CII định tái hiện kịch bản LGC tại NBB?
Ngày 04/03/2024, CII thông báo sẽ nâng tỷ lệ sở hữu NBB từ 37.52% lên tối đa 79.8%. Động thái này có phần tương đồng với “màn ảo thuật” của CII tại LGC vào năm 2017.
“Tàu lượn” tỷ lệ sở hữu tại NBB
Từ tháng 02/2015 với tỷ lệ sở hữu 12.59%, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) bắt đầu chuỗi mua vào cổ phiếu CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB). Đến 28/05/2019, tỷ lệ sở hữu của CII chính thức vượt mức chi phối để thành công ty mẹ nắm 54.06% vốn NBB.
Sau đó, CII vẫn tiếp tục tăng sở hữu NBB, đến khi đạt 87.94% vốn vào ngày 21/10/2021.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau đó, từ ngày 26/10/2021, CII bắt đầu bán ra cổ phiếu NBB. Sau 6 lần bán, CII đã đưa tỷ lệ sở hữu NBB xuống dưới 50% (cụ thể là 49%) vào ngày 08/03/2022. Cộng thêm 2 lần bán ra sau đó, CII chỉ còn nắm 37.52% vốn NBB vào ngày 05/08/2022 và giữ nguyên cho đến nay.
Đầu tháng 3/2024, nghị quyết HĐQT ngày 04/03 của CII thông báo Công ty sẽ đưa NBB trở lại danh sách công ty con khi đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu lên 79.8%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 1 của CII ngày 24/04/2024, Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Bình cho biết CII hiện đã sở hữu được 55% vốn của NBB, qua đó sáp nhập BCTC của NBB vào BCTC quý 1/2024 của CII. Sắp tới, CII sẽ thực hiện chào mua công khai để nâng tỷ lệ sở hữu lên 79.8% như mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, từ thời điểm 05/08/2022 đến trước Nghị quyết 04/03, dù CII không trực tiếp giao dịch cổ phiếu NBB nhưng công ty con của CII là CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CEE) thực hiện mua NBB từ 02/11/2022-14/12/2023, tổng cộng hơn 11.5 triệu cp, nâng sở hữu từ 6.43% lên 12.02%, tương đương hơn 12 triệu cp NBB.
Trong giai đoạn CII tăng sở hữu NBB từ tháng 2/2015-21/10/2021, giá cổ phiếu NBB tăng gần 114%, đạt 42,550 đồng/cp vào cuối phiên 21/10/2021.
Bước sang giai đoạn bán ra từ 26/10/2021-05/08/2022, thời gian đầu, giá cổ phiếu NBB vẫn tăng và lập đỉnh lịch sử 59,700 đồng/cp vào cuối phiên 11/01/2022. Tuy nhiên ngay sau đó, giá “đổ đèo”. Đến khi CII ngưng bán ra, giá đã giảm hơn 68% so với đỉnh.
Diễn biến giá cổ phiếu NBB trong giai đoạn CII liên tục giao dịch từ 2015-2022
Nguồn: VietstockFinance
Trước khi HĐQT CII quyết định về việc trở lại làm công ty mẹ của NBB, cổ phiếu NBB từ tháng 05/2023 đã bắt đầu lấy lại đà tăng và tính đến đầu phiên 14/05/2024, giá đã tăng gần 78%.
CII muốn tái hiện kịch bản tại LGC?
Việc CII muốn đưa NBB trở lại thành công ty con có phần tương đồng với thương vụ của CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) khi CII từng hạ tỷ lệ sở hữu tại LGC xuống 49% vào năm 2016, sau đó nâng lại lên 54.31% vào năm 2017. Qua nghiệp vụ kế toán, CII thu về hơn 1.2 ngàn tỷ đồng doanh thu tài chính từ thương vụ.
Cụ thể, sau khi đưa LGC vào danh sách công ty con trong năm 2014 với tỷ lệ 87.46%, CII đã chuyển nhượng một phần cổ phần cho quỹ đầu tư nước ngoài MPTC, qua đó hạ tỷ lệ xuống còn 65.22%.
Điều đáng nói là theo Thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, CII thoái bớt vốn LGC nhưng vẫn còn nắm quyền kiểm soát (tỷ lệ còn lại trên 50%) thì 240 tỷ đồng lãi thu được từ chuyển nhượng sẽ ghi nhận vào mục Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán chứ không được hạch toán vào doanh thu tài chính.
Đến năm 2016, CII thông qua hoán đổi trái phiếu cho MPTC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại LGC xuống 49%, chuyển từ công ty con thành công ty liên kết. Theo Thông tư 202, CII sẽ được ghi nhận lãi từ thoái vốn, bên cạnh đó là kết chuyển phần lãi “treo” ở bảng cân đối trước đó vào kết quả kinh doanh hợp nhất. Theo đó, gần 581 tỷ đồng đã “chảy thẳng” về mục doanh thu tài chính của CII, chỉ từ việc hạ tỷ lệ sở hữu tại LGC.
Cơ cấu nguồn tiền 581 tỷ đồng được CII ghi nhận sau khi hoán đổi trái phiếu với MPTC
Nguồn: BCTC kiểm toán 2016 của CII
Chưa dừng lại, sang năm 2017, CII mua cổ phần LGC để nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 54.31%, một lần nữa trở thành công ty mẹ của LGC. Bằng cách vận dụng Thông tư 202, CII thu về hơn 1.2 ngàn tỷ đồng nhờ nghiệp vụ mua giá rẻ sau khi đánh giá lại giá trị hợp lý của LGC khi công ty này từ công ty liên kết thành công ty con.
Bút toán của CII sau khi trở lại thành công ty mẹ của LGC
Nguồn: BCTC kiểm toán 2017 của CII
Nhìn lại trường hợp của NBB, có thể thấy nhiều nét tương đồng với thương vụ LGC. Thông qua việc giảm sở hữu tại NBB xuống 49% vào tháng 03/2022, CII đã ghi nhận hơn 771 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh hợp nhất.
Thuyết minh về việc thoái vốn tại NBB của CII
Nguồn: BCTC kiểm toán 2022 của CII
Bên cạnh việc có cùng “lộ trình” thoái rồi lại tăng, thương vụ của CII tại LGC và NBB còn tương đồng về diễn biến giá cổ phiếu.
Cụ thể, CII mua lại cổ phần LGC tại thời điểm giá cổ phiếu này đã tăng hơn 13% so với cuối tháng 09/2016, lên hơn 23,000 đồng/cp. Sau đó, giá LGC tiếp tục tăng và vượt đỉnh 31,000 đồng/cp vào đầu tháng 03/2017.
Từ thời điểm CII hạ tỷ lệ sở hữu tại LGC xuống 49% đến khi mua lại, giá cổ phiếu LGC đã tăng hơn 13%, đạt 23,130 đồng/cp vào cuối phiên 17/02/2017. Sau đó, cổ phiếu LGC liên tục tăng và lập đỉnh 31,298 đồng/cp trong đầu tháng 3, qua đó đã giúp CII “lãi đậm” khi đánh giá lại khoản đầu tư vào LGC.
Giá cổ phiếu LGC tại thời điểm CII nâng tỷ lệ sở hữu lên 54.31%
Nguồn: VietstockFinance
Còn với cổ phiếu NBB hiện tại, giá vào cuối tháng 03/2024 đã tăng hơn 35% so với thời điểm CII hạ tỷ lệ sở hữu xuống 37.52% (phiên 05/08/2022). Liệu cổ phiếu NBB sẽ có “cú bứt tốc” như LGC đã từng? Và sau khi CII hoàn tất việc trở thành công ty mẹ NBB một lần nữa, sẽ có nghiệp vụ giá rẻ như câu chuyện giống tại LGC?
Diễn biến giá cổ phiếu NBB từ thời điểm CII hạ tỷ lệ sở hữu xuống 37.52% đến nay
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận