VN-Index có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp, nhóm Midcap và Penny có dấu hiệu "đuối sức"
VN-Index vẫn vượt qua được rung lắc để có phiên tăng điểm. Tuy nhiên, phản ứng giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường lại không còn có sự đồng thuận.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau khi Nhật Bản công bố số liệu GDP điều chỉnh của quý III/2023 giảm 0,7%, cao mức ước tính 0,5%. Trong phiên hôm nay (ngày 8/12), Chỉ số NIKKEI 225 đã giảm khá mạnh tới gần 1,7%, trong khi các chỉ số khác lại tăng điểm như: SHCMP (+0,11%), KOSPI (+1,03%), STI (+1,02%), TWSE (+0,61%).
Trong phiên hôm nay, VN-Index vẫn có những rung lắc nhẹ nhưng cuối phiên vẫn ngả theo nhóm tăng điểm. Chỉ số tăng 2,95 điểm lên 1.124,44 điểm, qua đó có tuần tăng điểm điểm thứ 2 liên tiếp và neo trên MA200.
Chất xúc tác
Sau khi đã tất toán hết tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã không chào thầu tín phiếu trên thị trường mở. Biến động của lãi suất liên ngân hàng nhờ đó cũng được duy trì ổn định, kỳ hạn qua đêm vẫn ở mức 0,2% còn kỳ hạn một tháng là 1,1%.
Nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý tới các diễn biến tại "Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô", được Chính phủ tổ chức sáng ngày 7/12.
Nổi bật nhất là thông tin tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng khi tính đến hết hết ngày 30/11, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,02%). Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11/2023, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn đang tiếp tục rút tiền.
Vận động thị trường
Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có vận động khá tích cực ở một số mã như BID (+3,2%), LPB (+2,2%). Tuy nhiên, xu hướng nhóm ngành này vẫn chưa thực sự lan tỏa rõ rệt khi một số mã như: ACB (0%), CTG (0%), TCB (+0,3%), OCB (0%), VCB (-0,2%), MBB (-0,3%), chỉ dao động trong biên độ hẹp trong cả phiên.
Các tín hiệu này phần nào mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu về sự trở lại dẫn dắt của ngân hàng, thực tế, các mã MWG (+4,3%), MSN (+4,3%), VRE (+2,4%), cũng phải tham gia hỗ trợ cho chỉ số. Nhờ đó, VN-Index mới có thể vượt qua những cú rung lắc nhẹ trong phiên để đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số tăng 2,95 điểm lên 1.124,44 điểm (+0,26%) và đồng thời có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp với thành tích 2,02%.
Khớp lệnh của sàn hụt xuống dưới mức bình quân 20 phiên, đạt 737 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch của cả sàn đạt 17.742 tỷ đồng, tương đương 819,09 triệu đơn vị.
Riêng 2 mã HPG (1.478 tỷ đồng), MWG (708 tỷ đồng), đã đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng cho thấy, nhóm cổ phiếu lớn đã hút tiền khá nhiều từ thị trường.
Và trái ngược lại, các cổ phiếu Midcap và Penny phải ghi nhận hoạt động chốt lời khiến nhiều mã như: HSG (-1,56%), VCG (-1,22%), DXG (-2,44%), VND (-1,36%), VIX (-1,43%), CII (-1,14%), HDG (-1,03%), VHC (-1,19%), HAH (-1,9%), PVT (-1,14%)… giảm giá. 2 chỉ số VNMID (-0,02%), VNSML (-0,66%) đã phản ứng diễn biến ngược chiều này.
2 chỉ số đại diện cho HNX và UPCoM cũng phản ánh trạng thái tương tự của nhóm Midcap và Penny trên HOSE. HNX-Index giảm 0,28% xuống 231,2 điểm, còn UPCoM-Index đứng 85,71 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận