Thị trường chứng khoán không phản ứng mạnh với thông tin dịch bệnh
Thị trường chứng khoán (TTCK) đã thiết thiết lập đỉnh mới với chỉ số VN- Index ở mức 1.420,27 điểm vào đầu tháng 7/2021, đây cũng là chỉ số cao nhất của thị trường từ trước đến nay. Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường có khả năng sẽ xác lập đáy ngắn hạn trong tháng 8/2021, và cần thêm thời gian tích lũy trước khi hình thành đợt tăng giá mới vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 07/2021, chỉ số VN- Index đạt mức 1.310,05 điểm, giảm 6,99% so với tháng 06/2021 và tăng 18,68% so với đầu năm 2021; VN- Allshare đạt 1.343,9 điểm, giảm 5,62% so với tháng trước và tăng 30,17% so với đầu năm 2021; VN 30 đạt 1.447,23 điểm, giảm 5,35% so với tháng trước và tăng 35,16% so với đầu năm 2021.
Cũng trong tháng 07/2021, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 26.815 tỷ đồng, chiếm 3,01% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 786,3 tỷ đồng. Như vậy, theo lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.569 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Tính đến nay, quy mô thị trường trên HOSE có 469 mã chứng khoán giao dịch, trong đó gồm: 385 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 7 mã chứng chỉ quỹ ETF, 49 mã chứng quyền có bảo đảm và 26 mã trái phiếu niêm yết. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt gần 105,8 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,92 triệu tỷ đồng, giảm 6,79% so với tháng trước, đạt khoảng 78,28% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).
Trên sàn HOSE hiện có 37 DN có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 DN có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường khó có thể thiết lập một đợt tăng giá mạnh trong tháng 8/2021 này khi làn sóng dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN.
Đánh giá về tác động của làn sóng dịch lần thứ 4 tác động tới TTCK, ông Nguyễn Thế Minh- Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể và thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy. Nếu chỉ số VN- Index vượt được vùng 1.315 - 1.320 điểm thì xu hướng tăng sẽ được xác nhận và thị trường sẽ chính thức xác lập vùng đáy ngắn hạn.
Làn sóng dịch đã có dấu hiệu hình thành đỉnh dịch và đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo sẽ có hai kịch bản của thị trường ứng với tác động từ dịch bệnh. Thứ nhất, nếu tình hình dịch hạ nhiệt trong tháng 8 thì mức tăng trưởng GDP có thể sẽ giữ được trên 6% và chỉ số VN- Index có thể đạt mức cao nhất trong vùng 1.456 - 1.500 điểm trong các tháng còn lại của năm 2021. Còn nếu tình hình dịch kéo dài hết quý 3/2021 thì tình huống thứ 2 với mức tăng trưởng GDP có thể sẽ dưới mức 5,5% và vùng 1.420 điểm có thể sẽ là vùng cao nhất trong những tháng tới.
Về dòng tiền của khối ngoại đang có xu hướng quay trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam do mức định giá của thị trường đang quay trở lại vùng hấp dẫn, tỷ lệ tiền mặt tính đến quý 2/2021 của các quỹ đang tăng mạnh cho nên áp lực giải ngân đang gia tăng và kỳ vọng Việt Nam sớm kiểm soát dịch do Việt Nam đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư đã trở lại trạng thái cân bằng hơn sau giai đoạn bán tháo vừa qua và thị trường phục hồi những phiên gần đây. Đồng thời, những biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ và các địa phương giúp cho tình hình dịch bệnh được cải thiện đáng kể trong tháng 8/2021 này sẽ mang lại những tác động tích cực đến TTCK- Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận