Vàng, chứng khoán và nỗi thấp thỏm của nhà đầu tư
"Nếu cơn sốt vàng vẫn tiếp tục, thậm chí nóng hơn khi cơ quan quản lý chưa có giải pháp can thiệp hiệu quả, các mục tiêu vĩ mô của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ bị ảnh hưởng”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Giải mã xu hướng nóng
KTSG: Thưa ông, trên thị trường Việt Nam, đang xuất hiện hiện tượng cả các danh mục đầu tư có rủi ro cao (chứng khoán) lẫn các danh mục đầu tư có rủi ro thấp (vàng, đô la Mỹ, bất động sản có sẵn) đều tăng giá trong khi triển vọng của nền kinh tế trong năm 2024 vẫn chưa thật sự rõ ràng. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Xin ông phân tích cụ thể…
– PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Một trong những nguyên nhân là lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tiếp tục đi ngang ở vùng thấp nhất từ trước tới nay khiến người dân không mặn mà gửi tiết kiệm. Họ tìm kiếm các kênh khác để xuống tiền, đa dạng hóa kênh đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, cả thế giới đang ngóng chờ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Rất nhiều dự báo cho rằng, nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung sẽ phục hồi.
Đối với vàng, khi lãi suất của Fed giảm, giá vàng sẽ tăng. Tâm lý kỳ vọng đang xuất hiện trên thị trường vàng thế giới và các nhà đầu tư trong nước đang ở trong “trạng thái sợ bỏ lỡ” (FOMO). Chúng ta thấy, không chỉ vàng miếng SJC mà vàng nhẫn cũng tăng giá theo xu hướng tăng giá của thế giới. Chỉ có điều, nhu cầu vàng trong nước thường sẽ tăng sốc hơn do nguồn cung vàng trong nước hạn chế hơn.
Đối với đô la Mỹ, trong hai tháng đầu năm 2024, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất trong nước tăng khiến giá đô la Mỹ tăng. Đáng nói, giá đô la Mỹ tại thị trường tự do tăng mạnh hơn giá đô la Mỹ tại ngân hàng thương mại, đẩy mức chênh lệch lên tới 1.000 đồng/đô la mua vào. Diễn biến này có nguyên nhân từ việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới trên 6 triệu đồng/lượng (đối với vàng nhẫn) và trên 15 triệu đồng/lượng (đối với vàng miếng), vàng từ Campuchia xâm nhập thị trường trong nước qua đường tiểu ngạch.
Đối với chứng khoán, nếu kinh tế thế giới hồi phục, kinh tế trong nước sẽ hồi phục và hưởng lợi, đặc biệt là từ xuất khẩu. Thị trường chứng khoán (TTCK) là phong vũ biểu, thường đi trước biến đổi của nền kinh tế từ 5-6 tháng. Dù ở thời điểm hiện tại, các biểu hiện tươi sáng chưa rõ ràng nhưng tâm lý kỳ vọng đã thúc đẩy các nhà đầu tư xuống tiền. Lực cầu gia tăng làm giá chứng khoán tăng.
Riêng đối với bất động sản, chung cư cũ tầm trung nằm trong nội đô Hà Nội và TPHCM tăng giá mạnh do chung cư mới thuộc phân khúc này trong nội đô giá rất cao, rơi vào khoảng 100 triệu đồng/mét vuông. Nhu cầu căn hộ tầm trung trong nội đô luôn cao mà lượng cung không đáp ứng được, nhất là trong bối cảnh chủ đầu tư không tìm được nguồn tín dụng để phát triển thêm dự án. Tất nhiên, từ chiều ngược lại, ngay cả khi các chủ đầu tư có nguồn lực đầu tư, họ cũng thường sẽ lựa chọn xây dựng các chung cư cao cấp với giá bán hàng trăm triệu đồng, có dự án lên tới 1 tỉ đồng/mét vuông tại những mảnh đất vàng nội đô. Nguồn cung khi thị trường thuận lợi đã thiếu, đến thời điểm này càng khan hiếm.
KTSG: Ở thời điểm này, khi các danh mục đầu tư đều đang neo ở mức giá cao còn lãi suất ngân hàng vẫn thấp, đối với nhiều nhà đầu tư, câu hỏi nên để tiền vào đâu rất cấp thiết. Ông có gợi ý gì về vấn đề này? Các quyết định đầu tư cần dựa vào các phân tích gì?
– Nhà đầu tư nên rót tiền vào danh mục mà họ am hiểu nhất. Nếu không hiểu về cách thức hoạt động thực của TTCK, không đọc được thông tin tương đối chuẩn xác về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp thì không nên đầu tư chứng khoán. Tương tự, nếu không hiểu về thực trạng, triển vọng thị trường bất động sản trong ngắn hạn và dài hạn thì đừng đổ tiền vào bất động sản.
Mà kể cả như vậy, quyết định đầu tư vẫn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Nếu khẩu vị rủi ro cao, theo nguyên tắc “mạo hiểm cao, lợi nhuận lớn” thì có thể đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản.
Bên cạnh đó, các quyết định đầu tư cần dựa trên mức độ trường vốn của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư có nguồn tiền dồi dào và chấp nhận chậm thu hồi vốn, có thể đầu tư vào bất động sản, các dự án ở vị trí đẹp đang chiết khấu cao. Nhà đầu tư ít tiền hơn có thể chọn đầu tư vào các mã chứng khoán của các doanh nghiệp lớn, có đủ năng lực vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này và có khả năng phục hồi sớm nhất sau thời kỳ kinh tế suy yếu như ngành bán lẻ, logistics, bất động sản hay xây dựng… Tuy nhiên, các khoản đầu tư này sẽ cần ít nhất 3-5 năm chờ thị trường phục hồi mới có thể thu hồi vốn.
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán tại thời điểm hiện tại, họ cũng nên cân nhắc. Thị trường tăng điểm sẽ có rủi ro từ những phiên điều chỉnh. Ở Việt Nam, diễn biến này thường rất sốc. Chẳng hạn, trong phiên giảm điểm ngày 8-3-2024, chỉ số VN-Index giảm hơn 20 điểm. Vậy nên, các nhà đầu tư nên tránh mua đuổi theo thị trường, nếu mua vào thì hãy chọn mua ở các phiên điều chỉnh.
Nên cân nhắc nhập khẩu vàng
KTSG: Đối với ổn định kinh tế vĩ mô, hiện tượng các kênh đầu tư có xu hướng tăng nóng có đáng lo ngại hay không? Chúng ta có thể điều chỉnh theo hướng nào và sử dụng các công cụ ra sao, thưa ông?
– TTCK có tăng có giảm, không bị rơi vào tình trạng “tăng nóng”. Tuy nhiên, nếu cơn sốt vàng vẫn tiếp tục, thậm chí nóng hơn nếu cơ quan quản lý không có giải pháp can thiệp hiệu quả, các mục tiêu vĩ mô của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ nhất là vấn đề lãi suất. Với diễn biến như hiện nay, lượng tiền bị rút ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào vàng có thể chưa đáng kể. Dù vậy, khi xu hướng này gia tăng, lượng tiền rút ra ngày càng nhiều thì ngân hàng sẽ hụt vốn, lãi suất có thể tăng lên ảnh hưởng tới việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, như đã nói, khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, vàng tiểu ngạch sẽ tìm đủ cách vào thị trường nội địa. Cầu đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng. Trong khi đó, ngân hàng thương mại vẫn có thể bán đô la Mỹ cho người dân để phục vụ các nhu cầu du lịch, khám chữa bệnh… Khi tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cao hơn đáng kể so với tỷ giá tại các ngân hàng, không loại trừ khả năng đô la Mỹ từ ngân hàng được tuồn ra thị trường tự do. Điều này có thể gây tác động lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.
Như vậy, các cơ quan quản lý cần có các động thái để điều chỉnh thị trường vàng trong nước, tăng tính liên thông với thị trường thế giới. Từ khi có chỉ đạo phải bình ổn thị trường vàng từ lãnh đạo Chính phủ, ngoài các phát biểu mang tính chất trấn an tâm lý của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng giúp hạ nhiệt tạm thời giá vàng miếng SJC, cơ quan này chưa có các hành động cụ thể.
Thị trường vàng đang chờ đợi việc NHNN sửa đổi Thông tư 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dù chưa có dự thảo hoàn chỉnh, NHNN nên thông báo về hướng sửa đổi, để nhà đầu tư có một kỳ vọng hợp lý về giá vàng trong tương lai.
Theo tôi, nếu muốn bình ổn thị trường vàng, có nhiều giải pháp, trong đó có việc nhập khẩu vàng. Trên thực tế, dù không nhập khẩu vàng theo đường chính ngạch, ngoại tệ vẫn chảy ra nước ngoài để vàng tiểu ngạch tìm đường vượt qua biên giới và chúng ta không thu được một đồng thuế nhập khẩu nào. Thay vào đó, có thể cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Lượng vàng được nhập khẩu được quyết định căn cứ trên mức độ thặng dư thương mại, thặng dư cán cân thanh toán nhưng ưu tiên số 1 là ngoại tệ dành cho mục tiêu quan trọng như nhập khẩu nguyên vật liệu cho nền sản xuất hay bình ổn tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng. Khi cởi mở hơn với việc nhập khẩu vàng, tâm lý đầu cơ tích trữ sẽ giảm bớt, thị trường sẽ dần hạ nhiệt.
KTSG: Nhìn trên tổng thể, phía quản lý nhà nước cần có chính sách như thế nào để tận dụng được nguồn lực xã hội và hướng nó vào nền sản xuất thực, thưa ông?
– Hiện tại, hai động lực chính của nền kinh tế Việt Nam đến từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân nội địa chủ yếu là siêu nhỏ và nhỏ. Vì vậy, để điều hướng nguồn lực vào các doanh nghiệp đó và làm cho nó phát huy được hiệu quả, cần một chiến lược dài hơi. Đầu tiên, phải xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ của Việt Nam. Sau đó, phải tìm cách giúp các doanh nghiệp này lớn càng nhanh càng tốt, trở thành động lực thứ ba của nền kinh tế.
Điều này sẽ tác động ngược trở lại TTCK. Hiện tại, số cổ phiếu chất lượng không nhiều, nếu có thì giá rất cao, định giá P/E (Price to Earning ratio) của thị trường lại đang cao nên nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn. Bởi vậy, phải gia tăng lượng hàng hóa có chất lượng cao trên TTCK. Nghĩa là, trước hết, nền kinh tế phải sản sinh ra nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lớn mạnh hơn. Khi đó, khả năng huy động vốn trên TTCK sẽ được nâng cao, nguồn lực xã hội đổ vào những doanh nghiệp đang hoạt động tốt trong nền sản xuất thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường