menu
Quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' IUU
Quang Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' IUU

Theo dự kiến, vào cuối tháng 10 năm nay phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam để khảo sát tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU), cũng như sự đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng thủy sản. Đây là cơ hội lớn để nước ta gỡ

EU - thị trường quan trọng

Việt Nam được xem là quốc gia có điều kiện lý tưởng để phát triển công nghiệp thủy sản, bao gồm cả lĩnh vực nuôi, trồng và khai thác. Hệ thống chế biến thủy sản của Việt Nam vô cùng đa dạng, có được từ sự thuận lợi về thiên nhiên và vị trí địa lý.

Quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' IUU
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Nước ta có 3 vùng khai thác thủy sản, mỗi vùng miền đều sở hữu một thế mạnh riêng biệt cho từng loại thủy sản. Khu vực phía Bắc chủ yếu khai thác thủy sản là những loài sống nước ngọt và nuôi lồng bè trên biển. Miền Trung tập trung nuôi thâm canh và đánh, bắt các loại tôm như tôm sú, tôm hùm và nuôi cá lồng bè. Khu vực miền Nam được coi là trung tâm của lĩnh vực thủy sản, cùng với những hoạt động nuôi, trồng đa dạng như cá tra, cá lóc, cá rô, tôm càng xanh và nhiều loại hải sản khác. Sản phẩm nuôi, trồng thủy sản chủ yếu của nước ta là cá tra và tôm.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm cao điểm của dịch COVID-19), trong đó xuất khẩu tôm đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 tăng từ 10-12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD, trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá là 7-10%, tăng trưởng do tăng sản lượng là 2-5%.

Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt qua các quy định khắt khe để giữ vững vị thế của tôm, cá tra Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Báo cáo tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam - EU 2022 mới đây do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, cho biết: Trong 10 năm qua xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dao động từ 1,1-1,5 tỷ USD/năm. EU luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang thị trường này không ổn định do nhiều nguyên nhân.

Thị trường cao cấp châu Âu có những quy định rất khắt khe. EU đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý để quản lý đánh, bắt và nuôi, trồng thủy sản, quản lý đội tàu… Nhằm đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng quy trình đã đề ra, vài năm một lần, EU cử người đến khảo sát các hệ thống đánh, bắt và nuôi, trồng đang có của nước xuất khẩu, đi thăm một số nơi trong chuỗi cung ứng.

Với từng mặt hàng cụ thể, EU có thêm các quy định riêng. Mặt hàng cá tra chịu thêm một số quy định như kiểm soát cacbon, tỷ lệ nước… Tôm phải giảm dư lượng thuốc kháng sinh và không chứa tạp chất. Mặt hàng cá ngừ chịu tác động từ các quyết định chống đánh, bắt bất hợp pháp.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD vào năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD vào năm 2020).

Tiến sỹ Vũ Thành Toàn (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) nêu ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, đối với nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cần thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến từ nuôi, trồng một cách hợp tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản.

Ngoài ra, Nhà nước cần đề ra các nhiệm vụ về quy hoạch và ưu tiên đầu tư vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho vùng nuôi thủy sản tập trung. Việc này cần được áp dụng với mục đích tạo ra nguồn cung ứng nguyên liệu chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa vào thị trường EU.

Tác động tiêu cực đối với ngành thủy sản

Việt Nam nhận "thẻ vàng" cảnh báo từ EC vào ngày 23/10/2017, do bị cho là còn để xảy ra tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép.

Trong ngót 5 năm qua, ngành thủy sản nước ta đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ tấm “thẻ vàng” này.

Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, cho biết: Làm phép tính so sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019 thì thấy rằng sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm hơn 10% sau hai năm, tương đương giảm 43 triệu USD; trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất là 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit (việc Anh rời EU), xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 5,7% so năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải mất 3 - 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí, chỉ riêng kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng… Rủi ro nhất là các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.

Ngoài ra, cảnh báo từ EU kéo theo những thị trường khác cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Quyết liệt gỡ “thẻ vàng”

Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản, triển khai hàng loạt biện pháp phát triển bền vững thủy sản - ngành xuất khẩu mũi nhọn của nước ta, cũng là nhằm đáp ứng những khuyến nghị từ phía EC về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương; nỗ lực để sớm chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Việc này không chỉ vừa bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân, mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế.

Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/9/2022. Mục tiêu chung là tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…

Cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU…

Để làm được điều này, đề án đặt ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách; đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá…

Bên cạnh đó, muốn giảm khai thác IUU thì Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phát triển nghề cá bền vững; xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng ngư dân…

Nhằm vượt qua “thử thách tháng mười”, Chính phủ Việt Nam vừa quyết định mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm khai thác IUU.

Ngày 20/9, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc gỡ "thẻ vàng" và tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là nhiệm vụ rất cấp bách. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, tổng số tàu cá trên cả nước là 91.716 chiếc, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ - đạt 95,27%, tăng hơn 5% so với trước.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp như duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để theo dõi, giám sát… Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã kéo giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.

Quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' IUU
Thiết bị giám sát hành trình được ngư dân xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) lắp đặt trên tàu cá. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành lập các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách, nhằm kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng yêu cầu, về lâu dài các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam an toàn, bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
21.90 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả