Xuất khẩu còn nhiều dư địa dù cầu có xu hướng giảm (Phần 1)
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV/2022 và quý I/2023 dự báo chịu nhiều tác động bởi sức cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm do tác động của lạm phát và biến động địa chính trị
1. Cơ hội thị trường
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV/2022 và quý I/2023 dự báo chịu nhiều tác động bởi sức cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm do tác động của lạm phát và biến động địa chính trị. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả xuất khẩu 9 tháng qua (tăng trên 17%, xuất siêu trên 6,5 tỷ USD) và sự bận rộn của doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có thể thấy, dấu hiệu suy giảm xuất khẩu trong chặng đường cuối năm chưa đáng lo ngại.
Covid-19 cơ bản được khống chế trên toàn cầu đang tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới cũng sẽ tăng trong dịp cuối năm.
Do chi phí năng lượng tăng cao, các nước EU đã cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... Bên cạnh đó, nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Thời gian gần đây, Mỹ, Anh giảm nhập tôm, cá tra Việt Nam, nhưng mức giảm này chưa tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dù nhu cầu có chững lại đối với một số mặt hàng tại vài thị trường, nhưng vẫn còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Trong khi đó, ngành gạo cũng đang tận dụng thời cơ thị trường để tăng tốc xuất khẩu trong quý còn lại của năm. 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 5,45 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,64 tỷ USD, tăng lần lượt 19,3% và 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Gần đây, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có động thái cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng. Động thái này đã tác động tới thị trường thế giới, khiến giá gạo Việt Nam tăng trở lại, đơn hàng cũng nhiều hơn.
2. Xuất siêu
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao; nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.
Giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên thực tế, doanh nghiệp trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, từ dệt may, da giày đến thủy sản… trải qua các đợt biến động kinh tế toàn cầu cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để chủ động thích ứng linh hoạt. Hầu hết doanh nghiệp đều đã dự trù kế hoạch sản xuất, xuất khẩu không chỉ cho quý IV/2022, mà cho cả quý I/2023. Thận trọng, nhưng doanh nghiệp cũng không quá lo lắng, tận dụng tối đa cơ hội không chỉ từ các thị trường truyền thống, mà đã bắt đầu chuyển dịch sang các thị trường mới, nhất là những thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận