menu 24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên bỏ trần chi phí lãi vay 30%?

Theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Kiến nghị bỏ trần chi phí lãi vay 30%

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 về "quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết".

HoREA cho biết, để tăng cường chất lượng công tác quản lý thuế đối với “doanh nghiệp có giao dịch liên kết”, tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Hiệp hội nhận thấy, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về việc xác định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết” là không hợp tình, hợp lý và đã làm cho “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời và có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, bởi các lẽ sau đây:

Một là, “chi phí lãi vay” phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là “chi phí hợp pháp” được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 (quy định nhà đầu tư “được sử dụng các nguồn vốn tín dụng”) hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (quy định khách hàng vay vốn phải có “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (quy định “có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên” có nghĩa là ngoài nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư còn có thể sử dụng các nguồn vốn khác, trong đó có “vốn vay”).

Hai là, “chi phí lãi vay” là “chi phí hợp pháp” thì cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp thì mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động của doanh nghiệp, mà đa số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết là những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật.

Ba là, cũng có một thiểu số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có “hoạt động chuyển giá”, kê khống giá làm tăng chi phí “ảo” để trốn lậu thuế và nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng “hoạt động chuyển giá” cần được quan tâm kiểm soát, mặc dù hiện nay đang chuẩn bị thực hiện “thuế tối thiểu toàn cầu” nhưng vẫn còn nhiều vấn đề “khó” phải được tiếp tục xem xét giải quyết.

Bốn là, với quy định “phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định.

Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ” thì lại có thể làm “thiệt thòi” cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo “lỡ bị” kinh doanh hòa vốn hoặc bị thua lỗ, kể cả trường hợp có lãi nhưng “chẳng may” lại rơi vào “trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo” không “thấp hơn mức quy định” thì coi như toàn bộ “phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo” bị mất trắng.

Do vậy Hiệp hội nhận thấy, không nên và không cần thiết khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế và trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nên áp dụng khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Thấu hiểu thực trạng tình hình thực tế trên đây và với tinh thần rất cầu thị, nên tại điểm đ khoản 4 Phần III của Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính “đ) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023”.

Hiệp hội được biết vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính đã phân công các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ, nhưng đến giữa tháng 10/2023 thì Tổng cục Thuế có văn bản xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính với đề xuất sẽ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP vào tháng 8/2024.

Hiệp hội nhận thấy, việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP sẽ càng làm cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại, bị thiệt thòi như phân tích trên đây.

Nhất là trong tình hình hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa rất hiệu quả để hỗ trợ cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng như cho phép chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; cho phép giảm 2% thuế GTGT, thuế TNDN, thuế môi trường, nên việc khẩn trương xem xét sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng là chính sách tài khóa hết sức cần thiết và cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/07/2023.

Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.

Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.

Tổng cục Thuế nói gì về việc khống chế lãi vay 30%?

Trước vấn đề này, chia sẻ trên công thông tin điện tử Tổng cục Thuế, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Tô Kim Phượng cho biết thực hiện Nghị quyết số 105, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trong quý 4/2023.

Thực hiện Nghị quyết số 105, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Qua đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Theo bà Phượng, việc khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các DN có giao dịch liên kết, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10%-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Theo đó, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế triển khai Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp DN vay ngân hàng thời gian qua nhiều DN có kiến nghị bỏ quy định này.

Qua ý kiến phản ánh của DN, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của DN, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của DN.

Bà Phượng cho biết theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, DN có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết như cho thuê, mượn, vay tài sản hữu hình, tài sản vô hình,... thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này để tránh việc sắp xếp làm thay đổi thu nhập tính thuế dẫn đến ảnh hưởng nghĩa vụ thuế phải nộp của từng DN.

Trường hợp DN không có quan hệ liên kết, độc lập với nhau có phát sinh các giao dịch cho mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực... thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Như vậy, không phải tất cả các giao dịch đều là giao dịch thuộc phạm vị điều chỉnh của Nghị định số 132.

Giao dịch liên kết hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, đặt biệt là trong vấn đề chuyển giá. Do đó, cơ quan thuế hàng năm đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, phòng ngừa sai phạm; cũng như nắm được những vướng mắc, bất cập để từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tính đến ngày 15/8 vừa qua, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 441 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 905 tỷ đồng, giảm lỗ 8.830 tỷ đồng, giảm khấu trừ 28,1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.632 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 294 tỷ đồng, giảm lỗ 7.078 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 940 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023, với danh sách 42 DN thuộc đối tượng kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau thuộc các lĩnh vực: bất động sản, xây dựng, dược, hóa mỹ phẩm...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu, trong những tháng cuối năm 2023, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, kiểm tra, rà soát các tờ khai, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những DN được miễn giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả