Quý 2 nối dài bản giao hưởng buồn của thủy điện
Tình hình nắng nóng gay gắt gây hạn hán tại miền Bắc trong quý 2 đã gieo sầu cho nhóm thủy điện. Nhóm nhiệt điện, dù được tăng huy động, cũng không thể đột phá vì giá nhiên liệu leo thang.
Giai đoạn tháng 5, tháng 6 của năm 2023 hẳn là những ngày khó quên với nhiều người, đặc biệt là người dân sinh sống tại miền Bắc. Nắng nóng và hạn hán, tiết trời gần như chẳng có mưa và càng thêm kiệt quệ vì mất điện khi nhiều hồ thủy điện xuống tới mực nước chết, không thể vận hành.
Trong bối cảnh ấy, có lẽ chẳng cần phải là chuyên gia cũng nhận định được bức tranh chung quý 2 của doanh nghiệp ngành điện khó lòng suôn sẻ. Thực tế, theo thống kê từ VietstockFinance, trong 56 doanh nghiệp ngành điện công bố kết quả kinh doanh quý 2, chỉ 11 cái tên báo lãi tăng trưởng; tới 40 cái tên giảm lãi, trong đó nhiều trường hợp gần như mất toàn bộ lợi nhuận; và 5 doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ.
El Nino tấn công thủy điện
Nhóm thủy điện chiếm đa số trong danh sách các doanh nghiệp điện giảm lãi quý 2. Câu chuyện đưa ra hầu hết đều giống nhau: Thiếu nước. Cụ thể hơn là “tác động từ thời tiết (El Nino) gây hạn hán, làm lượng nước về hồ giảm mạnh”, qua đó kéo doanh thu sụt giảm thê thảm.
VCP (Xây dựng và Năng lượng VCP, trước kia là Thủy điện Cửa Đạt) và BHA (Thủy điện Bắc Hà) là 2 cái tên giảm lãi sâu nhất trong nhóm thủy điện. Trong đó, VCP rơi gần như toàn bộ lợi nhuận so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng (tương đương giảm gần 99%); BHA cũng giảm lãi tới 95%, còn 2.2 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của BHA trong quý 2/2023
Chung cảnh ngộ, Thủy điện Buôn Đôn (BSA) giảm 61%, Sông Ba (SBA) và Sông Ba Hạ (SBH) cũng đều giảm gần 60% lợi nhuận quý 2.
Cũng vì mảng thủy điện mà Cơ Điện Lạnh (REE) giảm lãi ròng 18%, còn 489 tỷ đồng. REE cho biết, các công ty thành viên và công ty liên kết thuộc nhóm thủy điện như Thác Bà (HOSE: TBC), Thác Mơ (HOSE: TMP), Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP)… chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thủy văn, nước về hồ sụt giảm, tác động trực tiếp đến sản lượng, khiến mảng này giảm 95 tỷ đồng lợi nhuận so với cùng kỳ.
Thủy điện Hương Sơn (GSM) và Thủy điện Hủa Na (HNA) thua lỗ. Trong đó, GSM lỗ 6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 7.5 tỷ đồng; HNA lỗ 24 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng.
Chỉ một ít doanh nghiệp thủy điện không bị tác động quá mạnh, bất chấp điều kiện thủy văn kém thuận lợi. Như Thủy điện Thác Mơ (TMP) chỉ giảm lãi 5%, đạt 131 tỷ đồng. Ông lớn thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) thậm chí tăng lãi nhẹ thêm 2%, đạt 262 tỷ đồng.
Đa số nhóm thủy điện chứng kiến một quý kinh doanh buồn tẻ
Nhiệt điện bị giá nhiên liệu níu chân
Thủy điện thiếu nước để vận hành, nhiệt điện được tăng huy động để bù đắp sản lượng. Tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp được hưởng lợi.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện trong quý 2
EVNGenco3 (Tổng Công ty phát điện 3 - PGV) lãi ròng tới gần 1.1 ngàn tỷ đồng trong quý 2, gấp 2.7 lần cùng kỳ; một phần nhờ thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh ổn định, nhưng chủ yếu do PGV là doanh nghiệp mạnh về nhiệt điện khí. Với việc huy động nhiệt điện tăng cao, PGV được hưởng lợi, tăng mạnh doanh thu, qua đó kéo lợi nhuận gia tăng.
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng nằm trong số những cái tên lãi lớn trong quý 2, với khoản lợi nhuận 167 tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, khoản lãi này phần lớn nhờ gần 100 tỷ đồng cổ tức nhận được từ các công ty con. Đối với hoạt động kinh doanh điện, doanh nghiệp lãi gộp 104 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, giá nhiên liệu tăng đã kéo chân nhiều doanh nghiệp nhiệt điện. PV Power (POW) giảm lãi tới 70%, còn 126 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, giá nhiên liệu tăng khiến giá vốn tăng mạnh, đồng thời nhiều nhà máy điện khí phải huy động vận hành bằng dầu, lên xuống máy nhiều lần làm tăng giá vốn.
Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng giảm 35% lợi nhuận trong quý 2, còn 181 tỷ đồng, dù doanh thu tăng trưởng. Doanh nghiệp cho biết, giá than tăng mạnh đã đẩy chi phí nhiên liệu lên cao, qua đó làm giảm lợi nhuận.
Điện tái tạo chờ thời
Quý đầu tiên sau khi Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) được thông qua vẫn chưa khởi sắc hơn với nhóm điện tái tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp điện gió.
Điện Gia Lai (GEG) của TTC Group - một trong những doanh nghiệp niêm yết làm điện gió mạnh nhất hiện nay - tiếp tục chứng kiến một quý giảm lợi nhuận, với lãi ròng chỉ đạt 64 tỷ đồng, chia hơn 2 lần so với cùng kỳ. Trên thực tế, doanh thu bán điện của GEG ghi nhận tăng nhờ Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào vận hành. Tuy nhiên, khi TPĐ1 đi vào hoạt động, GEG phải ghi nhận chi phí lãi vay, đồng thời lãi suất vay vốn tăng khiến chi phí tài chính tăng mạnh lên 213 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 38% và kéo lợi nhuận đi xuống.
Tập đoàn Hà Đô (HDG) giảm lãi tới 88%, còn 45 tỷ đồng. Là doanh nghiệp bất động sản, nhưng phân nửa doanh thu của Hà Đô đến từ điện tái tạo. Tuy nhiên trong quý 2, doanh thu các mảng này cũng sụt giảm 16%, đạt 375 tỷ đồng.
Nằm trong nhóm các doanh nghiệp được dự báo sẽ hưởng lợi từ QHĐ8, nhưng tình hình kinh doanh của TV2 (Tư vấn Xây dựng Điện 2 - PECC2) vẫn chưa khá hơn, với khoản lợi nhuận chỉ hơn 17 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, cơ chế chính sách của QHĐ8 vẫn chưa đi vào thực tiễn. Để triển khai, phải chờ Kế hoạch thực hiện QHĐ8 được phê duyệt, do đó, các dự án, công việc mới kể cả dự án đã ký kết đều đang chậm so với kế hoạch.
Tuy vậy, TV2 vẫn đang là cái tên được mong đợi trong dài hạn khi sở hữu những thế mạnh bám sát QHĐ8, gồm nhiệt điện khí LNG, thủy điện và đặc biệt là tư vấn xây lắp năng lượng tái tạo. Riêng về điện than, dự án Sông Hậu 2 được kỳ vọng về tính khả thi và khả năng bổ sung nguồn điện chạy nền cho phía Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận