24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Đức Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chi phí lãi vay “cuốn phăng” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp

Thị trường gặp khó, cộng thêm chi phí lãi vay lại tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp “đi lùi” trong quý I/2023.

Thị trường gặp khó, cộng thêm chi phí lãi vay lại tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp “đi lùi” trong quý I/2023. Thậm chí, một số tập đoàn lớn, đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp còn ghi nhận thua lỗ nặng nề trong quý đầu năm nay.

* Vay ngắn hạn lên tới… hơn 12%
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) vừa công bố, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với kết quả khá bất ngờ khi ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 184 tỷ đồng. Dù lỗ lớn sau thuế nhưng Tập đoàn Lộc Trời lại ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 4,56% so với cùng kỳ, đạt 2.452 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình về sự biến động mạnh của lợi nhuận quý I/2023, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, dù doanh thu thuần có tăng nhưng do một số chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng nên khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Trong quý I/2023, Lộc Trời ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 17 tỷ đồng; đồng thời, chi phí lãi vay tăng gần 3 lần, lên tới 105,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 38 tỷ đồng.

Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính của Lộc Trời cho thấy, đến ngày 31/3/2023, Lộc Trời vay ngắn hạn tại các ngân hàng hơn 6.200 tỷ đồng và gần 105 triệu USD; trong đó, phần lớn là các khoản vay phát sinh trong quý IV/2022 và đầu năm nay, vay theo hình thức tín chấp, với mức lãi suất dao động từ 6 đến 9,5%. Đáng chú ý, có một số khoản vay ngắn hạn có lãi suất lên đến 11-12,28%.

Chẳng hạn, khoản vay hơn 211 tỷ đồng ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Hội sở chính, có mức lãi suất 10,5-11%; khoản vay hơn 430 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh – Trung tâm kinh doanh có lãi suất 11,3%; khoản vay gần 500 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh An Giang có lãi suất từ 10,5-11%...

Dù thời gian qua mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên cao, tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND như trên, rõ ràng là quá cao đối với hoạt động của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, nông nghiệp vốn dĩ là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa thời gian qua chỉ là 5,5%/năm.
Trong quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC), một doanh nghiệp chăn nuôi đứng đầu thị trường cũng ghi nhận lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn là do doanh thu giảm, trong khi chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay lại tăng mạnh.

Theo giải trình của Dabaco, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi vẫn liên tục tái phát. Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.

Không chỉ gánh nặng chi phí lãi vay, một số doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu còn phải “gánh” thêm phần lỗ do chênh lệch tỷ giá trong quý đầu năm nay.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC) - doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất xuất khẩu cá tra cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý I/2023.

Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực sụt giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 113%, khiến lợi nhuận trước thuế của Vĩnh Hoàn chỉ đạt 260 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Trong đó, Vĩnh Hoàn ghi nhận chi phí lãi tiền vay hơn 37 tỷ đồng, tăng gần 95%; cộng thêm lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 45 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ.

Chi phí lãi vay “cuốn phăng” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp
Đóng gói sản phẩm trứng gà để cung cấp ra thị trường tại nhà máy xử lý trứng gà sạch của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi (Tập đoàn Dabaco Việt Nam). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
* Áp lực tài chính đè nặng lên các doanh nghiệp
Vấn đề khó khăn của Dabaco ở trên cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp chăn nuôi trong thời gian gần đây. Trong tâm thư gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 3/2023, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, các công ty, trang trại trong nước, nông hộ ngoài việc gồng mình chịu đựng tình hình chung còn gặp áp lực cạnh tranh cực lớn từ các công ty FDI với nhiều thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào và là một ông chủ trên toàn chuỗi giá trị.

Theo ông Nguyễn Trí Công, giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến hàng loạt người dân và doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ nặng và treo chuồng. Gần như công ty, trang trại, hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại, nhưng gần như không thể tiếp cận ngân hàng. Thậm chí, nhiều lúc, nhìn đàn vật nuôi đói phải vay mượn “nóng” để mua cám làm khó khăn càng chồng chất.

Tại một hội nghị tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, vốn tín dụng hiện là vấn đề đang được cộng đồng các thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhất hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, hầu như các thương nhân đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động. Trong khi đó, thị trường thương mại lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể.

Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, việc thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cả về thị trường, nguyên liệu, tín dụng và sản xuất.

Hiện đơn hàng và giá xuất khẩu sụt giảm mạnh, nguy cơ mất khách hàng, tồn kho tăng lên; trong khi đó dòng tiền về bị hạn chế, ngắt quãng gây áp lực lên việc duy trì thu mua nguyên liệu cho người dân và trả các khoản vay đến hạn của ngân hàng.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đã tăng cao, đặc biệt là lãi vay USD. Các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu vay USD, các năm trước lãi vay USD chỉ từ 2,4%, nay đang là 4,2-4,9%. Các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Điều này khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên đáng kể trong khi thị trường xuất khẩu lại sụt giảm mạnh.

Trước diễn biến thị trường cũng như tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được kỳ vọng sẽ tiếp sức một phần cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Đây cũng là kiến nghị nhiều nhất của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách ưu đãi lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp nông nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn còn cao, thực tế việc triển khai thời gian qua chưa được như kỳ vọng.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng có phương án ổn định lãi suất trong những kỳ hạn nhất định hoặc có chính sách điều tiết riêng đối với doanh nghiệp nông nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định; đồng thời, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng…./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.55 +0.15 (+0.57%)
7.80 (0.00%)
72.10 +0.50 (+0.70%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả