menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vạn Lịch

Cần lưu ý những rủi ro nào đối với bảo hiểm liên kết ngân hàng?

Chiều 27/7, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance - Banca) tại Việt Nam đang nảy sinh một số rủi ro, bất cập.  

Cần lưu ý những rủi ro nào đối với bảo hiểm liên kết ngân hàng?
Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam có liên kết với một hoặc nhiều công ty bảo hiểm để phân phối sản phẩm bảo hiểm có liên quan các giải pháp hoạch định tài chính. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Tại Việt Nam, hoạt động Bancassurance tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ Bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tăng, từ 65 nghìn tỷ (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130 nghìn tỷ (chiếm 18,9%) năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh Bancassurance đã chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường Banca tăng trưởng 23%.

Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM), hoạt động Banca đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021, trong đó điển hình như: VIB đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; TCB đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife; ACB đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife….

Theo Bộ Tài chính, hiện hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu Banca trên 1.000 tỷ đồng. Hành lang pháp lý cho Banca dần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các NHTM và các tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Tuy nhiên theo TS Cấn Văn Lực, hiện vẫn có 4 rủi ro, bất cập chính đối với thị trường Banca tại Việt Nam. Đó là: Chất lượng tư vấn chưa cao do thực trạng hiện nay nhiều cán bộ tư vấn chưa hiểu hết những đặc tính kỹ thuật phức tạp của sản phẩm bảo hiểm cũng như mức độ ưu tiên công việc khác nhau; rủi ro đạo đức nghề nghiệp có thể xảy ra (ở một số nơi, một số trường hợp xảy ra hiện tượng gượng ép, xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng phân phối sản phẩm bảo hiểm…); rủi ro tại một công ty bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến NHTM với tư cách là đại lý hay đối tác hay cổ đông chiến lược hay công ty mẹ, và ngược lại; thông tin, dữ liệu còn thiếu trong khi quy định về cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định chưa có.

Trước đó, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ: Kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (Banca) đang trở thành kênh quan trọng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, mang đến hiệu quả cao. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng đội ngũ tư vấn bảo hiểm ở các ngân hàng đã tư vấn không đúng nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn trường hợp khách có nhu cầu vay vốn, tức đang thiếu tiền nhưng lại tư vấn tham gia bảo hiểm đầu tư. Những bất cập khiến khách hàng miễn cưỡng mua, mua một thời gian rồi hủy.

"Do đó, bên cạnh việc cơ quan quản lý ra chỉ đạo chấn chỉnh, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần kiểm soát tốt để kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trở lại đúng nghĩa, không gây ra phản cảm, mang đến lợi ích thiết thực", ông Ngô Trung Dũng cho biết.

TS Cấn Văn Lực cho rằng: Về giải pháp, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là nghiệp vụ Banca (trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan; đồng thời, có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định, giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử (e-KYC), cũng như quy định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng trong trường hợp này.

Các NHTM và công ty bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo cán bộ về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục để tránh gây hiểu nhầm, khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng hay bị ép buộc mua sản phẩm bảo hiểm; NHTM và công ty bảo hiểm cần phối hợp xây dựng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, phù hợp với kênh bán qua ngân hàng, nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của cả ngân hàng và khách hàng (ví dụ sản phẩm bảo hiểm được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khách hàng khi vay vốn tại ngân hàng…)

Theo một số chuyên gia trong ngành tải chính, dư địa phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và Banca nói riêng là lớn: Mức độ thâm nhập (bao phủ) bảo hiểm hiện nay của Việt Nam mới khoảng 2,7% GDP và Chính phủ đặt mục tiêu đạt khoảng 3,5% GDP đến năm 2025; với bảo hiểm nhân thọ, mức độ bao phủ của bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ 11% so với 50% của Malaysia hay 80% của Singapore); tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng vẫn còn thấp (5 - 8% lượng khách hàng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại