phải khái niệm hàng độc quyền…
"Tóm lại, chỉ vài ngày, hoặc 1-2 tuần nữa chúng ta sẽ thấy thuốc trị Covid-19 tràn ngập tất cả các nhà thuốc, chứ không phải chỉ có ở đâu đó. Vì vậy, tôi cũng không khuyến nghị nhà đầu tư lao vào con sóng này" – chuyên gia này nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường