Tham vọng của T&D Group trên thị trường chứng khoán lẫn bất động sản
Chỉ mới thành lập gần đây, nhưng với vốn điều lệ đăng ký khủng, T&D Group lần lượt thâu tóm những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cùng các dự án đất vàng tại TP Hải Phòng, TPHCM.
UBND thành phố Hải Phòng vừa cấp phép cho CTCP Tập đoàn T&D Group được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng. Dự án tại số 43 Quang Trung và số 37 Phan Bội Châu, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng; tổng diện tích đất sử dụng 1,976.5m2.
Trong quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 04/04/2022, UBND TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư cùng chấp thuận nhà đầu tư dự án là Tập đoàn T&D Group. Mục tiêu trên cơ sở mua tài sản gắn liền với đất thuê là hai tòa nhà văn phòng thương mại tại số 43 Quang Trung và số 37 Phan Bội Châu, cải tạo, sửa chữa và hợp nhất thành tổ hợp khách sạn 4 sao theo tiêu chuẩn quốc tế gồm đầy đủ các dịch vụ chức năng đi kèm như dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà hàng, khu vực tổ chức hội nghị, khu vực giải trí gym, spa, hồ bơi, café…
Dự án đất vàng đầy gian truân
Dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng trước đây là tòa nhà Vipco Tower tại số 37 Phan Bội Châu và tòa nhà Central Tower tại số 43 Quang Trung, cùng thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Đây là 2 tòa nhà không thể tách rời thuộc sở hữu của CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIPCO, HOSE: VIP).
Do thiếu vốn, dự án này bị trì trệ trong hơn 10 năm, cơ quan kiểm toán kết luận dự án có nhiều sai phạm. TP Hải Phòng yêu cầu phải tổ chức đấu giá nếu không sẽ thu hồi mà không được bồi hoàn.
Theo đó, vào tháng 08/2020, VIPCO tiến hành đấu giá dự án. Trong đó, tòa Vipco Tower có 25 tầng nổi, 5 tầng hầm; diện tích đất hơn 1,148 m2, diện tích xây dựng 786 m2/sàn, chiều cao 90 m; mục đích sử dụng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê. Khu đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/08/2007; đất thuê, trả tiền hàng năm, hạn đến ngày 15/10/2043. Tại thời điểm đấu giá lần đầu ngày 20/08/2020, tòa nhà đã hoàn thành xây thô, lắp đặt hệ thống thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và hệ thống xếp xe tự động tại các tầng hầm. Giá trị thẩm định là 178.9 tỷ đồng.
Còn tòa Central Tower có quy mô 17 tầng nổi, 1 tầng hầm. Diện tích đất 836.7 m2, diện tích xây dựng 560 m2/sàn, chiều cao tòa nhà 60m, liên thông các tiện ích với tòa nhà Vipco Tower. Khu đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 09/08/2010; đất thuê, trả tiền hàng năm, hạn đến ngày 31/12/2034. Tại thời điểm đấu giá lần đầu, tòa nhà đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ quý 4/2010 và VIPCO sử dụng làm trụ sở làm việc và cho thuê văn phòng, giá trị thẩm định tòa nhà là 128.6 tỷ đồng.
Tổng mức giá đấu khởi điểm của 2 tòa nhà là 307.5 tỷ đồng. VIPCO phải qua đến 5 lần đấu giá mới bán được 2 tòa nhà này ở mức giá còn 263.5 tỷ đồng (chưa gồm thuế VAT và các loại thuế, phí và lệ phí khác), giảm 14% so với ban đầu. Kết quả trúng vào ngày 05/02/2021 là Tập đoàn T&D Group.
Phối cảnh dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng (trái) và tiến độ thực tế tính đến tháng 12/2022
Tập đoàn T&D Group thành lập vào ngày 05/10/2020, chỉ trước thời điểm trúng giá tòa nhà 4 tháng; trụ sở tại số 6P2 Lý Tự Trọng, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là khách sạn; biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú tương tự.
Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 900 tỷ đồng gồm các cổ đông ông Đoàn Quang Huy (sinh năm 1994) góp 0.5%, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (mẹ ông Huy) góp 0.5%, bà Đoàn Thị Tơ (sinh năm 1958) góp 99%. Đến tháng 03/2022, vốn điều lệ tăng lên 1,900 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Đoàn Thị Tơ - Chủ tịch HĐQT và Phạm Thị Minh Yến (con bà Tơ, sinh năm 1979) - Giám đốc.
Cuộc trường chinh trên thị trường chứng khoán
Dù tuổi đời non trẻ nhưng với vốn điều lệ đăng ký khủng, T&D Group lần lượt có những thương vụ thâu tóm, lướt sóng trên sàn chứng khoán tại các doanh nghiệp sản xuất lâu đời.
Đầu tiên là thương vụ “lướt sóng” cổ phiếu CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC). Vào cuối năm 2020, bà Tơ cùng bà Tạ Kim Chi và nhóm cổ đông lớn của ông Huy bắt đầu mua vào cổ phiếu VSC. Đến cuối tháng 06/2021, tỷ lệ sở hữu tại VSC của bà Tơ là 7.07%, T&D Group 5.18%, CTCP Thành Đức Hải Phòng (nay đổi tên thành CTCP Thành Đức Holding) 5.18%, ông Huy 5.65%, bà Chi 6.9%. Như vậy tổng sở hữu VSC của nhóm T&D Group là 29.98%, tương đương hơn 16.5 triệu cp.
Box phải: Thành Đức Holding thành lập ngày 03/11/2014, với tên gọi ban đầu là CTCP Thành Đức Hải Phòng. Ngành nghề kinh doanh đăng ký chính là bán buôn sắt, thép; vốn điều lệ 6 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm bà Tơ 90%, ông Phạm Tuấn Anh 5% và bà Vũ Thị Bảo Hà 5%. Đến tháng 09/2021, Giám đốc, người đại diện pháp luật đổi sang ông Nguyễn Đức Dũng (con rể bà Tơ).
Cơ cấu cổ đông VSC tính đến 30/06/2021
Tuy nhiên sau thời gian ngắn nắm giữ, trong 4 phiên giao dịch giữa tháng 08/2022, nhóm T&D Group đã bán hơn 32.6 triệu cp VSC. Tính đến ngày 22/08, bà Tơ chỉ còn nắm 0.22% và ông Huy nắm 2.85% vốn VSC, trong khi các cổ đông còn lại đều thoái hết.
Giao dịch “lướt sóng” của nhóm T&D Group tại VSC từ cuối 2021 đến tháng 08/2022
So với mức giá thời điểm mua vào hồi cuối năm 2021, mức giá bán ra có sự chênh lệch cao hơn khoảng 8,000 - 10,000 đồng/cp. Tính sơ bộ, nhóm này có thể lãi đến hàng trăm tỷ đồng.
Sau thoái vốn VSC, nhóm T&D Group tiếp tục “chinh chiến” trên thị trường chứng khoán tại một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sắt thép là CTCP Kim Khí KKC (HNX: KKC).
Tháng 09/2021, tại đại hội bất thường, KKC thay thế 3 thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Đào Trọng Khôi, 2 Thành viên Đoàn Trung Hà và Trần Trọng Hải; các cá nhân được bổ sung vào là bà Phạm Thị Minh Yến - giữ chức Chủ tịch, bà Trịnh Thanh Nhàn và ông Trần Trung Hiếu làm thành viên HĐQT. Tháng 10/2021, chức Tổng Giám đốc cũng được thay thế sang ông Nguyễn Đức Dũng - chồng bà Yến.
Đến tháng 01/2022, T&D Group mua gần 3.6 triệu cp KKC, chính thức thâu tóm với tỷ lệ sở hữu 85.68% (hơn 4 triệu cp), đồng thời đổi tên công ty này thành CTCP Tập đoàn Thành Thái cùng một loạt hoạt động cải tổ doanh nghiệp khác như miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát, bầu bổ sung 2 cá nhân khác là Nguyễn Thị Hải Yến và Phạm Khánh Chi.
Những nhân sự mới đã đưa chiến lược hoạch kinh doanh 2022 đi khá xa so với bản chất ngành nghề chính của KKC bằng việc đầu tư mua bán chứng khoán các mã VHM, VIC, NTP, PLX; thực hiện ký kết hợp đồng mua bán với Công ty mẹ là T&D Group, Thành Đức Holding và VSC - vốn là các công ty liên quan đến KKC.
Golf Trường An được thành lập ngày 14/02/2015 với ngành nghề chính là sân golf, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm CTCP Đầu tư Phát triển Trường An 50%, Công ty TNHH Mai Hạnh 30% và ông Trần Văn Dĩnh 20%. Ông Dĩnh (sinh năm 1970) là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật 2 Công ty Golf Trường An và Đầu tư Phát triển Trường An. Đến tháng 10/2020, Công ty tăng vốn lên 379 tỷ đồng.
Ngoài ra, KKC cũng thông qua huy động vốn từ cá nhân, người nội bộ; mua lại phần vốn góp của bà Phạm Thị Ngân tại CTCP Golf Trường An với số tiền mua là 60.4 tỷ đồng, tương đương 15% vốn điều lệ Golf Trường An. Bên cạnh đó, từ một doanh nghiệp kinh doanh sắt, thép, KKC bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh với các ngành như xây dựng nhà; hoàn thiện công trình xây dựng; bán ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị; bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí; vận tải hành khách; đại lý du lịch; tổ chức sự kiện; hoạt động các công viên vui chơi; dịch vụ tắm hơi, tăng cường sức khỏe…
Sau những thay đổi trong ban lãnh đạo cùng kế hoạch đầu tư chứng khoán, 9 tháng đầu năm nay, KKC lỗ hơn 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi được gần 9 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Công ty lý giải do sản lượng tiêu thụ, giá thép liên tục giảm trong khi chi phí bán hàng, quản lý vẫn phải duy trì nên thua lỗ. Trên thực tế, trong tháng 7, KKC bán toàn bộ 3 cổ phiếu đầu tư là PLX, VIC, VHM, thu về 213 tỷ đồng và lỗ gần 32 tỷ đồng, qua đó đưa chi phí tài chính tăng vọt lên gần 37 tỷ đồng. Cùng kỳ, Công ty hoàn nhập khoản này 2 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Động thái mới đây nhất là vào ngày 12/12, HĐQT KKC thông qua giao dịch mua bán, dịch vụ với Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Gia Minh, một đơn vị có liên quan tới Chủ tịch Phạm Thị Minh Yến.
Đầu tư và Du lịch Gia Minh thành lập vào tháng 01/2020. Thời điểm đó công ty có tên là CTCP Đầu tư và Du lịch Gia Minh, người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT Bùi Mạnh Tráng. Đến tháng 03/2022, ông Tráng rút vốn, Công ty đổi thành loại hình Công ty TNHH đồng thời chuyển giao đại diện pháp luật và chức Giám đốc cho bà Yến. Tại Gia Minh, bà Tơ cũng góp toàn bộ vốn điều lệ gần 90 tỷ đồng vào ngày 12/01/2022.
Thâu tóm đất vàng quận 1, TPHCM
Trong một thương vụ khác, bà Thúy là một trong những cổ đông góp vốn thành lập Công ty TNHH Khách sạn The Myst Installation - chủ sở hữu khách sạn Themyst Installation, tọa lạc tại số 24-26-28-28B đường Ngô Văn Năm, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Khách sạn Themyst Installation
Khi mới thành lập vào năm 2018, Công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, do 7 cá nhân góp vốn gồm ông Vũ Hồng Nam - 27.5%, bà Thúy - 12.5% (2 người này cùng chung địa chỉ thường trú tại số 56 Phạm Hồng Thái, phường Bến Nghé, quận 1); 5 cổ đồng còn lại là bà Nguyễn Thị Hạnh - 10%, bà Nguyễn Thị Phúc - 27.5%, ông Nguyễn Văn Quang - 12.5%, ông Nguyễn Bá Lộc - 5%, Nguyễn Thị Chi - 5% cũng cùng chung địa chỉ thường trú tại số 56 Phạm Hồng Thái, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Ông Nguyễn Văn Quang làm Giám đốc, đến tháng 03/2021 chuyển cho ông Đoàn Quang Huy, đồng thời số cổ đông nắm vốn chỉ còn 3 gồm T&D Group (98%) và mẹ con bà Thúy - Huy nắm 2%.
Mối quan hệ của nhóm cổ đông T&D Group
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường