Bức tranh tài chính doanh nghiệp xây dựng: Gạt phấn son, nhìn con số thật
Lướt qua bức tranh kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp xây dựng, có thể thấy một sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lẫn quý liền kề trước đó. Thế nhưng, sự cải thiện ấy chỉ là bề nổi. Trên thực tế, nỗi buồn vẫn kéo dài miên man.
Vui là vui gượng
Quý III/2023 đã chứng kiến một sự đổi thay theo hướng tích cực trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng. Biểu hiện rõ rệt là số doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đã nhiều hơn, số doanh nghiệp thua lỗ ít đi.
Cụ thể, có tới 11/19 doanh nghiệp được Đầu tư Tài chính chọn lựa thống kê có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng, gồm: Coteccons (HoSE: CTD), Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1), Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC), Licogi 18 (HNX: L18), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN), Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG), Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL), Xây dựng Số 5 (HoSE: SC5), Công ty Cổ phần SCI (HNX: S99), SCI E&C (HNX: SCI) và Sông Đà 11 (HNX: SJE).
Trong số này, có những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế rất ấn tượng, như: PHC tăng 11 lần, TTL tăng 8 lần, SC5 tăng 7 lần, SCI tăng 2 lần, HAN tăng 91%. Số doanh nghiệp thua lỗ chỉ có Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) và Tập doàn Đua Fat (UPCoM: DFF). So với quý liền kề trước đó, những SCG, CC1, FECON (HoSE: FCN) đã rời khỏi nhóm lỗ sau thuế, riêng SCG chặt đứt được mạch thua lỗ 3 quý liên tiếp.
Tuy nhiên, những điểm tích cực nêu trên cũng chỉ như lớp phấn son phủ lên một gương mặt đã tàn. Trên thực tế, các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang “quằn quại” chống chịu cơn khủng hoảng.
Xét nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, các đơn vị có mức tăng bằng lần chỉ ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế rất thấp: PHC chỉ 4 tỷ đồng, TTL chỉ 4,2 tỷ đồng, SC5 chỉ 9 tỷ đồng, SCI chỉ 8 tỷ đồng, HAN chỉ 11 tỷ đồng. Việc tăng trưởng bằng lần chỉ đơn giản là do nền so sánh (tức quý III/2022) quá thấp.
Mặt khác, với các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế ở mức khá, vài chục tỷ đồng, như: L18 (17 tỷ đồng), CC1 (24 tỷ đồng), SCG (14 tỷ đồng), SJE (29 tỷ đồng), S99 (59 tỷ đồng), Vinaconex (HoSE: VCG) 92 tỷ đồng… không phải đơn vị nào cũng có được lợi nhuận từ “thực lực” – tức nhờ cải thiện giá vốn và chi phí (như L18, CC1, SJE).
Không ít đơn vị đã phải nhờ vào những khoản “phi kinh doanh” để thoát lỗ hoặc có lợi nhuận tốt. Ví dụ như S99 vốn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh, nhờ có 87 tỷ đồng lợi nhuận khác mà có lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng. Tương tự là SCI lỗ thuần, nhờ 85 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng bảo hành mà có lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng. Hay như VCG, phải nhờ đến khoản hoàn nhập dự phòng mà có lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng. Một trường hợp khác là SCG lại phải nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến tới 121% để có lợi nhuận trước thuế 14 tỷ đồng.
Một khía cạnh đáng xem xét khác cho thấy ngành xây dựng vẫn đang u ám là nhiều đơn vị có mức lợi nhuận trước thuế rất thấp, hoặc sụt giảm quá mạnh, như Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 65%, FCN chỉ 1 tỷ đồng, giảm 77%, Ricons chỉ 5,5 tỷ đồng, giảm 87%, Cotana (HNX: CSC) chỉ 10 tỷ đồng, giảm 84%. Ngay đến Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) – một “ông kẹ” thực thụ với lợi nhuận trước thuế khá lớn, đạt 272 tỷ đồng, cũng giảm 18% so với cùng kỳ, dù cho doanh thu quý này đã đạt đến đỉnh cao trong vòng 15 quý trở lại đây.
Và u ám hơn cả là mức lỗ khổng lồ của HBC. Quý III/2023, HBC lỗ trước thuế 164 tỷ đồng và lỗ sau thuế 170 tỷ đồng, là quý lỗ sau thuế thứ 4 liên tiếp. Khoản lỗ này đã đưa tổng lỗ lũy kế của HBC lên tới 2.980 tỷ đồng, lớn chưa từng có, khiến vốn chủ sở hữu bị “bào mòn” rất mạnh, chỉ còn 352 tỷ đồng.
Doanh nghiệp duy nhất xứng đáng được ngợi khen trong quý III/2023 là Coteccons (HoSE: CTD). Quý này là quý đầu tiên của năm tài chính mới, và CTD đã cho thấy mức tăng trưởng doanh thu tới 32% (đạt 4.124 tỷ đồng), lớn thứ 2 kể từ năm 2020 trở lại đây; lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng, cải thiện ngoạn mục so với khoản lỗ 3 tỷ đồng của cùng kỳ. Nói không ngoa, CTD đang là cái tên cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ nhất, khẳng định cho sự trở lại thực sự như những gì ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã tuyên bố.
Chênh vênh
Không chỉ còn yếu ở hoạt động kinh doanh, bức tranh tài sản của các doanh nghiệp xây dựng cũng tiếp tục duy trì tình trạng chênh vênh như trước đó. Thống kê cho thấy, giá trị tồn kho của nhiều doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản trong 9 tháng qua, như: CSC tăng 1,8% (chiếm 71% tài sản), HBC tăng 3,5% (chiếm 16%), SCG tăng 5% (chiếm 4%), L18 tăng 29% (chiếm 51%), SC5 tăng 32% (chiếm 41%), HAN tăng 41% (chiếm 30%) và SCI tăng 91% (chiếm 40%).
Giá trị các khoản phải thu cũng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản ở một số đơn vị như: DFF tăng 3% (chiếm 43% tài sản), SJG tăng 5% (chiếm 30%), L18 tăng 5% (chiếm 33%), TTL tăng 13% (chiếm 48%), SC5 tăng 14% (chiếm 40%), PHC tăng 65% (chiếm 74%).
Tổng tỷ trọng của các khoản phải thu và hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp đã lên tới mức rất cao, rất đáng quan ngại như: SC5 81%, HBC 83%, L18 84%, CSC 89%, HTN 91%, SCG 95%, PHC 95%.
Đây là nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp xây dựng âm nặng trong 9 tháng qua như: FCN (-61 tỷ đồng), CSC (-132 tỷ đồng), TTL (- 207 tỷ đồng), PHC (-281 tỷ đồng), SC5 (-285 tỷ đồng), SCG (-296 tỷ đồng), L18 (-347 tỷ đồng), HAN (-495 tỷ đồng).
Đáng chú ý, không có nhiều doanh nghiệp cải thiện được mức dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (chỉ số phản ánh nợ xấu). Các đơn vị có mức dự phòng cao nhất là: SJG 2.176 tỷ đồng, HBC 2.504 tỷ đồng; tăng trưởng mạnh nhất là: SCI tăng 64% lên 100 tỷ đồng, Ricons tăng 89% lên 37 tỷ đồng.
Hệ quả của những điều này là các doanh nghiệp hầu như không có cải thiện đáng kể nào về số nợ phải trả, thậm chí một số đã phải tăng cường vay nợ, khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu duy trì hoặc bị đẩy lên mức cao như: CC1 2,85 lần, TTL 3,15 lần, PHC 3,33 lần, DFF 3,75 lần, HAN 3,86 lần, HTN 4,1 lần, SCG 4,94 lần, L18 6 lần, SC5 6,15 lần và cá biệt là HBC 38 lần!
Theo giới quan sát, thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi mạnh trong ngắn hạn, đồng nghĩa các doanh nghiệp xây dựng vẫn còn phải đối diện với khó khăn trong trung – dài hạn. Vì thế, câu chuyện về sự yếu ớt của kết quả kinh doanh lẫn sự kém chất lượng trong bức tranh tài sản sẽ còn đeo đẳng nhiều đơn vị.
Tương lai luôn khó đoán, song thị trường luôn cho phép doanh nghiệp nào cải biến, nắm bắt cơ hội được thành công, ví như CTD; ngược lại, đó có thể là con dốc trượt dài mà mỗi quý vụt qua, cửa sinh tồn lại thêm phần khắc nghiệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường