Ai đang nhận lương cao nhất tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam?
Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, trong năm 2022, Phó Tổng Giám đốc Lê Quang Trung nhận thu nhập cao nhất so với các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát; thậm chí cao hơn Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.
Quý IV/2022 kéo lợi nhuận cả năm đi lùi
Ngày 30/1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 và kết quả kinh doanh cả năm 2022.
Theo đó, trong kỳ, doanh nghiệp báo doanh thu thuần ở mức 3.325 tỷ đồng, giảm gần 470 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn gần như đi ngang với quý IV/2021, kéo lợi nhuận xuống mức gần 721 tỷ đồng, giảm khoảng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 187,6 tỷ đồng (quý IV/2021) về mức 160 tỷ đồng; lãi từ công ty liên doanh, liên kết vỏn vẹn 54,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lên tới 681,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 22% và 32,57% so với quý IV/2021, lên 43,37 tỷ đồng và 455,5 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, chi phí tăng khiến lợi nhuận thuần trong kỳ giảm sốc từ mức 1.517 tỷ đồng về hơn 277 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác cũng giảm về 62,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 195,7 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, VIMC đạt 213,65 tỷ đồng lãi sau thuế, chỉ bằng 1/7 so với mức 1.522 tỷ đồng của quý IV/2021, trong đó, lợi nhuận sau thuế TNDN công ty mẹ là 182,2 tỷ đồng.
Lý giải về việc kinh doanh sụt giảm, VIMC cho biết, những tháng đầu năm 2022, thị trường vận tải biển vẫn duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, thị trường đã bị suy giảm dẫn đến hoạt động lĩnh vực vận tải biển không giữ được đà tăng trưởng như các tháng đầu năm.
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp báo doanh thu 14.350 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.970 tỷ đồng, khoản lợi nhuận khác 345,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý IV/2022 sụt giảm mạnh mẽ nhưng nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các quý trước đó đã kéo lãi sau thuế của VIMC không bị thụt lùi quá sâu, ở mức 2.566 tỷ đồng, giảm 23% so với năm ngoái.
Mặc dù kinh doanh đi lùi nhưng điểm sáng tại báo cáo hợp nhất quý IV/2022 của VIMC là doanh nghiệp này đã cải thiện được khoản nợ vay, giảm từ gần 15.046 tỷ đồng thời điểm đầu năm về gần 12.818 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2022, tổng nguồn vốn của công ty ở mức 26.928 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ so với đầu năm, trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 14.110 tỷ đồng.
Ai đang nhận lương cao nhất tại VIMC?
Đáng chú ý, cũng tại báo cáo hợp nhất này, phía Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có giải trình về khoản vốn góp tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Cụ thể, Tổng Công ty đã ký hợp đồng số 01/2019/VNL-HT/CGCP ngày 27/5/2019 về việc chuyển giao quyền sở hữu cổ phần của Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP) với Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hợp Thành). Ngày 29/5/2019, việc chuyển giao quyền sở hữu hơn 30,3 triệu cổ phần tương đương 75,01% vốn điều lệ QNP cho Tổng Công ty đã được thực hiện với số tiền chuyển giao là hơn 415 tỷ đồng. Số tiền này đã được VIMC chuyển trả cho Hợp Thành vào ngày 27/5/2019 và tạm ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào QNP vào ngày được chuyển giao quyền sở hữu.
Lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư là giá trị lợi ích hợp pháp mà Hợp Thành được hưởng trong giai đoạn tham gia đầu tư, quản lý và điều hành. Giá trị này do 2 bên thống nhất do Hợp Thành đưa ra cơ sở phương pháp xác định gửi VIMC xem xét cho ý kiến và trình cấp có thẩm quyề phê duyệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2022, các bên vẫn chưa xác định được giá trị lợi ích hợp pháp mà Hợp Thành được hưởng trong giai đoạn tham gia đầu tư, quản lý và điều hành là bao nhiêu. Vì vậy, Tổng Công ty chưa thanh toán khoản này cho Hợp Thành.
Một nội dung khác nhận được sự quan tâm của dư luận là khoản thu nhập các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát của VIMC.
Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2022, ông Lương Đình Minh- Trưởng Ban Kiểm soát là người nhận thù lao cao nhất trong kỳ với gần 213,6 triệu đồng; cao hơn nhiều so với mức thu nhập 181,8 triệu đồng của Chủ tịch HĐQT Lê Anh Sơn hay mức 207,45 triệu đồng của ông Nguyễn Cảnh Tĩnh- Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VIMC.
Lũy kế cả năm 2022, Phó Tổng Giám đốc Lê Quang Trung nhận thù lao cao nhất trong số các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, ở mức gần 1,14 tỷ đồng. Trưởng Ban Kiểm soát Lương Đình Minh có mức thu nhập cao thứ 2 với gần 1,052 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch Lê Anh Sơn có mức thu nhập cả năm là hơn 1 tỷ đồng (tương đương trung bình hơn 83,3 triệu đồng/tháng); thấp hơn gần 25 triệu đồng so với Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận