Cổ phiếu chứng khoán ngược dòng thị trường, liệu có tiếp đà bùng nổ?
Trước nhiều động lực tăng trưởng của các công ty chứng khoán những tháng cuối năm, cổ phiếu chứng khoán cũng được đà bùng nổ trong tuần qua.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 27,62 điểm, tương đương 2,04% xuống 1.329,43 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 18,7% lên 141.420 tỷ đồng, khối lượng tăng 14,2% lên 4.219 triệu cổ phiếu.
Đà giảm này đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư khi tình hình dịch bệnh vẫn ở trạng thái báo động đỏ. Đặc biệt là thông tin TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng và áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn được công bố ngay trước tuần giao dịch.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,1 điểm, tương đương 0,32% lên 338,06 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 31,3% lên 25.071 tỷ đồng, khối lượng tăng 21,8% lên 971 triệu cổ phiếu.
Trong phiên ngày 20/8, giá trị giao dịch trên toàn thị trường lập kỷ lục với hơn 48.300 tỷ đồng. Nguyên nhân là tâm lý lo sợ đã đẩy mạnh quá trình bán ra của nhà đầu tư.
Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm cổ phiếu “vua” ngân hàng và bất động sản có một tuần giao dịch khá ảm đạm, trong khi cổ phiếu chứng khoán lại lội ngược dòng ngoạn mục.
Cổ phiếu chứng khoán bùng nổ
Cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhất tuần là mã BMS của CTCP Chứng khoán Bảo Minh với mức 41,84%. Mở đầu tuần giao dịch, BMS tăng trần 14,4% và đà tăng mạnh tiếp tục được duy trì trong cả tuần. Nhờ đó, cổ phiếu tăng từ 14.100 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 13/8) lên 20.800 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 20/8).
Trong quý II/2021, doanh thu hoạt động của BMS đạt hơn 208 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng tự doanh khi lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 188,5 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu. Kết quả, Công ty lãi ròng hơn 127,6 tỷ đồng, gấp hơn 67 lần cùng kỳ năm 2020. Tính chung nửa đầu năm, BMS lãi ròng 140,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 36 tỷ đồng).
Tiếp theo đó, mã APG của CTCP Chứng khoán APG đã có một tuần giao dịch vô cùng ấn tượng. Cổ phiếu giữ được đà tăng trần suốt cả tuần với tổng mức tăng là 39,57%.
Đáng lưu ý, đà tăng của APG diễn ra ngay sau khi CTCP Louis Capital (mã TGG) công bố kế hoạch giải ngân 200 tỷ đồng để mua cổ phần của APG. Thông tin này sẽ được lấy ý kiến trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của TGG diễn ra vào ngày 6/9 tới đây. Nếu kế hoạch được thông qua, APG sẽ chính thức về chung nhà với Louis Capital.
Mã EVS của CTCP Chứng khoán Everest cũng phục hồi tăng 38,91% trong tuần này, sau khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm 23,40% vào tuần trước đó. Ngày 10/8, Công ty đã hoàn thành việc phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP cho 59 thành viên trong Công ty. Theo đó, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của EVS hiện nay là 63 triệu cổ phiếu.
Quý II vừa qua, EVS ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt là 118 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, gấp 3 lần và 6,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của EVS đạt 197 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 178 tỷ đồng, gấp 48 lần cùng kỳ.
Mã VIX của CTCP Chứng khoán VIX cũng có 3 phiên tăng trần và 2 phiên tăng mạnh trong tuần giúp cổ phiếu tăng 31,11%, nâng giá cổ phiếu từ 22.500 đồng/CP lên 29.500 đồng/CP. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với đà giảm trong tuần trước của VIX.
Mới đây, VIX đã công bố phương án phát hành hơn 146,8 triệu cổ phiếu phổ thông ra công chúng. Trong đó, VIX sẽ chào bán 127,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1 và gần 19,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 15%. Vốn điều lệ của VIX sau khi phát hành dự kiến tăng từ 1.277 tỷ đồng lên gần 2.746 tỷ đồng.
Cùng nằm trong nhóm cổ phiếu chứng khoán bùng nổ trong tuần, mã IVS của CTCP Chứng khoán Guotai Junan đã tăng 28,74%. Thanh khoản của IVS cũng cải thiện tốt hơn với trung bình đạt 277,7 đơn vị/phiên. Trước đó, thanh khoản của IVS chỉ dừng lại ở vài chục ngàn đơn vị mỗi phiên.
Kết quả kinh doanh quý II của IVS tương đối khả quan với doanh thu đạt 23 tỷ đồng, lãi ròng đạt 11,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 61,19% và 53,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do doanh thu từ hoạt động môi giới và doanh thu cho vay hoạt động ký quỹ tăng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu của IVS đạt 39,6 tỷ đồng, tăng 48,2%; lãi ròng đạt 19,8 tỷ đồng, tăng 40% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã CTS) cũng tăng 23,48% trong suốt tuần giao dịch, trong đó có 2 phiên tăng trần 7%. Đặc biệt, phiên ngày 20/8, thanh khoản của CTS đạt kỷ lục với hơn 6 triệu đơn vị, giá trị đạt 171,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số mã TVS cũng tăng 19,77% , AGR tăng 12,59% và BVS tăng 9,9%,…
Động lực tăng trưởng
Đà tăng của cổ phiếu chứng khoán đang cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư trong những tháng cuối năm. Trước đó, rất nhiều dự báo đã cho thấy dư địa tăng trưởng của nhóm ngành này, đặc biệt nhìn vào thanh khoản thị trường những phiên gần đây tăng vọt.
Tuy nhiên, diễn biến tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn còn là một ẩn số. Những con số siêu lợi nhuận của các công ty chứng khoán đạt được trong nửa đầu năm sẽ khó lặp lại hơn trong những tháng còn lại.
Trong báo cáo đánh giá triển vọng ngành chứng khoán trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận cuối năm của các công ty chứng khoán sẽ thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.
Kể cả đối với 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất là SSI, VCI, HCM và VND, lợi nhuận có thể chỉ tăng ở mức 7,7% so với cùng kỳ. Do đó, trong cả năm 2021, mức tăng trưởng lợi nhuận của 4 công ty ước đạt xấp xỉ 66,8% và con số này có thể rút xuống 21,4% trong năm 2022.
Tuy nhiên, SSI Research cũng chỉ ra động lực tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách mở rộng thận trọng. Lãi suất thị trường có thể tăng 0,5% điểm phần trăm trong khi đồng USD yếu đi.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường sẽ được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, nhu cầu tiêu dùng yếu, hoạt động kinh doanh ảm đạm và xu hướng gia tăng của nhóm nhà đầu tư mới.
Đặc biệt, động lực rất lớn sẽ đến từ kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, SSI đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 6.459 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng; VCI dự kiến sẽ phát hành 166,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm gấp đôi vốn lên 3.330 tỷ đồng; VND cũng có phương án tăng vốn lên khoảng 4.400 tỷ đồng,…
Mục đích tăng vốn của các công ty phần lớn là gia tăng năng lực cho vay ký quỹ và bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động khác. Như vậy, nếu triển khai thành công, lượng vốn này sẽ được quay trở lại thị trường chứng khoán giúp nhà đầu tư có thêm nguồn lực hỗ trợ “đón sóng” cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận