Chứng khoán: Đà tăng giá nóng của cổ phiếu thép sẽ kéo dài tới đâu?
Đà tăng giá nóng của cổ phiếu ngành thép chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang rơi vào giai đoạn không còn dễ tìm kiếm lợi nhuận như trước đó.
Mức tăng giá phi mã
Dẫn đầu cổ phiếu ngành thép là HPG của Hòa Phát. Tính từ ngày 31.3 đến nay, HPG đã tăng từ mức giá 46.800 đồng lên 58.100 đồng khi kết phiên giao dịch ngày 29.4. Như vậy trong 1 tháng giao dịch, HPG đã tăng giá 11.300 đồng, tương ứng mức tăng 24,1%.
Trong khi đó, tính từ thời điểm kết phiên ngày 31.12.2020 đến phiên 31.3.2021, HPG chỉ tăng 5.350 đồng (từ 41.450 đồng lên 46.800 đồng). Cho thấy, mức tăng trong tháng 4 vừa qua hơn gấp đôi so với cả 3 tháng đầu năm 2021. Tính chung từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu HPG tăng giá 40,1%.
Cổ phiếu điển hình thứ hai của ngành thép là HSG của Hoa Sen. Trong 1 tháng giao dịch vừa qua HSG tăng 3.350 đồng từ giá 28.400 đồng lên 31.750 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 11,8%.
Còn tính từ thời điểm 31.12.2020-31.3.2021, HSG tăng 6.250 đồng từ 22.150 đồng lên 28.400 đồng, tương ứng mức tăng 28,2%. Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4, HSG tăng giá 43,3%.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu NKG của thép Nam Kim tăng giá 11.000 đồng, từ mức 15.000 đồng lên 26.000 đồng, tương ứng mức tăng 73,3%. Riêng trong tháng giao dịch vừa qua, NKG tăng giá từ 23.000 đồng lên 26.000 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 8,8%.
Nhìn chung trong tháng 4 vừa qua, khó có cổ phiếu của ngành nào tăng giá mạnh bằng cổ phiếu ngành thép, mà nguyên nhân chính thúc đẩy cổ phiếu ngành này tăng giá chính là do giá thép đang tăng nóng liên tục trên thị trường. Đơn cử theo Hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), giá thép Việt Mỹ bán ra tại thời điểm quí IV/2020 là 13.145 đồng/kg, mức tăng giá tính đến thời điểm này khoảng 40%, tiến lên mức giá khoảng 18.370 đồng/kg.
Có nên đầu tư tiếp vào cổ phiếu ngành thép?
Nhìn chung trong khoảng 2 tuần giao dịch trở lại đây, cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG, NKG vẫn tiếp tục tăng, có nhiều phiên không tăng mạnh thì cũng tăng nhẹ chứ rất ít khi dừng lại. Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, mặc dù thời gian qua cổ phiếu thép tăng giá mạnh nhưng yếu tố thúc đẩy chính là giá thép trên thị trường. Một khi giá thép trên thị trường vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới thì giá cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán vẫn có khả năng tăng tiếp.
Trong khi đó, giá thép tăng lại gây rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến lỗ lã cho các doanh nghiệp xây dựng. Chính vì thế gần đây, VACC đã có văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị chỉ đạo các bộ ngành tiến hành kiểm tra, xử lí nguyên nhân khiến giá thép đang tăng nóng.
Song xét về thực tế thị trường, yếu tố nhu cầu gia tăng mạnh về vật liệu xây dựng đã giúp cho cổ phiếu ngành thép cũng được hưởng lợi theo.
Hiện nay, thị trường bất động sản mà cụ thể là phân khúc dự án căn hộ bắt đầu có dấu hiệu ấm dần, được dự báo sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 30%. Các công trình đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn cùng với nền kinh tế chung được dự báo tăng trưởng mạnh trở lại… giúp ngành thép nói riêng và ngành vật liệu xây dựng nói chung được hưởng lợi.
Theo Công ty chứng khoán Đông Á (DAS), những cổ phiếu có thể quan tâm đầu tư trong thời gian tới luôn có mặt nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách đầu tư công, xuất khẩu, bên cạnh những cổ phiếu ngành có cơ bản tốt, tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2021.
Bên cạnh nhu cầu trong nước gia tăng, nhu cầu thép trên thế giới cũng tăng khoảng 5% trong năm 2021, tạo thêm cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận