Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Trong 5 tháng đầu năm, vận tải hành khách hàng không là cuộc chơi của 2 "ông lớn" Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Báo cáo "Vận tải hàng hóa hàng không - Động lực mới" do Kirin Capital thực hiện mới đây đã chỉ ra sự cạnh tranh trong mảng vận tải hành khách tại thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục gay gắt giữa 2 đối thủ lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Tổng kết 5 tháng đầu năm, thị phần của 2 hãng bay đầu ngành lần lượt đạt 42,2% và 42,8%, gia tăng đáng kể so với năm 2023 khi chỉ ở mức lần lượt là 36,7% và 38,6%.
Kirin Capital đánh giá thị phần tăng thêm của 2 "ông lớn" hàng không kể trên phần lớn do "miếng bánh" mà Bamboo Airways để lại sau khi quyết liệt tái cấu trúc năm 2024. Tính đến nay, thị phần của Bamboo Airways chỉ còn khoảng 7,4%.
Đối với Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) dù thành lập từ năm 1991 và tiên phong trong mảng vé máy bay giá rẻ song thị phần của hãng dần co hẹp do những hãng đến sau chiếm lĩnh.
Thị phần của Pacific đã giảm từ 12,1% năm 2018 xuống chỉ còn 2,4% trong 5 tháng đầu năm nay. Sau 3 tháng ngừng bay, chuyến bay đầu tiên của Pacific Airlines cất cánh trở lại trên các đường bay nội địa từ cuối tháng 6 sau tái cơ cấu.
Đơn vị nghiên cứu đánh giá đi cùng với sự hồi phục của ngành hàng không, số lượt khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ngày một gia tăng. Kể từ khi chạm đáy với chỉ vỏn vẹn 540.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không năm 2021, đến hết năm 2023, số lượng khách quốc tế đã phục hồi trở lại và đạt mức 32 triệu lượt, chiếm hơn 43% trên tổng số lượt khách di chuyển bằng đường hàng không.
Đáng chú ý, thị trường vận tải trọng điểm Trung Quốc đang dần hồi phục, dự kiến đạt 2,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, song mới bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường hành khách từ Trung Quốc cũng quay trở lại vị trí thứ 2 trong 10 thị trường quốc tế lớn nhất quý II. Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của các hãng bay Việt, dự kiến đạt 5,3 triệu lượt khách trong 6 tháng qua.
Mặt khác, số lượng khách nội địa lại cho thấy dấu hiệu sụt giảm nhẹ từ mức 43,2 triệu lượt khách năm 2022 xuống chỉ còn 42 triệu lượt năm 2023, chiếm gần 57% tổng vận tải khách hàng.
Tiếp đà sụt giảm, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm nay mới đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
"Sự sụt giảm lượng khách nội địa trong năm 2023 cho thấy xu hướng du lịch trả thù có thể đã dần kết thúc", Kirin Capital đánh giá.
Kéo theo đó, số lượng chuyến bay khai thác trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 đều cho thấy dấu hiệu sụt giảm nhẹ.
Cụ thể, tổng số chuyến bay khai thác trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt lần lượt 281.629 và 107.068 chuyến, giảm 10% và 9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường hàng không nội địa giảm so cùng kỳ năm 2023 và 2019 được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa.
Dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường