“Cá tôm” đắt hàng mùa cổ tức
Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản được nhận định tăng trưởng tích cực trong năm nay, qua đó tiếp tục có nguồn để chia cổ tức ở mức cao.
Cổ tức nhìn chung hấp dẫn
Mùa đại hội cổ đông thường niên 2024, nhiều nhà đầu tư ngóng thông tin về phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức của các doanh nghiệp, trong đó có nhóm thủy sản, bởi lịch sử chia cổ tức bằng tiền mặt khá cao.
Ngày 19/4 tới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Thủy sản Bến Tre, mã chứng khoán ABT) sẽ chi trả cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%. Với gần 11,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền mà doanh nghiệp trả cổ tức đợt này là hơn 23,5 tỷ đồng, phần lớn chi trả cho Công ty cổ phần Tập đoàn PAN khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ABT lên tới 76,47%.
Đầu tháng 8/2023, Thủy sản Bến Tre chi khoảng 6 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5% mệnh giá. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 25%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, doanh nghiệp giữ mức chi trả cổ tức 25%.
Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), đại hội cổ đông năm 2023 đã thông qua kế hoạch trả cổ tức 40%, trong đó 20% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu. Vĩnh Hoàn duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt 20% trong giai đoạn 2020 - 2023 và giá trị cổ tức chỉ chiếm một phần nhỏ trong lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) hàng năm nên cổ phiếu thu hút nhà đầu tư, giá trong một năm qua có diễn biến tăng mạnh.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 19/4. Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sớm quyết định phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt ở mức 20% như kế hoạch, vì lợi nhuận vẫn khả quan (lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 276 tỷ đồng). Năm 2022, cổ tức mà Thực phẩm Sao Ta chi trả là 20% bằng tiền mặt, thực hiện vào tháng 5/2023, tổng cộng hơn 130 tỷ đồng.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã chứng khoán MPC), mặc dù năm 2023 kinh doanh thua lỗ (chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh), nhưng ngày 22/12/2023 vẫn chi hơn 164 tỷ đồng trả cổ năm 2022 theo tỷ lệ 4,11% cho gần 400 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trước đó, Minh Phú gia tăng chia cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ 23% năm 2021, tỷ lệ 20% năm 2020, tỷ lệ 15% năm 2019.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (I.D.I, mã chứng khoán IDI) không chia cổ tức năm 2022 vì lý do giữ lại phần lợi nhuận để tái đầu tư phát triển kinh doanh. Năm 2023, đại hội cổ đông I.D.I thông qua kế hoạch chi cổ tức với tỷ lệ 5 - 10% bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Do lợi nhuận trong năm qua sụt giảm nên Công ty chưa thực hiện tạm ứng cổ tức.
Triển vọng kinh doanh khả quan
Đầu tư cổ phiếu nhằm hưởng cổ tức bằng tiền mặt là chiến lược của nhiều nhà đầu tư.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản là 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản được nhận định sẽ phục hồi, giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện kết quả kinh doanh, dù mục tiêu tăng trưởng chung không cao, tăng 3 - 5% so với năm 2023, đạt 9,5 - 10 tỷ USD.
Thực tế, trong 2 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ cùng tăng 37%, cá tra tăng 15%, các loại khác tăng 8%. Một số thị trường ghi nhận tăng trưởng mạnh là Mỹ, Trung Quốc, Úc.
Năm 2024, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thủy sản niêm yết được Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 20 - 30%.
Thủy sản Bến Tre được nhìn nhận có thế mạnh ở sản phẩm cá tra, nghêu. Sản phẩm cá tra của Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu vào EU khi khu vực này áp mức thuế 13,7% đối với cá minh thái (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) và cá tuyết nhập khẩu có xuất xứ từ Nga (mức thuế trước đó là 0%). Tương tự, cuối tháng 12/2023, Mỹ bổ sung lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản được chế biến ở quốc gia thứ ba nhưng có nguồn gốc từ Nga, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ở bang Alaska khi 35% sản lượng hải sản ở đây là cá minh thái Nga sơ chế ở Trung Quốc. Trong khi đó, Nga quy định mức thuế xuất khẩu thủy sản từ 4 - 7% kể từ ngày 1/10/2023 đến hết năm 2024. Theo đó, cá tra Việt Nam có thêm dư địa tăng trưởng ở EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Với Vĩnh Hoàn, Công ty được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2024 khi có hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra và các mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra, với lợi thế gần như tự chủ được nguồn nguyên liệu, duy trì vị thế doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu sang thị trường Mỹ.
Công ty Chứng khoán DSC dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn tại các thị trường xuất khẩu kể từ quý II/2024, giúp Vĩnh Hoàn có đà tăng trưởng mạnh, cả năm 2024 có thể đạt 11.445 tỷ đồng doanh thu và 1.476 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 55% so với năm 2023.
Tại Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp này có thế mạnh về mặt hàng tôm, mục tiêu năm 2024 là phát triển thị trường Nhật Bản, thâm nhập thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Hiện Công ty có 3 nhà máy (Nam An, Sao Ta, Tin An) và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn, sản lượng cung cấp dự kiến trên 16.000 tấn/năm.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta đạt doanh thu 30,5 triệu USD (tương đương 752 tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn của ngành thủy sản đang dần qua đi, kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới, đó là phục hồi và tăng trưởng, dù có những thách thức như nhu cầu thị trường thế giới chưa ổn định, giá cước vận tải biển gia tăng, “thẻ vàng” IUU của EU đối với thủy sản Việt Nam chưa được gỡ bỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận