24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hướng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sóng thoái vốn trở lại

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, sau thời gian dài vắng bóng các thương vụ đình đám, lại được “hâm nóng” trong tuần qua trước thông tin SCIC lên kế hoạch bán vốn tại 31 công ty, hay cổ đông nhà nước sẽ thoái 30% vốn tại “trùm” khu công nghiệp Becamex IDC…

Lịch sử cho thấy, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trước tác động của hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hoá… nên dòng tiền thị trường luôn có sự quan tâm nhất định tới chủ đề này.

Tâm lý tích cực, nhiều cổ phiếu bật tăng

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024, bao gồm cả doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán, nổi bật với FPT (mã FPT), Nhựa Tiền Phong (mã NTP)… đã tạo hưng phấn trên thị trường. FPT tiếp tục được điểm cộng tâm lý với đà tăng tốt trước đó, NTP có 3 phiên trần và các phiên còn lại phủ sắc xanh tươi trong tuần trước, ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 38% trong tuần gần nhất (17/5 - 23/5).

Trong tuần qua, thanh khoản cổ phiếu BCM (của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp, Becamex IDC) cũng tăng vọt trước thông tin Nhà nước sẽ thoái 30% vốn tại doanh nghiệp này, đi kèm là thị giá tăng mạnh lên 64.400 đồng/cổ phiếu trong phiên 23/6, tương ứng tăng 23% trong 1 tháng gần nhất và tăng hơn 10% so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước nữa.

Sở dĩ thị trường phản ứng tích cực trước thông tin này là bởi trong suốt thời gian dài, không có thêm thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám nào được triển khai. Hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá có phần trầm lắng hơn từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn nhà nước có tiềm lực tài chính tốt, triển vọng tăng trưởng tích cực trở thành mục tiêu gom mua của nhiều nhà đầu tư tinh tường và chiến lược này đã đem lại trái ngọt cho nhà đầu tư. Đơn cử như trường hợp cổ phiếu VGV của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP.

Giữa năm 2022, 87% vốn của VGV được chuyển giao từ Bộ Xây dựng về SCIC. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, không vay nợ, số dư tiền mặt hơn 200 tỷ đồng. Với bề dày hoạt động gần 70 năm, VGV và các công ty con, công ty liên kết đã thiết kế, tư vấn cho nhiều công trình lớn của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam, Bảo tàng Hà Nội, Học viện Quân y… VGV đang quản lý và sử dụng lô đất 2.500 m2 tại trụ sở 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Không chỉ VGV mà các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái của VGV cũng nắm trong tay nhiều khu đất vàng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nước Môi trường Việt Nam (VWS) tuy chỉ có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, nhưng sử dụng lô đất rộng 650 m2 ở các số nhà 5, 7, 9 phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều héc-ta đất tại Bắc Ninh, Hưng Yên… Hay Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam - VCC với tòa nhà số 10 Hoa Lư, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng – CCBM với tòa nhà VG, ngõ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp - Nagecco có trụ sở ở 29bis Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM và lô đất 466 m2 tại 162 đường Pasteur, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco, chủ tòa nhà CONINCO Tower trên diện tích đất 1.814 m2 với 4 tầng hầm, 19 tầng nổi ở số 4 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội…

USCO - một công ty con khác của VGV (sở hữu 57,76% vốn điều lệ) nắm trong tay 748 m2 đất ở 91 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm; 4.434 m2 đất ở xóm 6, Đông Ngạc, Từ Liêm; 8.625 m2 ở khu Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội; 1.937 m2 ở số 5 Lạc Long Quân, Hà Nội; 337 m2 ở 226 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM; 1.317 m2 ở 303 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM và nhiều lô đất khác tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Đầu năm 2023, thị giá cổ phiếu VGV chỉ quanh 12.000 đồng/cổ phiếu, một nhóm nhà đầu tư đã nhìn ra tiềm năng của cổ phiếu này, định giá cổ phiếu VGV phải ít nhất 3x và bắt đầu gom mua dần. Đặc biệt, họ đón đầu cơ hội Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp. Đến cuối năm 2023, giá VGV vượt 3x, nhóm nhà đầu tư này đã bán thỏa thuận một phần cổ phiếu đã gom được cho nhà đầu tư nước ngoài là Oriental Consultants Global Co.,Ltd (716.000 cổ phiếu). Nhà đầu tư Nhật Bản này cũng là cổ đông lớn nhất tại Tổng công ty Tedi. Họ muốn mua thêm cổ phần nhưng do số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường thấp nên mới chỉ gom được một tỷ lệ nhỏ.

Nay VGV có tên trong danh sách thoái vốn của SCIC và theo dự đoán, thương vụ thoái vốn này sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Cổ phiếu NTP cũng tăng vọt ngay sau khi SCIC công bố đưa vào diện thoái vốn. Hiện SCIC sở hữu 37% cổ phần tại doanh nghiệp này. Doanh nghiệp có tiềm năng, có thị trường, thị phần tốt, thị giá (trước thời điểm công bố thoái vốn Nhà nước) chỉ chưa bằng một nửa thị giá doanh nghiệp cùng ngành là BMP (trên 100.000 đồng/cổ phiếu) thì chuyện cổ phiếu được đẩy tăng không có gì quá đặc biệt.

Kế hoạch thoái vốn của SCIC ở Nhựa Tiền Phong cũng được dự báo khả thi, bởi cả nhóm nhà đầu tư nội hiện hữu trong doanh nghiệp và cổ đông lớn Nhật Bản SEKISUI CHEMICAL CO.,LTD đều có tiềm lực tài chính mạnh.

FPT cũng là cái tên được quan tâm trong danh sách thoái vốn của SCIC. Bốn tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu 18.989 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.447 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với năm trước.

Trong năm 2020, SCIC đã thông báo đấu giá công khai toàn bộ cổ phần nắm giữ tại FPT khi đó là hơn 46 triệu đơn vị, với giá khởi điểm 49.000 đồng/cổ phiếu, dự thu tối thiểu hơn 2.200 tỷ đồng. Thời điểm đó, phiên đấu giá không có người mua.

Nay, so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra ở thời điểm năm 2020, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng gấp 2,7 lần, lên mức 134.200 đồng/cổ phiếu. Tính theo thị giá hiện tại, SCIC có thể thu về hơn 8.500 tỷ đồng nếu thoái toàn bộ vốn tại FPT. Số tiền này cao gấp 3,7 lần mức dự thu tối thiểu khi SCIC bán đấu giá cổ phiếu FPT hồi năm 2020 (một phần do thị giá tăng cao, một phần do số lượng cổ phiếu SCIC nắm giữ gia tăng sau những lần FPT tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu) và cao gấp hơn 13 lần giá trị đầu tư ban đầu (630 tỷ đồng).

Dù vậy, với thị giá cao chót vót của FPT hiện nay, room nhà đầu tư ngoại ở doanh nghiệp này đã đầy, câu hỏi đặt ra là có nhà đầu tư nội nào, hoặc nhà đầu tư nước ngoài nào dám bỏ ra khoản tiền lớn như vậy để đầu tư ủy thác mua cả lô cổ phiếu FPT? Còn bán giá thấp hơn thị giá cổ phiếu trên sàn, chắc chắn SCIC không thể mạo hiểm. Bởi thế, thương vụ thoái vốn FPT không dễ thành công.

Bên cạnh đó, với “sóng ngành công nghệ” thời gian qua, định giá của FPT không còn quá hấp dẫn.

Cách bán là quan trọng

Câu hỏi đặt ra là, liệu thoái vốn có phải là lý do để tạo sóng cổ phiếu trên sàn? Có hay không việc cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp không muốn xáo trộn cơ cấu cổ đông nên kéo giá cổ phiếu lên rất cao, khiến nhà đầu tư mới khó tham gia mua cổ phần?

Nếu như trước đây, mỗi đợt thoái vốn tại doanh nghiệp, SCIC thường bán đấu giá rộng rãi ra thị trường, các nhà đầu tư đều có thể tham gia mua cổ phần, thì nay, phương thức đấu giá cả lô được quan tâm hơn. Nguyên nhân là để SCIC bán hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tránh trường hợp rơi rớt tỷ lệ một vài phần trăm, doanh nghiệp vẫn phải quản lý vốn. Cách bán này cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp và đồng hành với doanh nghiệp về sau.

Tuy vậy, để một thương vụ thoái vốn thành công, theo góc nhìn của một đơn vị chuyên tư vấn M&A, điều quan trọng hơn cả là giá bán thế nào.

Hiện SCIC sử dụng giá khởi điểm là phương pháp tổng hợp từ định giá doanh nghiệp và giá thị trường trung bình 30 phiên khớp lệnh gần nhất, nếu là cổ phiếu đang niêm yết.

Câu hỏi đặt ra là, liệu thoái vốn có phải là lý do để tạo sóng cổ phiếu trên sàn? Có hay không việc cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp không muốn xáo trộn cơ cấu cổ đông nên kéo giá cổ phiếu lên rất cao, khiến nhà đầu tư mới khó tham gia mua cổ phần?

Với những doanh nghiệp mang tính đại chúng lớn như FPT, chuyện giá cổ phiếu kéo lên cao khó có khả năng xảy ra, nhưng ở những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phiếu cô đặc, điều này hoàn toàn có thể. Hoặc ở những doanh nghiệp đã lừng lững cái bóng của các ông lớn, nhà đầu tư mới khó tham gia nếu giá không thực sự hấp dẫn.

Trường hợp CTCP Sách Việt Nam (Savina – mã VNB) là một ví dụ. Savina tiền thân là Tổng công ty Sách Việt Nam, đến tháng 4/2016, đơn vị chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vốn điều lệ ban đầu 679 tỷ đồng và duy trì cho đến nay. Cổ đông lớn ngoài SCIC, còn có Tập đoàn Vingroup (mã VIC) sở hữu 44,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 65,33% vốn. Công ty đang thuê và quản lý nhiều khu đất có vị trí trung tâm Hà Nội, như số 44 Tràng Tiền, 50A Hàng Bài, 22A và 22B Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm).

Khối lượng cổ phần VNB đưa ra đấu giá lần 2, vào ngày 14/6 tới là hơn 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 100% cổ phần SCIC sở hữu và 10% vốn Savina. Giá khởi điểm của đợt đấu giá là 15.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 24% so với thị giá trên sàn chứng khoán kết thúc ngày 20/5/2024. Thời gian nộp tiền đặt cọc từ 8h00 ngày 20/5/2024 đến 15h30 ngày 7/6/2024.

Trước đó, vào tháng 3, HNX cũng thông báo về phiên bán đấu giá cổ phiếu VNB do SCIC nắm giữ. Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 25/3) không có nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần.

Trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024 của SCIC, có những cái tên được cho là không dễ thoái vốn và cũng không có sóng cổ phiếu thuộc diện thoái vốn như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã SEA), Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (mã VIW), Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (mã VEC), Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM)...

Ghi nhận ý kiến thị trường, nhiều nhà đầu tư cho rằng, có thể có sóng tăng với cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn nhà nước, nhưng chỉ nên tập trung vào những doanh nghiệp lớn - vì có hiệu ứng tâm lý khá tốt. Dĩ nhiên, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không làm thay đổi dòng tiền của doanh nghiệp, không thay đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi, theo đó, về góc độ định giá không thay đổi. Nhưng xét ở góc độ thị trường, dòng tiền có thể ưa thích những cổ phiếu này, bởi luận điểm thoái vốn nhà nước giúp tăng lượng hàng hoá có chất lượng lưu hành trên thị trường.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều đợt cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong quá khứ đã giúp doanh nghiệp có cơ hội thay đổi cấu trúc cổ đông, tiếp nhận được nguồn vốn mới, kinh nghiệm cũng như chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường… Thị trường chứng khoán qua đó cũng tăng rổ hàng hoá chất lượng, tăng dần thanh khoản. Như giai đoạn 2007 - 2008, hay giai đoạn 2015 - 2015, hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh thì thị trường chứng khoán cũng ghi nhận thanh khoản gia tăng. Cụ thể, năm 2009, giá trị giao dịch trung bình đạt 1.600 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 220% so với năm 2008 và một thập kỷ sau đó (năm 2018), thanh khoản trung bình đạt 5.200 tỷ đồng/phiên. Từ năm 2020 đến nay, thanh khoản thị trường được thúc đẩy bởi số lượng người dân tham gia thị trường mạnh mẽ, cũng như nguồn cung cổ phiếu từ các đợt phát hành tăng vốn gia tăng mạnh, trong khi hoạt động thoái vốn có phần chìm lắng.

Nhìn danh mục thoái vốn tuần qua của SCIC, ngoại trừ FPT, NTP có tên tuổi trên thị trường chứng khoán thì nhiều doanh nghiệp trong danh mục có kinh doanh không hiệu quả, quy mô không lớn, dẫn đến không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá nói chung kém sôi động, theo ý kiến của nhiều thành viên thị trường, ngoài việc chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, từ khó khăn của nền kinh tế thì còn đến từ một số vướng mắc cơ bản về pháp lý chưa được tháo gỡ như việc sắp xếp lại tài sản nhà đất trước khi bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, liên quan đến định giá tài sản doanh nghiệp… Các quy định liên quan đến việc không được phép bán dưới giá vốn đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng là một rào cản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
133.90 (0.00%)
59.00 +0.70 (+1.20%)
29.60 +0.30 (+1.02%)
10.40 +0.10 (+0.97%)
41.00 +0.55 (+1.36%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả