Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/8: PLX, GVR, CTD, HAH
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/8 của các công ty chứng khoán.
Chốt lãi khi cổ phiếu PLX tiếp cận ngưỡng giá 58.0
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 50.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20, báo hiệu nhịp hồi phục ngắn hạn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 52.3 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 58.0 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 50.0.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiên GVR
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiếu GVR của Tập Đoàn Cao Su Việt Nam với giá mục tiêu 35.700 đồng/ cổ phiếu, tương đương mức tổng lợi suất sinh lời 5,9% dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) cho mảng gỗ, cao su, khu công nghiệp và các mảng khác.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị dựa vào các yếu tố sau: Chúng tôi dự phóng biên gộp mảng cao su năm 2021 sẽ tăng mạnh từ 18.8% lên 23.3% nhờ giá bán cao su tăng trưởng 29,1% lên 1653 USD/ tấn. Trong giai đoạn 2021-2025, biên gộp của GVR sẽ tiếp tục đạt mức biên lợi nhuận cao gộp 22,8% nhờ định hướng phát triển theo hình thức thâm canh, qua đó giảm giá vốn nhờ giảm diện tích trồng cao su nhưng vẫn đạt tăng trưởng sản lượng bình quân 4.13% CAGR.
Theo chiến lược mới đề ra tại ĐHCĐ, trong 100.000 ha diện tích trồng cao su giảm đi 20.000 ha sẽ được sử dụng cho phát triển khu công nghiệp và 40.000 ha cho chuyển đổi cơ sở hạ tầng. Qua đó, GVR dự kiến sẽ nâng quỹ đất quản lý lên 26.000 ha, gấp 2,5 lần quỹ đất của Becamex, công ty quản lý khu công nghiệp lớn nhất hiện nay. Với đơn giá đền bù đất chuyển đổi cơ sở hạ tầng lên tới 0,6 tỷ đồng/ ha, chúng tôi cũng kì vọng khoản đền bù 40.0000 ha sẽ đóng góp không nhỏ cho GVR các năm tới.
Mảng CSCN và gỗ được kì vọng sẽ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 lần lượt là 17,5% CAGR và 10% CAGR. Chúng tôi đánh giá mảng cao su công nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh nhờ kế hoạch tăng gấp đôi công suất găng tay lên 5 tỷ chiếc/ năm và dự định M&A với Vinachem để khép kín chuỗi giá trị xăm lốp. Mảng gỗ tuy đã đạt 100% công suất nhưng vẫn là một mảng có dư địa tăng trưởng cao, do vậy kế hoạch phát triển sắp tới của Ban lãnh đạo sẽ là thực hiện M&A để gia tăng công suất mảng này.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu CTD
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2% còn 56.300 đồng/cổ phiếu do điều chỉnh giảm trung bình 17% Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2021-2025I trong bối cảnh ghi nhận lợi nhuận dự kiến chậm hơn trong năm 2021 và biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) dự báo thấp hơn trong giai đoạn 2021-2025, được bù đắp một phần nhờ số dư tiền mặt cao hơn vào cuối quý 2/2021 và vốn đầu tư thấp hơn trong giai đoạn dự báo.
CTD đã ký kết tổng giá trị hợp đồng mới trị giá 14,0 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Do con số này cao hơn kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi nâng dự báo giá trị hợp đồng ký mới năm 2021 lên 20 nghìn tỷ đồng từ 18 nghìn tỷ đồng trước đây, so với 7 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tiến độ xây dựng và tương ứng là việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2021 của CTD sẽ chững lại một phần do các gián đoạn gần đây từ dịch COVID-19 đối với hoạt động xây dựng tại một số tỉnh/thành phố.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng rằng giá vật liệu xây dựng cao (thép), cạnh tranh và quá trình tái cơ cấu của CTD sẽ ảnh hưởng đến EBIT. Do đó, chúng tôi giảm biên EBIT năm 2021 xuống 0,3% so với mức 1,7% trước đó do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021 và giảm 45% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của chúng tôi còn 1,91 nghìn tỷ đồng (-43% YoY).
Định giá của CTD với P/E 2021/2022 lần lượt là 25,5 lần/15,7 là khá phù hợp so với mức trung vị trượt 2 năm của các công ty cùng ngành trong nước là 9,6 lần, trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận 2021 thấp, dựa trên dự báo của chúng tôi.
HAH sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc tăng giá cước và nhu cầu logistics ngày càng cao
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) là chủ sở hữu của cảng Container Hải An tại Hải Phòng. Các hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm khai thác cảng, vận tải, và depot và hoạt động kho bãi.
Vận tải là mảng kinh doanh lớn nhất của HAH (chiếm 52,7% lợi nhuận gộp năm 2020), tiếp theo là khai thác cảng (36,9%) và các mảng khác (10,4%).
Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2021 tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá cước vận tải tăng, nhu cầu logistics phục hồi và giá dầu nhiên liệu giảm.
HAH đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho năm 2021 là 158 tỷ đồng (+8% YoY) mà theo quan điểm của chúng tôi là khá thận trọng. Hiện tại, kết quả lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2021 của HAH đã vượt kế hoạch cả năm 2021, chưa kể đến kỳ vọng của chúng tôi về triển vọng tích cực của ngành logistics trong năm 2021.
Trong năm 2021, chúng tôi dự báo HAH với mô hình kinh doanh tích hợp và đội tàu container lớn nhất Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc tăng giá cước và nhu cầu logistics ngày càng cao.
HAH hiện đang giao dịch với P/E trượt là 14,0 lần - cao hơn 48% so với mức trung bình của nhóm công ty cùng ngành mà chúng tôi đã lựa chọn là 9,5 lần. Chúng tôi cho rằng điều đó phản ánh kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư đối với lợi nhuận trong tương lai của HAH.
HAH thông báo sẽ trả DPS năm 2021 là 1.500 đồng - tương đương với lợi suất cổ tức khoảng 3%.
Rủi ro chính: (1) Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư có thể làm gián đoạn hoạt động và/hoặc tăng thêm chi phí hoạt động; (2) giá dầu nhiên liệu cao hơn có thể làm giảm biên lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận