Sau Hòa Phát, Hoa Sen, đến Tôn Đông Á cũng muốn làm bất động sản
Sân chơi bất động sản không còn chỉ dành cho chủ đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp ngành thép như Tôn Đông Á, Hòa Phát, Hoa Sen... cũng đang tích cực tham gia vào thị trường này.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới công bố, CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) cho biết sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, nông nghiệp với tỷ lệ đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ hoặc 10% vốn chủ sở hữu tại từng thời điểm đầu tư.
Tại thời điểm 31/3, vốn điều lệ của Tôn Đông Á ở mức 1.147 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 3.700 tỷ đồng. Tạm tính theo số liệu này, nguồn vốn cho đầu tư bất động sản của doanh nghiệp sẽ khoảng dưới 400 tỷ đồng.
"Nhà nhà" muốn làm bất động sản
Để thực hiện kế hoạch này, Tôn Đông Á cho biết sẽ góp vốn đầu tư trực tiếp hoặc giao cho công ty MTV góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới.
Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Tôn Đông Á nói về kế hoạch này. Trong tài liệu ĐHĐCĐ những năm trước đây, doanh nghiệp đã nhiều lần đề cập kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ nét trên thị trường.
Trong khi đó, cách đây vài ngày, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS), cổ đông đã thông qua quy chế phân quyền đầu tư dự án bất động sản, đây được xem là bước chuyển lớn nhằm tạo điều kiện cho VGS tập trung nguồn lực triển khai Dự án Việt Đức Legend City.
Thực tế, Việt Đức Legend City là dự án đầu tiên của Ống thép Việt Đức VG PIPE. "Do là dự án đầu tay của doanh nghiệp, nên công tác chuẩn bị đầu tư rất được coi trọng, từ nguồn lực, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế và đặc biệt là về mặt pháp lý", ông Nguyễn Hữu Thể, Tổng giám đốc VGS cho biết.
Theo tìm hiểu, Việt Đức Legend City có quy mô lên đến 60 ha, tọa lạc tại đường Mê Linh, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay, dự án đã đủ các điều kiện cần thiết và đang chờ Sở Xây dựng cấp phép để triển khai thi công giai đoạn 1 với diện tích 23 ha. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2.
Ống thép Việt Đức VG PIPE dự định đưa sản phẩm ra thị trường ngay trong năm nay để đón con sóng phục hồi ngành bất động sản.
Hòa Phát, Hoa Sen lên kế hoạch mở rộng
Trong khi các doanh nghiệp nhỏ mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản, hai tập đoàn lớn cùng ngành là Hòa Phát (HoSE: HPG) và Hoa Sen (HoSE: HSG) đã lấn sân sang bất động sản từ lâu. Tuy nhiên, nếu "vua thép" Hòa Phát đã ghi dấu ấn trên thị trường, thì "vua tôn" Hoa Sen vẫn gặp khó khăn và chưa đạt được thành công trong lĩnh vực này.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - từng nhấn mạnh "không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó". Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị.
Tham gia gần 2 thập kỷ nhưng chỉ đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định bất động sản là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép.
Hiện tại, Hòa Phát đang sở hữu 3 khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) diện tích gần 690 ha, Khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam) diện tích 131 ha và Khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên) diện tích 313 ha.
Đối với mảng nhà ở, Hòa Phát đang sở hữu nhiều bất động sản tại Hà Nội như Tòa nhà Hòa Phát, Khu phức hợp Mandarin Garden 1 và 2...
Trong kế hoạch dài hạn, tập đoàn này đặt mục tiêu xây dựng 10 khu công nghiệp đến năm 2030. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn đang tìm quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở trong tương lai.
Hòa Phát đặt mục tiêu xây dựng 10 khu công nghiệp đến năm 2030.
Còn với "vua tôn" Hoa Sen, đơn vị này từng lấn sân vào thị trường bất động sản từ năm 2009. Thời điểm ấy, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào 5 dự án bất động sản với định hướng trở thành tập đoàn đa ngành.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, doanh nghiệp lại bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là tôn thép. Công ty sau đó đã chuyển nhượng, rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen đang xây dựng dở dang.
Dù vậy, tham vọng làm bất động sản của Hoa Sen vẫn chưa dừng lại. Năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.
Đến năm 2018, Hoa Sen một lần nữa tuyên bố giải thể lần lượt CTCP Hoa Sen Hội Vân và CTCP Hoa Sen Vân Hội. Sau đó, tập đoàn cũng quyết định giải thể CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.
Đến nay, Hoa Sen chỉ còn 1 công ty con kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống và trung tâm thương mại là CTCP Hoa Sen Yên Bái. Cách đây không lâu, doanh nghiệp cho biết đã góp thêm 200 tỷ đồng Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ doanh nghiệp này từ 421 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, "vua tôn" cũng thông qua việc góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. 60% vốn còn lại đến từ các các cổ đông sáng lập khác.
Doanh nghiệp mới sẽ chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hướng tới việc tìm kiếm các bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở. Đồng thời, bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận