Cổ phiếu cần chú ý ngày 7/3
Phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/3 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB
CTCK Phú Hưng (PHS)
Kết thúc năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSe) ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại với thu nhập lãi thuần tăng 26,6% so với năm trước lên 14.963 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% lên 3.095 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VIB tăng trưởng 32,1% lên 8.469 tỷ đồng. NIM cải thiện 35 bps so với cuối năm 2021 lên 4,77%, top 4 ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành.
Tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 1,8% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VIB đạt 53,9%, cải thiện so với mức 51,4% vào cuối năm 2021.
Do tình hình kinh tế kém khả quan hơn vào năm 2023 sẽ làm gia tăng rủi ro tín dụng mà các ngân hàng phải đối mặt. Qua đó, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 2,88% vào năm 2023.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 31.000 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TCB
CTCK Vietcombank (VCBS)
Triển vọng dành cho cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam là tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ở phân khúc bán lẻ: Cơ cấu tín dụng của TCB có xu hướng tăng trưởng nhanh ở phân khúc cho vay cá nhân và SME trong khi giảm tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục duy trì chỉ số CIR thấp hơn trung bình ngành nhờ đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng số: Việc đầu tư mạnh vào nền tảng ngân hàng số giúp TCB thu hút được số lượng lớn khách hàng mới qua kênh online.
Chúng tôi ước tính TCB có thể đạt 27.237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023 (tăng 6,53% so với năm trước đó), tương đương EPS đạt 6.093 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 38.225 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TCB với giá trị hợp lý là 27.618 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BID
CTCK Agribank (AGR)
Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID – sàn HOSE) đạt 5.381 tỷ đồng (tăng 91% so với cùng kỳ năm trước) nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 16%, đạt 17.680 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng giảm 25%.
Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 23.058 tỷ đồng (tăng 70% so với năm trước), hoàn thành 112% kế hoạch cả năm với đóng góp chính từ thu nhập lãi thuần tăng 20%, lãi hoạt động ngoại hối tăng mạnh 66% trong khi chi phí dự phòng giảm 19%.
Tổng tín dụng của BID tăng 12,1% so với đầu năm và sử dụng gần hết hạn mức được cấp là 12,7%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12,4% trong khi giá trị TPDN giảm 9% so với cùng kỳ và chỉ chiếm tỷ trọng gần 1% dư nợ tín dụng. Việc TPDN chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng tín dụng có thể giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro từ những biến động trên thị trường bất động sản và TPDN hiện nay.
BID là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023. Chất lượng tài sản ngày một cải thiện sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu đáng kể chi phí dự phòng trong thời gian tới, thúc đẩy lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tới nay cũng đã tăng mạnh khoảng 50% từ mức sụt giảm chung toàn thị trường giai đoạn cuối năm 2022. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID, hướng tới giá mục tiêu là 50.000 đồng/CP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận