menu
Thị trường Mỹ không còn là "miền đất hứa" với dệt may Việt Nam?
copy link
Nguyễn Thị Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường Mỹ không còn là "miền đất hứa" với dệt may Việt Nam?

Dù giữ thị phần số 2 tại Mỹ, ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử thách lớn khi đơn hàng giảm, giá bị ép và thị trường thay thế chưa đủ sức hấp thụ. Trong khi đó, các đối thủ như Ấn Độ lại đang trỗi dậy nhờ mức thuế thấp hơn và năng lực đàm phán nhanh nhạy.

Những phân tích này được ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - trình bày tại Hội thảo "Ngành dệt may và những thay đổi lớn trong quy định, chính sách", tổ chức sáng 09/04, trong khuôn khổ triển lãm Saigontex - Saigon Fabric 2025.

Thuế cao, thị phần bị đe dọa

Chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ năm 2025 gây tác động lớn đến thương mại toàn cầu, đặc biệt là ngành dệt may Việt Nam. Với mức thuế 46%, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về đơn hàng, giá cả và cạnh tranh.

Theo ông Cầm, dệt may là mặt hàng dễ bị tổn thương nhất tại thị trường Mỹ, nơi 97% quần áo tiêu thụ là nhập khẩu, trong khi sản xuất nội địa chỉ chiếm 3%. Trước ngày 02/04/2025, thuế trung bình áp lên hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ đã cao gấp 5 lần so với các mặt hàng khác. Với mức thuế đối ứng 46%, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước chịu thuế cao, sau Trung Quốc (hiện tại là 84% sau khi tăng thêm).

Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 107.8 tỷ USD hàng dệt may, tăng 2.6% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về thị phần hàng may mặc tại Mỹ với 19.1%, tiệm cận Trung Quốc (20.3%) và bỏ xa Bangladesh (9.2%). Với áp lực thuế mới, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ năm 2025 có thể chững lại hoặc giảm nhẹ.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Bangladesh (thuế 37%) và Indonesia (32%) cũng gặp khó khăn tương tự. Ấn Độ là nước có lợi thế hơn với mức thuế chỉ 26%, đang tích cực đàm phán để mở rộng thị phần. Campuchia và Sri Lanka bị áp thuế cao nhưng năng lực sản xuất còn hạn chế, khó tạo đột phá.

Ảnh hưởng lên các thị trường xuất khẩu dệt may Châu Á. Ảnh: Vinatex

Tìm thị trường thay thế trong ngắn hạn không dễ dàng

Chính sách thuế đối ứng mang đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đơn hàng dự kiến sụt giảm từ quý 2/2025 do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ giảm. Đơn giá cũng có thể giảm mạnh, vì nhà bán lẻ Mỹ không chuyển toàn bộ chi phí thuế tăng vào giá bán mà chia sẻ gánh nặng với nhà sản xuất. Doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Việc tìm kiếm và khai thác các thị trường thay thế trong ngắn hạn cũng không dễ dàng, trong bối cảnh thuế suất mới áp lên hầu hết quốc gia châu Á ở mức cao trên 30%. Đáng chú ý, Ấn Độ với mức thuế chỉ 26% đang trở thành điểm đến được đánh giá có tiềm năng cạnh tranh hơn. Ngoài ra, Trung Quốc, với mức thuế 84% (tổng hiệu lực thuế 127%), có thể phá giá đồng nội tệ và giảm giá hàng hóa để bảo vệ xuất khẩu cũng là yếu tố cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dù đối mặt thách thức, ông Cầm cho rằng Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực. Đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ có thể dẫn đến điều chỉnh thuế trong năm 2025, giảm áp lực cho doanh nghiệp. Mỹ cũng có thể xem xét hạ thuế đối với may mặc và giày dép - vốn chịu thuế cao gấp 5 lần trung bình - để hỗ trợ người tiêu dùng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và tái cấu trúc khách hàng, tăng khả năng ứng phó biến động.

Mỹ đóng cửa hàng giá rẻ, người tiêu dùng "chịu trận"

Một trong những động thái đáng chú ý là việc Mỹ chấm dứt chế độ De Minimi đối với hàng từ Trung Quốc và Hồng Kông kể từ ngày 02/05/2025. Các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD - vốn là kênh chính để tiêu dùng hàng giá rẻ thông qua các nền tảng như Shein và Temu - sẽ chịu thuế 30% hoặc 25 USD/mặt hàng (tăng lên 50 USD từ ngày 01/06/2025). Đến ngày 09/04/2025, mức thuế này tăng gấp 3 lần, đạt 90% hoặc 75 USD/mặt hàng (tăng lên 150 USD sau ngày 11/06/2025).

Đây là cú đánh trực diện vào thị trường hàng tiêu dùng giá thấp, trong đó hàng may mặc là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất, có thể tăng giá trung bình 17% trong ngắn hạn.

Người tiêu dùng Mỹ được dự báo sẽ phải chi thêm khoảng 3,800 USD/năm so với 2024, trong bối cảnh chi tiêu chủ yếu dựa vào tín dụng và lãi suất cao do Fed có thể buộc duy trì chính sách tiền tệ chặt. Sự đa dạng sản phẩm giảm, người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn.

Sản xuất nội địa Mỹ khó phục hồi

Dù chính sách thuế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phục hồi sản xuất trong nước, nhưng hiện tại, Mỹ mới chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu may mặc. Ngành sản xuất nội địa thiếu hụt lao động lành nghề, chi phí cao và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (ví dụ 70% nguyên liệu làm giày phải nhập). Việc tái thiết ngành may mặc được đánh giá là tốn kém và cần nhiều năm.

Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước châu Á như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ từng xảy ra trong giai đoạn Trump 1.0, nhưng với chính sách thuế đồng loạt hiện nay, khả năng dịch chuyển quy mô lớn đang gặp trở ngại. Các đơn hàng nhỏ có thể chuyển sang các quốc gia có thuế thấp hơn, song việc thiết lập chuỗi cung ứng mới cần ít nhất 1-2 năm.

"ESG không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn"

Bên cạnh yếu tố thuế, yêu cầu về ESG cũng là thách thức lớn. Bà Nguyễn Thanh Ngân - Phó Ban Đầu tư Phát triển của Vinatex nhận định: "ESG không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để ngành dệt may Việt Nam trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực hành ESG giúp giảm rủi ro, tiết kiệm chi phí, nâng cao uy tín và phát triển bền vững".

Thị trường Mỹ không còn là "miền đất hứa" với dệt may Việt Nam?

Bà Nguyễn Thanh Ngân - Phó Ban Đầu tư Phát triển của Vinatex phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thế Mạnh

Theo bà Ngân, doanh nghiệp cần bắt đầu từ những hành động thực chất như tiết kiệm nước, kiểm soát hóa chất, cải thiện điều kiện lao động, và áp dụng các công cụ như Higg Index, GRI, GOTS. Việc báo cáo minh bạch cũng đóng vai trò then chốt.

"Không cần phải hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng chúng ta cần làm những công việc đó một cách có trách nhiệm", bà Ngân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cầm cho biết một số quốc gia, đặc biệt là châu Âu, đang hoãn yêu cầu báo cáo ESG (CSAD, CSDDB) để giảm áp lực cho doanh nghiệp trước bối cảnh kinh tế khó khăn và thay đổi chính sách thương mại. Xu hướng nới lỏng này có thể lan rộng trong ngắn hạn, giúp doanh nghiệp tập trung duy trì hoạt động. Dù vậy, ESG vẫn giữ vai trò quan trọng cho phát triển bền vững dài hạn.

 

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Ảnh đại diện


Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả
Chia sẻ 4