Thay máu loạt lãnh đạo, một doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa thể hoàn thiện BCTC, còn nợ cổ tức 2016
Cơ cấu thượng tầng tại CTCP Cầu 12 (UPCoM: C12) có nhiều biến động mạnh. Trước khi “thay máu” nhân sự cấp cao, C12 vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, kinh doanh bết bát trong nhiều năm và còn nợ cổ tức từ năm 2016.
Mới đây, C12 công bố Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Giám đốc của ông Cao Văn Mạnh theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 30/11/2023. Ngay sau đó, HĐQT thống nhất bầu ông Lê Xuân Lộc - Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty từ ngày 01/12/2023.
Ngày 14/11 vừa qua, HĐQT C12 cũng thông qua miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc của ông Nguyễn Trọng Hưởng theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 14/11/2023.
Trước đó, Công ty công bố miễn nhiệm chức Kế toán trưởng đối với ông Vũ Đình Viên kể từ ngày 23/10/2023, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Dũng đảm nhiệm chức vụ này kể từ ngày 06/11/2023.
Sau liên tiếp những biến động mạnh về nhân sự cấp cao, HĐQT C12 thông báo tiếp tục dời thời gian trả cổ tức. Theo đó, Công ty quyết định điều chỉnh thời gian trả cổ tức năm 2016 bằng tiền từ ngày 29/11/2023 sang 29/11/2024, tức dời lại 1 năm so với dự kiến.
Động thái trên không gây bất ngờ vì C12 đã có 7 lần điều chỉnh trước đó. Theo dự kiến, Công ty sẽ chi hơn 58 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông với tỷ lệ 12% vào ngày 22/01/2018, tuy nhiên việc chi trả đã bị lùi đến 8 lần.
Lý do điều chỉnh là từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với khó khăn nội tại của Công ty khiến C12 chưa thể thu xếp trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông.
Chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023
Không chỉ hoãn trả cổ tức, C12 còn chưa thể hoàn thiện BCTC kiểm toán các năm từ 2019-2022. Do đó, HĐQT thông báo hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến trước ngày 31/12/2023. Doanh nghiệp cho biết cần thời gian để chuẩn bị nhân sự tham gia HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Năm 2018, C12 ghi nhận doanh thu 302 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng, giảm lần lượt hơn 70% và 75% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động xây lắp của Công ty không tạo ra lợi nhuận, thay vào đó là hoạt động thanh lý tài sản. Trước đó, Công ty liên tục ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2015-2017, nhưng lợi nhuận bắt đầu giảm từ năm 2017.
Tại cuối năm 2018, C12 ghi nhận nợ vay và thuê tài chính hơn 223 tỷ đồng. Trong đó, nợ VietinBank gần 53 tỷ đồng, BIDV hơn 70 tỷ đồng, nợ MB hơn 100 tỷ đồng.
Năm 2019, Công ty lên kế hoạch doanh thu 125 tỷ đồng và lãi sau thuế 2 tỷ đồng, giảm lần lượt 58% và 41% so với năm trước. Trước đó, C12 đặt mục tiêu cao hơn với doanh thu 340 tỷ đồng và lãi sau thuế 4 tỷ đồng nhưng đã xin điều chỉnh vào cuối năm 2019.
Nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động
Thảm cảnh hơn, C12 từng khiến báo chí tốn nhiều bút mực liên quan đến việc nợ lương nhân viên và bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngày 01/08/2019, hàng trăm cán bộ và công nhân C12 tập trung trước trụ sở Công ty với nhiều băng rôn có nội dung: “Yêu cầu Công ty trả 7 tháng lương và đóng 30 tháng BHXH”.
C12 đã xác nhận tình trạng nợ lương và BHXH đúng như người lao động phản ánh. Đến tháng 6/2019, Doanh nghiệp này nợ gần 24 tỷ đồng tiền BHXH của người lao động và vài tỷ đồng tiền lương.
Do chưa công bố BCTC kiểm toán, cổ phiếu C12 tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) duy trì diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần) kể từ ngày 07/07/2023. Nguyên nhân do Công ty không họp ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất, cộng với việc chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 quá thời hạn quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường