Ông Phan Văn Mãi: TP HCM có khả năng phục hồi sớm hơn
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng nếu nắm bắt tốt những tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới và trong nước, thành phố sẽ kết thúc đà suy giảm và tăng tốc sớm hơn.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thành phố hai tháng đầu năm, sáng 3/3, ông Phan Văn Mãi nói các kết quả đạt khá tốt theo dự báo và chỉ tiêu đề ra. Ông thống nhất với nhận định của các chuyên gia rằng đà suy giảm của kinh tế từ quý IV/2022 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng hết quý I, thậm chí đến quý II năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết đã có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới, nổi bật là chuyển biến từ thị trường Trung Quốc, Mỹ và chính sách lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed. Trong nước, chính phủ và thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
"Cộng hưởng và nắm bắt cơ hội này, chúng ta sẽ kết thúc đà suy giảm của kinh tế thành phố sớm hơn và tăng tốc nhanh hơn", ông Mãi nói.
Nhận định của ông Mãi đưa ra trong bối cảnh kinh tế hai tháng đầu năm sáng tối đan xen. Về điểm sáng, tiến độ triển khai đầu tư công đang sớm và nhanh hơn năm trước. Lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục đi lên dù chậm. Hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, dự án FDI đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực. Lũy kế 2 tháng đầu năm có 101 dự án, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 97,7 triệu USD, tăng 22,5%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay qua tiếp xúc với các doanh nghiệp và hiệp hội đã ghi nhận niềm tin sản xuất công nghiệp gia tăng trong những tháng tới. "Khó khăn lớn nhất của gỗ, dệt may, da giày đã tạm qua", ông Vũ cho biết thêm.
Tuy nhiên, hai điểm ảm đạm đáng lưu tâm là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2,5% và số doanh nghiệp rút lui gấp 1,3 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm quay lại và thành lập mới).
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM lưu ý không chỉ giảm về lượng mà vốn đăng ký trung bình mỗi doanh nghiệp cũng đang đi xuống. "Đây là điều phản ánh tình trạng thiếu vốn trong doanh nghiệp", ông Hoàng nói.
Ngoài ra, dịch vụ tăng trưởng nhưng không mạnh do du lịch chậm và bất động sản gặp khó nên ảnh hưởng chi tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm tăng 4,79% và "bất thường" ở điểm lạm phát cơ bản cao hơn lạm phát chung. Theo ông Hoàng, thông thường lạm phát cơ bản, tức rổ tính toán đã trừ các mặt hàng được nhà nước điều tiết, sẽ thấp hơn lạm phát chung.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định: "Quý I, II là vệt dài của đà giảm từ cuối 2022. Với những chỉ số mới nhất, chúng tôi tiếp tục duy dự báo đà giảm kéo dài không chỉ quý I mà còn đến đầu quý II năm nay".
Khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động hai tháng đầu năm của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) cho biết 83% gặp khó khăn, với các yếu tố chính gồm: thị trường thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá đầu vào tăng, khó tiếp cận vốn và lãi vay cao. Huba dự báo khó khăn còn tiếp diễn hết quý I và đơn hàng khởi sắc từ quý II.
Theo TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng là mục tiêu then chốt năm nay của TP HCM. Ông dự báo khả năng khởi sắc sẽ chưa đến trong nửa đầu năm. Do vậy, cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vốn cho doanh nghiệp, đánh giá lại tình trạng mất việc làm để có hỗ trợ hiệu quả, tăng tốc khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm.
Còn theo TS Trương Minh Huy Vũ, thành phố nên tiếp tục tăng giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, đối thoại doanh nghiệp. Ông đề xuất quan tâm thêm những dư địa phát triển như: kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, kinh tế tuần hoàn. "Đây là những điểm nằm trong khả năng thẩm quyền thành phố làm được, cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể kích ngành dịch vụ lên", ông Vũ nói.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết cùng các sở, ngành trong tháng 3 sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc doanh nghiệp nêu từ các cuộc gặp gỡ trong tháng 2, tiếp tục gỡ khó cho các dự án bất động sản để tạo lan tỏa cho nền kinh tế.
Để hỗ trợ phục hồi du lịch, lãnh đạo thành phố dự kiến làm việc với sân bay Tân Sơn Nhất để tìm hướng tháo gỡ các phàn nàn ở khâu nhập cảnh do du khách và doanh nghiệp phản ánh. Sau khi tổ chức thành công Lễ hội Việt - Nhật cuối tháng rồi với thu hút được khoảng 500.000 lượt khách dịp cuối tuần, thành phố định hướng xây dựng đề án thương hiệu du lịch, tuần văn hóa để thu hút khách đến.
"Tình hình có dấu hiệu tốt hơn, cần làm tốt hơn nữa để kết thúc quý I tốt nhất, tạo đà cho quý II", ông Mãi nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận