menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Sức bền cổ phiếu công nghệ

Cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu và tại thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đà tăng tích cực

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, giảm 1,3% so với cuối tháng 5/2024. Tuy vậy, so với cuối năm 2023, chỉ số vẫn ghi nhận mức tăng hơn 10%.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng vượt trội so với thị trường chung: Tăng 10,18% trong tháng 6 và tăng 53,63% trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài tên tuổi nổi bật nhất là cổ phiếu FPT (Công ty cổ phần FPT), một số cổ phiếu công nghệ có mức tăng rất mạnh như MFS (Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone), FOX (Công ty cổ phần Viễn thông FPT), VGI (Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel), ITD (Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong), CMG (Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC), ICT (Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện), ELC (Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom)… Đa phần các cổ phiếu nhóm công nghệ đều tăng hàng chục phần trăm trong nửa đầu năm nay.

Đằng sau đà tăng này là những động lực rất vững vàng. Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chi tiêu cho dịch vụ và phần mềm công nghệ thông tin toàn cầu tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Chi tiêu để duy trì các Data Center (trung tâm dữ liệu) tại chỗ và chi tiêu mới tiếp tục chuyển sang các đám mây (cloud) sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Theo đó, triển vọng của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và xuất khẩu phần mềm vẫn tích cực nhờ lợi thế cạnh tranh: Nguồn nhân lực trẻ có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới và chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Không chỉ xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ cũng được đặt nhiều kỳ vọng khi nhiều nhà đầu tư ngoại muốn xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Trong đó, các tên tuổi lớn như Amazon Web Services đã ra mắt các trung tâm dữ liệu biên tại Hà Nội và TP.HCM; Alibaba - gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - công bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình để tuân thủ các quy định địa phương về việc lưu trữ dữ liệu trong nước.

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước thống trị như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom, với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn.

Trong một báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Savills cũng nhìn nhận, ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu tại 3 miền, với tổng công suất đạt 45 MW.

Savills đánh giá nguồn cung lĩnh vực này tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia vẫn ít hơn Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore, dù dân số đông hơn khoảng 30 lần. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới sẽ có sự bùng nổ về Data Center, với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 10,8%/năm...

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành bán dẫn, đó là chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động dồi dào với chi phí lao động cạnh tranh, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một loại khoáng sản đặc biệt là đất hiếm - nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai trên thế giới.

Đây là lý do nhiều dự án trong lĩnh vực chất bán dẫn của các tập đoàn toàn cầu đã đầu tư vào Việt Nam, như Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Công ty bán dẫn Amkor xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) và có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025…

“Hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang củng cố nội lực để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam trong vai trò là nhà sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm”, TPS nhận định.

Nhu cầu công nghệ thông tin tại thị trường nội địa cũng rất khả quan nhờ nhu cầu chuyển đổi số. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao bao gồm dịch vụ chuyên sâu và bán lẻ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính.

Trong khi đó, chứng khoán và đầu tư sẽ có tốc độ tăng trưởng chi tiêu chuyển đổi số nhanh nhất, với CAGR trong 5 năm qua là 20,6%/năm. Theo sát là ngân hàng và chăm sóc sức khỏe, với CAGR lần lượt là 19,4% và 19,3%.

Các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm vận tải, thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn), truyền thông trực tuyến. Các lĩnh vực này đã tăng trưởng 10%/năm trong giai đoạn 2022-2023, dự kiến CAGR tăng 16%/năm trong giai đoạn 2023-2025 và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trong nước kỳ vọng được hưởng lợi nhờ nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ.

Cổ phiếu còn dư địa tăng

Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu FPT đã có gần 30 lần đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. Nếu tính trong 1 năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng 2,2 lần.

Giá trị vốn hóa của FPT theo đó cũng lập kỷ lục mới, đạt khoảng 201.687 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng nằm trong sóng tăng mạnh mẽ.

Tuy vậy, mới đây, một số thông tin không lấy làm lạc quan xuất hiện với nhóm cổ phiếu công nghệ. Malaysia trong tháng 5/2024 đã công bố một loạt dự án lớn, gồm dự án Cloud và AI của Microsoft với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, dự án Trung tâm dữ liệu của Google với vốn đầu tư 2 tỷ USD.

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư của mình như ByteDance (công ty mẹ của Tiktok) dự kiến đầu tư 2,13 tỷ USD thành lập trung tâm dữ liệu. Trước đó, Nvidia cũng hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm AI trị giá 4,3 triệu USD (công bố từ tháng 12/2023).

Tại Việt Nam, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn chưa nhiều.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng như LG, Samsung, Intel. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng chưa lựa chọn hoặc chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách.

LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất, sau đó lại chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD và đề nghị Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan.

Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ về chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn nên chuyển sang Malaysia.

Tuy nhiên, nhìn chung, trong dài hạn, giới phân tích đều có nhận định nhóm ngành này vẫn được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực.

Nêu thực tế hiện tại cổ phiếu FPT đang giao dịch trong vùng giá 130.000 - 140.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng mức giá này cao rồi nên không mua, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS đặt câu hỏi: “Vậy tại sao các quỹ đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ?”

“Thật ra, các quỹ đầu tư có tầm nhìn dài hơn và kiên định hơn, trong khi nhà đầu tư cá nhân thường sợ cao rồi nên không mua. Nhà đầu tư cá nhân có thể không mua cổ phiếu bluechip, mà chọn một vài midcap hay smallcap trong ngành này. Cổ phiếu của doanh nghiệp quy mô vừa, có tiềm năng tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh tốt... có thể là cổ phiếu triển vọng”, ông Khánh khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

130.60

+1.90 (+1.48%)

Biểu đồ mã FPT

12.60

+0.50 (+4.13%)

Biểu đồ mã ITD
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả