“Nuôi” nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán
Việc TTCK vắng bóng các "tân binh" khiến các chuyên gia cho rằng sự sôi động của thị trường cần những “hàng hóa” mới chất lượng cũng như nỗ lực trong hoạt động tư vấn phát hành của các bên trung gian.
Số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới trên 3 sàn có xu hướng đi lùi từ năm 2017 đến nay. Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp thuộc diện chuyển qua lại giữa các sàn, bao gồm chuyển từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết, hoặc buộc hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang giao dịch sàn UPCoM như đa phần các trường hợp đăng ký giao dịch mới trong tháng 5 và 6 vừa qua. Còn lại, số lượng các “tân binh” thực sự của sàn chứng khoán các năm gần đây còn ít hơn nhiều.
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu “ấm hơn” trong những ngày cuối tháng 6. Theo quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX, sàn này sẽ đón tân binh Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt. Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc - một doanh nghiệp ngành tôm có quy mô vốn điều lệ trên ngàn tỷ đồng - cũng đánh tiếng chốt danh sách cổ đông đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.
Còn trên sàn HoSE, vừa có thêm hai cổ phiếu được chấp thuận niêm yết gồm SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG và ADP của Công ty cổ phần Sơn Á Đông. Cả hai doanh nghiệp này đều đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM trước đó và phải chờ đợi từ 9 tháng đến gần năm mới đến ngày phê duyệt hồ sơ niêm yết.
Có nhiều tiêu chí, nhưng theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, yếu tố chất lượng hàng hóa thể hiện nhiều nhất ở chỉ tiêu tình hình tài chính, quản trị công ty, cũng như hoạt động công bố thông tin. Do đó, không nhất thiết quy mô phải lớn, nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME) cũng là những nguồn cung hàng hóa tiềm năng của thị trường.
Theo ông Đậu Minh Nhật, Chủ tịch HĐQT Aura Capital - một doanh nghiệp đã đảm nhận vai trò tư vấn lộ trình chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) ở nhiều tổ chức, tập trung ở nhóm SME - chuyện lên sàn khó hơn nhưng không phải là không thể. Trở ngại lớn nhất khiến các SME khó lên sàn là sự minh bạch về tài chính, minh bạch thông tin. Doanh nghiệp có định hướng IPO cần phải chuẩn hóa điều này ngay từ đầu và tối ưu từng điểm cho đến ngày niêm yết thành công trên sàn.
Một chiến lược tổng thể, theo ông Nhật, là một chặng đường kéo dài ít nhất 3-5 năm và dài hơi hơn nữa. “Các tài sản mềm như thương hiệu, tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp… là những nền tảng cần được chuẩn bị. Tiếp theo là xây dựng các quy trình, quy chế, từ đó là cơ sở để doanh nghiệp có thể vận hành tốt”, ông Nhật lưu ý.
Đại diện Aura Capital cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, minh bạch về tài chính. Ngoài ra, lựa chọn định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững, tác động tích cực đến môi trường, xã hội cũng là điều giúp các doanh nghiệp dễ tiến đến IPO hơn trong xu hướng mới.
Chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi trung tuần tháng 6, bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng nhấn mạnh, một trong các mục đích của các đợt phát hành tăng vốn năm nay của công ty chứng khoán này chính là để có tiềm lực thực hiện bảo lãnh phát hành. “Bài toán lớn nhất của thị trường là chất lượng hàng hóa. Hàng hóa tốt cũng là gốc rễ để có thị trường phát triển bền vững”, bà nói.
Nữ CEO gắn bó hàng chục năm cùng sự trưởng thành của thị trường chứng khoán nhấn mạnh, hoạt động tư vấn phát hành của các công ty chứng khoán cũng chính là nhằm tạo ra hàng hóa cho nhà đầu tư. Với cơ cấu 40% vốn hóa thị trường nằm tại các ngân hàng, 30% tại các công ty bất động sản như tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn sẽ luân chuyển không hiệu quả. Có thêm “hàng hóa” ở đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là nhóm sản xuất hay hạ tầng cơ bản của nền kinh tế sẽ giúp vai trò của thị trường chứng khoán trong kết nối vốn trung, dài hạn hiệu quả hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường