Vì sao chưa có danh sách cụ thể các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT?
Iran và Triều Tiên từng bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trước đây, nhưng quy mô giao dịch của họ không lớn như các ngân hàng Nga.
Mỹ và các đồng minh nói sẽ loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trong lệnh trừng phạt mới nhất vừa công bố hôm 26-2 - Ảnh (minh họa): REUTERS
Do đó, thách thức thực thi việc loại Nga khỏi SWIFT hiện trở thành phi tiền lệ với nhiều ngân hàng quốc tế.
Theo Hãng tin Reuters, sau khi lệnh trừng phạt loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT được Mỹ, Anh, châu Âu và Canada công bố hôm 26-2, nhưng lại không nêu danh sách cụ thể tên các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng; nhiều ngân hàng lớn của thế giới vẫn đang trong tư thế nghe ngóng thêm các chi tiết để có biện pháp hành động phù hợp.
Chưa công bố danh sách cụ thể
Mặc dù chưa rõ ngay đâu là các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng, song bà Ursula von der Leyen - chủ tịch Ủy ban châu Âu - cho biết lệnh trừng phạt này sẽ đảm bảo để các ngân hàng bị nhắm tới sẽ "bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế" theo cách ngăn chặn "khả năng hoạt động toàn cầu của họ".
Theo Reuters, do quyết định trừng phạt công bố vào ngày cuối tuần nên các ngân hàng đều đã phải huy động khẩn trương các nhân viên hối hả làm việc để thực hiện. SWIFT hiện đang sử dụng tại hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia toàn cầu.
Đã có rất nhiều cuộc điện thoại đổ về các chính phủ và cơ quan quản lý để tìm hiểu rõ ràng và cụ thể hơn cách thức triển khai lệnh cấm.
Các ngân hàng liên quan đều muốn đảm bảo họ hiểu đúng về quy mô đầy đủ của việc áp dụng lệnh trừng phạt, Reuters dẫn nguồn tin tại các ngân hàng lớn toàn cầu cho biết.
Nguồn tin tại một ngân hàng châu Âu cho biết họ đang nài nỉ chính quyền được có thêm thời gian triển khai những thay đổi cần thiết trong hệ thống để có thể thực thi đầy đủ những yêu cầu liên quan tới lệnh cấm.
Mặc dù các ngân hàng toàn cầu đều đã "có thừa" kinh nghiệm trong ứng xử với các lệnh trừng phạt và vài năm qua cũng đã đầu tư nhiều cho những chương trình liên quan, song quy mô của lệnh trừng phạt với một nước lớn như Nga là điều chưa từng có tiền lệ, nhiều nguồn tin trong ngành ngân hàng nói với Reuters.
Một nguồn tin tại ngân hàng Mỹ cho biết lúc này các ngân hàng nhìn chung đều hành động với tâm thế cực kỳ thận trọng, và sẽ tiếp tục sự thận trọng đó cho tới lúc "bức tranh của lệnh trừng phạt" rõ ràng hơn.
Nguồn tin này cũng lưu ý họ sẽ ưu tiên trước những thay đổi cần phải thực thi ngay sau lệnh trừng phạt.
Các ngân hàng lớn nhất của quốc tế như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup, JPMorgan Chase và Bank of America từ chối bình luận về việc này với Reuters.
Cân nhắc lợi ích của nhiều bên
Thực tế, các ngân hàng của Mỹ và châu Âu đã triển khai những trừng phạt liên quan nhiều thực thể của Nga trước đây, như năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên rất nhiều trong số các ngân hàng ấy vẫn duy trì các mối quan hệ làm ăn chặt chẽ với Nga, kiếm được nhiều triệu USD từ các hoạt động xúc tiến thương mại, tư vấn cho các công ty Nga về thâu tóm, sáp nhập và tăng thêm nguồn tiền mặt từ các thị trường quốc tế.
Hoạt động kinh doanh đó lúc này đang bị đe dọa, trong đó nguồn lợi kếch xù mà các ngân hàng Mỹ kiếm được từ các khoản phí ngân hàng đầu tư (khoản tiền một công ty sẽ phải trả cho một ngân hàng đầu tư để sử dụng các dịch vụ của họ liên quan tới thâu tóm và sáp nhập, huy động vốn hay phát hành cổ phiếu lần đầu).
Các lệnh hạn chế mới nhất do Mỹ công bố tuần qua càng làm tình hình thêm phức tạp, trong đó bao gồm lệnh cấm các ngân hàng có các quan hệ ngân hàng đại lý với Sberbank - ngân hàng nhà nước lớn nhất của Nga và cũng là lớn nhất ở Đông Âu.
Theo đó, lệnh cấm của Mỹ sẽ ngăn không cho Sberbank thực hiện các lệnh thanh toán và thúc đẩy thương mại với các ngân hàng khác, đóng băng mọi tài sản thuộc về Ngân hàng VTB - một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Nga - và khoảng 20 chi nhánh của VTB ở Mỹ, đồng thời cấm mọi giao dịch với họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận