menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Bất ổn tài chính toàn cầu nhìn từ vụ bà Liz Truss từ chức

Lãi suất tăng gây biến động tài chính toàn cầu nhưng chiến lược kinh tế của bà Truss còn khiến thị trường tài chính nước này khủng hoảng hơn.

Bà Liz Truss từ chức Thủ tướng Anh hôm 20/10, chỉ sau 45 ngày tại vị. Một trong những nguyên nhân là kế hoạch tăng vay nợ chính phủ và cắt giảm thuế bất chấp lạm phát trên 10% của bà khiến thị trường tài chính nước này hỗn loạn.

Theo Washington Post, bà Truss thất bại vì đưa ra một kế hoạch kinh tế đầy rủi ro mà không được các nhà phân tích độc lập xem xét. Kết quả là, các quỹ hưu trí của Anh đã trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng.

Tại Anh, nhiều nhà quản lý quỹ hưu trí đã dùng một chiến lược được gọi là đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lý (LDI). Nó được thiết kế nhằm mục tiêu giúp kiếm thêm lợi nhuận từ lương hưu trong thời kỳ lãi suất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Với LDI, các quỹ về cơ bản sẽ cầm cố trái phiếu, để đổi lại tiền mặt. Họ dùng nguồn vốn này để tái đầu tư nhằm tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, kế hoạch kinh tế mà bà Truss tung ra khiến giới đầu tư lo ngại chính phủ sẽ vay mượn nhiều hơn, gây bất an về nợ công giữa lúc lãi suất tăng cao. Kết quả, trái phiếu chính phủ Anh mất giá và lợi suất tăng đột biến. Điều này buộc các quỹ hưu trí phải phải nhanh chóng huy động tiền mặt để bù đắp chênh lệch giữa giá trị ban đầu của trái phiếu họ đã cầm cố và mức giá thấp hiện tại.

Cách nhanh nhất để huy động tiền là bán trái phiếu chính phủ. Nhưng điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn: giá trái phiếu giảm đồng nghĩa với nhu cầu về tài sản thế chấp nhiều hơn, đòi hỏi phải bán trái phiếu nhiều hơn, đẩy giá xuống nhiều hơn.

"Đây là những điều chúng ta đã thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính và đó là điều đáng lo ngại. Chúng ta không biết rủi ro tiếp theo sẽ thay đổi thị trường là gì", John Waldron, Chủ tịch kiêm CEO Goldman Sachs, bình luận.

Những biến động trên thị trường tài chính Anh có thời điểm được các nhà đầu tư đánh giá là có rủi ro tín dụng còn tệ hơn so với Italy. Sau những khó khăn bất ngờ của các quỹ hưu trí, nỗi lo một thành phần nào đó tiếp theo trong nền tài chính sẽ lao đao nếu lãi suất tiếp tục tăng dâng lên.

Các nhà phân tích cho biết, các quỹ tương hỗ trái phiếu, quỹ lương hưu, trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ các nơi đều đang được dò xét kỹ lưỡng để tìm ra những điểm yếu tiềm ẩn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.

"Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có điều gì đó xảy ra. Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng sẽ có rạn nứt thị trường tài chính trước khi có rạn nứt kinh tế", Eric Robertsen, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu và chiến lược gia chính của Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá.

Sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ, Fed đang dẫn dắt các ngân hàng trung ương thắt chặt tín dụng để chống lạm phát. Lãi suất đã tăng mạnh hơn ở Mỹ, Anh, châu Âu, Canada và hàng chục quốc gia nhỏ hơn.

Biến động của thị trường trái phiếu toàn cầu trong tháng này đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Theo các nhà phân tích, khó khăn của thị trường không có nghĩa là một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra. Nhưng nó cho thấy sự chuyển đổi nhọc nhằn của nền kinh tế toàn cầu từ hơn một thập kỷ lãi suất thấp sang thời kỳ tín dụng đắt đỏ. Với việc Fed hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường dự báo vẫn sẽ có nhiều biến động.

Tính đến nay, trên toàn cầu, cổ phiếu đã mất giá trị khoảng 30.000 tỷ USD trong năm nay. Trong khi, trái phiếu trải qua một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử. Càng nguy cơ hơn khi nền tài chính thế giới lại được thiết lập lại trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, với cuộc chiến ở Ukraine và quan hệ Mỹ - Trung suy giảm.

"Nguy cơ thắt chặt tiền tệ một cách mất trật tự có thể bị khuếch đại bởi các lỗ hổng được hình thành trong nhiều năm", Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo trong tháng này. IMF cho biết rủi ro ổn định tài chính đã tăng lên kể từ tháng 4.

Trong hơn một thập kỷ, trong khi lãi suất ở mức thấp và Fed tích cực mua chứng khoán chính phủ, rất dễ dàng cho các nhà đầu tư bán tài sản. Còn hiện tại, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ, các thị trường thanh khoản thông thường trở nên tắc nghẽn hơn. Các nhà đầu tư muốn thoát hàng, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc Mỹ, gặp phải sự chậm trễ hoặc chênh lệch lớn giữa giá chào bán của họ và những gì người mua sẽ trả.

Vì chứng khoán chính phủ Mỹ hậu thuẫn được coi là không có rủi ro nên giá của chúng là chìa khóa để xác định giá trị của các tài sản tài chính khác. Vì vậy, tình hình giao dịch của chúng có thể tác động sang các thị trường. "Tính thanh khoản đang giảm dần ở các thị trường và chúng ta sẽ thấy ở một loạt tài sản", Megan Greene, Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Viện Kroll, nói.

Và những rắc rối nơi này có thể lan sang nơi khác. Ví dụ, các tập đoàn có xếp hạng tín dụng yếu có thể bị hạ cấp xuống hạng "rác", điều này sẽ buộc một số nhà quản lý danh mục đầu tư phải bán trái phiếu của họ. Khi những trái phiếu công ty đó giảm giá trị, những nhà đầu tư mua chúng bằng tiền đi vay có thể bị "call margin". Vì vậy, họ sẽ bán các tài sản khác, khiến các tài sản đó bị mất giá.

Nếu lãi suất vẫn ở mức cao, các công ty và chính phủ sẽ tiếp tục chịu áp lực nghiêm trọng. Trong những giai đoạn thị trường bất ổn trước đây, Fed thường sẽ can thiệp. Tháng 3/2020, khi giá cổ phiếu giảm và giao dịch chứng khoán kho bạc tăng lên, Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0 và bổ sung hơn 4.000 tỷ USD chứng khoán vào bảng cân đối kế toán của mình.

Nhưng theo các nhà phân tích, với lạm phát đang ở mức cao, Fed có thể sẽ không muốn can thiệp bằng những cách cũ này. "Chúng ta đang ở trong một chu kỳ còn rất dài trước khi đến lúc lãi suất được cắt giảm lại. Tôi lo lắng hơn về việc hệ thống sẽ bị đổ vỡ vì Fed không dừng lại", Priya Misra, Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất toàn cầu của TD Securities, nhận định.

Không chỉ lãi suất tăng ảnh hưởng đến tài chính chính phủ Anh. Các nước nặng nợ như Italy có thể phải giảm kế hoạch vay nợ. Hiện tại, 19 quốc gia đang phát triển phải trả thêm 10 điểm phần trăm cao hơn khoảng 4 phần trăm so với mức 4% mà chính phủ Mỹ đang trả cho trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, theo UNDP.

Theo Financial Stability Board, thị trường trái phiếu chính phủ có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn so với các cú sốc đã diễn ra trong thập kỷ qua. Giao dịch trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đang kém thanh khoản hơn bất kỳ lúc nào kể từ tháng 4/2020, theo Bloomberg.

Fed cũng đã ngừng tái đầu tư số tiền mà họ nhận được từ chứng khoán đáo hạn, điều mà một số nhà đầu tư cho rằng đã ảnh hưởng đến nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc. Bộ Tài chính Mỹ tháng này đã khảo sát các nhà giao dịch về việc liệu họ có ủng hộ chính phủ mua lại một số chứng khoán hay không; và nếu có, nó nên được cấu trúc như thế nào. "Chúng tôi lo lắng về sự mất thanh khoản trên thị trường", bà Yellen nói trong tháng này.

Phiên An (theo Washington Post)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại