24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hiếu Nguyễn SSI Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phân quyền mạnh mẽ hơn, đầu tư công sẽ hết "nghẽn"?

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đưa ra nhiều nội dung phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành và chủ tịch UBND các cấp. Việc này nhằm phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Phân cấp quyền điều chỉnh kế hoạch trung hạn và hằng năm cho Thủ tướng

Thực tiễn triển khai Luật Đầu tư công năm 2019 thời gian qua cho thấy, một số nội dung có thể nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, theo nguyên tắc cấp nào quản lý chương trình, dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện.

Do đó, tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất 8 chính sách cụ thể về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cụ thể là phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) và hằng năm vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho Thủ tướng Chính phủ.

Phân quyền mạnh mẽ hơn, đầu tư công sẽ hết "nghẽn"?

Việc phân cấp sẽ giảm trình tự, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện. Ảnh TL

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của UBTVQH. Thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh trung bình mất khoảng 5 - 6 tháng để thực hiện 6 bước. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện dự án; chưa đáp ứng được nhu cầu, tính cấp bách của việc điều chỉnh trong một số trường hợp.

Vì vậy, theo cơ quan soạn thảo, việc phân cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ UBTVQH cho Thủ tướng Chính phủ sẽ cắt giảm trình tự, thủ tục (rút ngắn 3 bước, giảm thời gian 2 - 3 tháng), tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, vốn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong KHĐTCTH và hằng năm, từ Quốc hội cho UBTVQH.

Hiện tại, Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội quy định thẩm quyền quyết định các nội dung trên là của Quốc hội. Thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định mất từ 6-8 tháng, đồng thời phải đến kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc bố trí nguồn lực.

Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền phân bổ các khoản vốn nêu trên cho UBTVQH sẽ nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn này.

Bộ, ngành, UBND các cấp được quyết nhiều dự án quy mô lớn hơn

Không phân cấp "cào bằng", vượt quá khả năng

Khi thẩm định về nội dung này, Bộ Tư pháp đã đề nghị đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với nguồn lực thực thi nên cần đánh giá tác động kỹ về năng lực thực hiện của các địa phương, không nên phân cấp theo kiểu ”cào bằng”; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.

Một chính sách quan trọng nữa về phân cấp, phân quyền là nâng quy mô vốn đầu tư công với dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên và dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.

Quy mô vốn đầu tư công của các nhóm dự án này được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và giữ nguyên trong Luật Đầu tư công năm 2019. Trong khi quy mô GDP nước ta giai đoạn 2014 - 2024 tăng khoảng 2,1 lần, cũng như có các yếu tố trượt giá.

Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, cần xem xét nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C nâng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (tương ứng với sự thay đổi quy mô GDP của nước ta) để phản ứng thực tiễn vận động của nền kinh tế trong giai đoạn 2014 - 2024 và phù hợp với yêu cầu phát triển đặt ra trong giai đoạn tới.

Phân quyền mạnh mẽ hơn, đầu tư công sẽ hết "nghẽn"?

Theo quy định hiện hành, dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên và thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định.

Điều này đồng nghĩa với việc tăng lượng dự án có quy mô lớn đối với các dự án nhóm A, B, C phân cấp cho các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện. Để đảm bảo hiệu lực quản lý, tránh việc phân cấp vượt quá khả năng, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo cơ quan soạn thảo, việc phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A giúp giảm bớt trình tự, thủ tục và thời gian thực hiện; tăng cường trách nhiệm trong việc quyết định và bảo đảm hiệu quả dự án.

Luật hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương dự án nhóm A, HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý. UBND các cấp (bao gồm cả cấp tỉnh) chỉ được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C khi được HĐND ủy quyền. Theo Bộ KH&ĐT, quy định hiện hành chưa phát huy được sự chủ động, linh hoạt và vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là người đứng đầu.

Tương tự, đối với địa phương các cấp, Bộ KH&ĐT đề xuất quy định theo hướng phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định nhiều nội dung phân cấp gồm: Phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn NSĐP; Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn NSTW từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư, vốn NSĐP từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp; Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn NSĐP từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Cơ quan soạn thảo cho biết, những quy định này tạo sự chủ động, linh hoạt các UBND các cấp, nhất là người đứng đầu.

Tuy nhiên, để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, dự thảo quy định chỉ phân cấp thẩm quyền cho cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định kéo dài đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng không quá 2 năm, nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B và nhóm C không quá 1 năm; trường hợp vượt quá thời gian gia hạn nêu trên thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.05 +0.15 (+1.38%)
10.05 (0.00%)
5.50 -0.05 (-0.90%)
17.50 +0.15 (+0.86%)
1,228.29 -0.04 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả