TS Đinh Thị Mỹ Loan: Bài toán hậu thâu tóm của Masan Consumer Holding không đơn giản
Sau khi sáp nhập VinCommerce và VinEco, Masan Consumer Holding sẽ phải đối diện với bài toán duy trì tăng trưởng và tạo lợi nhuận từ chuỗi bán lẻ này. TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng đây là bài toán không hề đơn giản, bởi bán lẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận sáp nhập 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty VinEco (thuộc Vingroup) và Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (thuộc Masan) thành một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ.
Ngay sau khi công bố, thỏa thuận này lập tức trở thành tin tức nóng nhất trong giới đầu tư, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và được đánh giá là thương vụ bom tấn của năm 2019.
Xung quanh thương vụ này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR).
- Bà có bình luận gì về thương vụ nêu trên và theo bà, thương vụ này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh các chuỗi bán lẻ của Việt Nam đang dần rơi vào tay nước ngoài?
VinMart, VinMart+, VinEco là những thương hiệu đang dần củng cố được vị thế trên thị trường, phát triển rất mạnh và được người tiêu dùng ghi nhận. Trong khi đó, Masan Consumer Holding là doanh nghiệp có bề dày về sản xuất, cung ứng thực phẩm, hàng tiêu dùng. Sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp này có ý nghĩa củng cố, tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp mới được tạo nên từ vụ sáp nhập này sẽ là một doanh nghiệp lớn và tiếp tục phát triển như mong đợi.
- Một điều khiến thị trường ngạc nhiên là Vingroup mới đưa ra chiến lược phát triển 5 năm cho VinCommerce, vậy mà chỉ vài tháng sau tập đoàn này đã “bán con” cho Masan Consumer Holding. Bà cho rằng động cơ của Vingroup là gì?
Chúng ta thấy với thế mạnh của mình, Vingroup có rất nhiều lĩnh vực đầu tư và bán lẻ chỉ là một trong số đó. Vingroup cũng đã công bố chính thức lý do của việc “bán” VinCommerce, VinEco là để tập trung cho lĩnh vực công nghiệp và công nghệ (VinFast và VinSmart).
Một số ý kiến cho rằng sở dĩ Vingroup “bán” hai công ty kia vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh, nhưng theo tôi thì không hẳn như vậy. Có thể thấy qua nhiều năm, vượt qua những khó khăn và thách thức ban đầu, VinMart, VinMart+ đã phát triển được một mạng lưới rất rộng lớn và đang bắt đầu đứng được trên thị trường, bắt đầu con đường phát triển mới. Việc “bán” các thương hiệu này là quyết định của Vingroup và chúng ta tôn trọng quyết định đó.
Thực ra thì mọi người cũng cảm thấy đột ngột, ngỡ ngàng trước điều này, bởi cách đây chưa lâu Vingroup đã đưa ra chiến lược phát triển cho VinCommerce – một chiến lược được đánh giá là phù hợp với thời đại và rất tham vọng.
Nhưng tôi nghĩ việc kết hợp với Masan Consumer Holding không làm cho chiến lược này thay đổi, bởi sự sáp nhập giữa hai bên chắc chắn phải tôn lên giá trị của mỗi bên cũng như duy trì hướng đi, chiến lược đúng đắn mà VinCommerce đã định hình.
Tôi kỳ vọng sự kết hợp giữa Vingroup và Masan sẽ đưa cả hai lên một nấc thang mới, tất nhiên hai bên cũng phải cố gắng rất nhiều về nhiều mặt.
- Mảng bán lẻ của Vingroup lỗ tới hàng nghìn tỷ, đây được xem là thế khó cho Masan hậu sáp nhập. Bài toán tăng trưởng doanh thu và tạo lợi nhuận cho chuỗi hẳn không dễ dàng?
Đây là điểm mà Masan Consumer Holding phải vượt qua, làm sao giảm thiểu được lỗ và tiến tới sinh lời. Đó là mục tiêu phân đấu và bắt buộc phải vượt qua.
Nhưng đó cũng là bài toán không đơn giản vì phát triển trong bán lẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước tốn công, tốn sức để gây dựng và đứng vững trên thị trường nhưng cũng thấy có những đơn vị phải rút lui khỏi cuộc chơi này…
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận