Thị trường trầm lắng, nhiều ông lớn bất động sản phải từ bỏ “đất vàng”
Sau hơn một năm kể từ khi đảo chiều, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng; nhiều dự án chưa thể tiếp tục triển khai do vấn đề về pháp lý, kẹt vốn... Trong bối cảnh này, không ít doanh nghiệp “đứt ruột” bán đi những dự án có vị trí đắc địa.
HPX với dự án TM1 thuộc khu dân cư Cồn Tân Lập
Giữa tháng 8 vừa qua, HĐQT Hải Phát (HOSE: HPX) đã thông qua chuyển nhượng cho đối tác toàn bộ 78% vốn điều lệ của công ty con - Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, tương đương 176.3 tỷ đồng.
HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư của dự án TM1 thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập, nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển Nha Trang, giáp với cầu Trần Phú, vị trí được coi là "đất vàng" ở thành phố biển.
Theo giới thiệu của HPX, dự án TM1 có tổng diện tích sàn xây dựng 311,239 m2 với 3 khối tháp cao 40 tầng, trong đó gồm 2 tầng hầm, 3 tầng thương mại, 27 tầng căn hộ và 10 tầng khách sạn.
Còn khu dân cư Cồn Tân Lập có tổng diện tích đất quy hoạch gần 8 ha, gồm 5 khu chung cư, 4 khu nhà biệt thự song lập và nhà liền kề có diện tích đa dạng. Quy mô dân số dự kiến 4,100 người. Tổng mức đầu tư hơn 2,718 tỷ đồng.
Động thái chuyển nhượng TM1 của HPX diễn ra trong bối cảnh khu dân cư Cồn Tân Lập bị chậm tiến độ nhiều năm và chưa có hướng giải quyết. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh ủy Khánh Hòa, dù được triển khai từ năm 2007, đến nay dự án vẫn chưa xong đền bù mặt bằng, chưa hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2017 đến nay, HPX chỉ thực hiện được thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhưng đã bị xử phạt do chậm tiến độ.
Dù tiến độ chuyển nhượng dự án chưa được HPX công bố, trong Nghị quyết ngày 27/09, HĐQT HPX đã thông qua kế hoạch 2023 với mục tiêu vượt xa năm trước. Trong đó, doanh thu 2,500 tỷ đồng, gấp đôi so với kết quả năm 2022; lãi sau thuế tối thiểu 120 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 58 tỷ đồng.
Khu dân cư Cồn Tân Lập nằm dọc sông Cái và đường Trần Phú sát bên biển Nha Trang. Lô đất xây dự án của HPX (theo mũi tên vàng) nằm cạnh khách sạn Mường Thanh Luxury Khánh Hòa.
CMS với dự án Lemore Phan Thiết
Trong vòng 4 tháng, tính đến tháng 07/2023, Tập Đoàn CMH Việt Nam (HNX: CMS) đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty con CTCP CM Phan Thiết, tương ứng 60% vốn điều lệ.
Việc chuyển nhượng CM Phan Thiết đã được HĐQT CMS thông qua từ tháng 9 năm ngoái với số cổ phiếu chuyển nhượng là 4.92 triệu cp, giá chuyển nhượng không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Theo giá này, CMS thu về tối thiểu 49.2 tỷ đồng khi hoàn thành thương vụ.
Mục đích chuyển nhượng là nhằm thu hồi khoản đầu tư tài chính để bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của CMS.
CM Phan Thiết thành lập vào tháng 02/2021, hoạt động kinh doanh chính là khách sạn du lịch. Do ảnh hưởng của COVID-19, Công ty phải tạm dừng triển khai phương án kinh doanh. Việc chuyển nhượng vốn góp đã được CMS ký kết trong năm 2022 và sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Được biết, tháng 03/2021, CM Phan Thiết có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, đề nghị đầu tư dự án khách sạn Lemore tại phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận khi đó cho rằng vị trí xin đầu tư của dự án nằm trong quy hoạch tổng thể của khu du lịch quốc gia Mũi Né. Tuy nhiên, sau phản hồi từ cơ quan chức năng, đến nay dự án cũng không công bố thông tin gì mới.
Trước đó, năm 2018, CMS từng góp vốn vào CTCP CM Nha Trang để tham gia dự án khách sạn Lemore Nha Trang. Khách sạn này đã hoàn tất xây dựng và bắt đầu đón khách từ tháng 01/2019. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, HĐQT CMS thông qua việc thanh lý toàn bộ cổ phần tại CM Nha Trang với lý do tương tự như CM Phan Thiết.
Trở lại với CM Phan Thiết, sau khi CMS hoàn tất thoái vốn, Công ty đã đổi tên thành CTCP Lemore Phan Thiết, vốn điều lệ tăng từ 82 tỷ đồng lên 102.5 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật đổi từ ông Phạm Minh Phúc (Chủ tịch HĐQT CMS) sang bà Nguyễn Thị Loan (cựu Thành viên HĐQT CMS).
HAG với khách sạn Hoàng Anh Gia Lai
Khác với các bất động sản chỉ dừng lại ở mức dự án ở trên, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) thông báo sẽ thanh lý khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đang hoạt động để thanh toán một phần nợ của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 gần 6 ngàn tỷ đồng, huy động hồi năm 2016.
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai nằm tại số 1 đường Phù Đổng, ngay quảng trường Phù Đổng - trung tâm TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Khách sạn hoạt động từ năm 2005 và là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ.
NRC với dự án Tháp ven sông ở Đà Nẵng
Dù chưa có thông báo chính thức về thương vụ, những diễn biến gần đây tại dự án Tháp ven sông (còn gọi là The Royal Da Nang) cho thấy chủ mới thay thế Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC).
Tháp ven Sông từng thuộc 100% vốn ngoại do CTCP Bất động sản Sun Frontier (trụ sở chính tại Nhật Bản) sở hữu. Tháng 07/2020, NRC thâu tóm và đổi tên chủ đầu tư dự án thành Công ty TNHH MTV Sun Frontier Đà Nẵng, tên thương mại dự án cũng đổi thành The Royal - Boutique Hotel & Condo Danang.
Tháng 3 năm nay, Danh Khôi tiếp tục đổi tên chủ đầu tư thành Công ty TNHH MTV The Royal Đà Nẵng và quảng bá rộng rãi đây sẽ là một trong những dự án tạo doanh thu và lợi nhuận các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, vào nửa cuối tháng 9 vừa qua, lễ khởi động dự án diễn ra và tên tuổi của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) xuất hiện tại đây với vai trò là ngân hàng bảo lãnh dự án.
Trước đó, vào ngày 26/06, người đại diện pháp luật của The Royal Đà Nẵng cũng được đổi từ ông Lê Thống Nhất sang ông Đặng Văn Thắng. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng chuyển từ CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings (DKRH - thuộc NRC) sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Duy An (gọi tắt là Duy An) - doanh nghiệp có trụ sở tại số 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị cho AEON để làm trung tâm thương mại
Theo SSI Research, Tổng Công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) sẽ chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An cho Công ty TNHH AEON Việt Nam để phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Tân An. Thỏa thuận dự kiến hoàn tất trong quý 4/2023.
Cụ thể, công ty con của IDC là CTCP Đầu Tư Xây dựng Long An IDICO (UPCoM: LAI), đồng thời là chủ đầu tư của dự án khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6, TP. Tân An trong năm 2022, đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác AEON Việt Nam bán lô đất thương mại dịch vụ và đất giáo dục với tổng diện tích 21,870 m2, tổng giá trị giao dịch 437.1 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, AEON Việt Nam đã thanh toán 152 tỷ đồng.
Theo công bố, tổng vốn đầu tư của dự án AEON Tân An ước tính trên 45 triệu USD, khoảng 1,076 tỷ đồng và dự kiến hoạt động vào tháng 12/2024.
Còn dự án khu dân cư trung tâm mở rộng có tổng diện tích 31 ha, gồm 2 lô chung cư 12 tầng (500 căn); ký túc xá phục vụ cho việc ăn, ở, học tập cho 3,000 học sinh - sinh viên; 830 căn nhà liên kế; 325 căn nhà tái định cư (dạng liên kế). Trên BCTC soát xét bán niên 2023 của IDC, dự án chỉ mới ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn hơn 591 triệu đồng tại ngày 30/06/2023.
VCR chấm dứt hợp tác tại phân khu CT02 thuộc khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà
Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, bên cạnh chuyển nhượng dự án, nhiều doanh nghiệp chọn cách “từ bỏ” dự án thông qua việc chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư.
Đơn cử, ngày 30/09, HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (UPCoM: VCR) đã thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước hạn hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty và Công ty mẹ là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) liên quan đến việc đầu tư phân khu CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02, thuộc dự án khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà tại thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng (một phân khu nằm trong dự án có tên thương mại là Cát Bà Amatina).
Sau khi hai bên chấm dứt hợp đồng, VCR sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản thế chấp liên quan đến thỏa thuận hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, VCR sẽ phải trả lại cho VCG số vốn góp 2,200 tỷ đồng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày 30/09/2023.
Theo thỏa thuận, VCR góp bằng tài sản và giá trị quyền đầu tư kinh doanh khai thác phân khu CT02, còn Vinaconex góp bằng tiền mặt 2,200 tỷ đồng và được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu này. Lợi nhuận chia sẻ được tính theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí và sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, VCR đảm bảo mức lợi nhuận được chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư theo từng thời điểm vào phân khu CT02.
Trên BCTC soát sét bán niên 2023, VCG ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang của khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà gần 4,975 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2023, tăng hơn 5% so với đầu năm.
Một phần phối cảnh dự án khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà
NVL với khu du lịch suối nước nóng Bình Châu
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) cũng không ngoại lệ khi chấm dứt việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp gần 2,900 tỷ đồng của Công ty TNHH Vũng Tàu Investment, tương đương 99.99% vốn điều lệ.
Được biết, HĐQT NVL đã thông qua việc chuyển nhượng số vốn góp trên vào tháng 01/2022, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Vũng Tàu Investment từng phát hành lô trái phiếu 1,365 tỷ đồng vào tháng 05/2021 nhằm huy động tiền hợp tác đầu tư/góp vốn vào Công ty TNHH Vũng Tàu Beach. Tài sản đảm bảo của trái phiếu gồm quyền phát sinh từ dự án Grand Manhattan (một dự án đã đắp chiếu nhiều năm của NVL) và 65% cổ phần CTCP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu.
CTCP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu là chủ đầu tư dự án khu du lịch suối nước nóng Bình Châu 33 ha, vốn đầu tư hơn 1.5 ngàn tỷ đồng, thuộc tổ hợp NovaWorld Hồ Tràm.
Hình ảnh khu du lịch suối nước nóng Bình Châu trên website của một công ty du lịch
IPA và khu đô thị mới Nam Cần Thơ
Ngày 28/09, HĐQT Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) thông qua chuyển nhượng một phần vốn góp tại công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ - chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Sau chuyển nhượng, đơn vị này không còn là công ty con của IPA.
Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ có vốn điều lệ 400 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022; trong đó IPA sở hữu 99.75%. Công ty có trụ sở tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Khu đô thị mới Nam Cần Thơ (hay Riverine Can Tho City) là 1 trong 3 dự án tiêu biểu mà IPA dự kiến đẩy mạnh đầu tư trong năm 2023, cùng với khu đô thị mới hai bên đường Nguyễn Thái Học (Cần Thơ) và tòa nhà văn phòng số 19 Trúc Khê, TP. Hà Nội.
Phối cảnh dự án khu đô thị Nam Cần Thơ
Dự án có quy mô 103.05 ha, tọa lạc tại vị trí đắc địa khi nằm trên trục quốc lộ 1A, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 1 km, cách sân bay quốc tế Cần Thơ 20 phút di chuyển.
Dự án đã được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 14/12/2018. Năm 2020, dự án đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ chi tiết 1/500.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường