Những ông trùm tài chính Việt Nam - Nhóm Đông Âu (Phần 6): Thế chân kiềng của 3 tỷ phú Việt từ mối quan hệ của Vingroup, Masan và Techcombank
3 trong 5 tỷ phú USD nằm trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới năm nay là ông Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang có mối quan hệ khăng khít với nhau theo thế chân kiềng. Điều này được thể hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa ba doanh nghiệp lớn Vingroup, Masan và Techcombank.
Tạp chí Forbes công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019. Việt Nam có 5 đại diện góp mặt, trong đó dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD. Trên bảng xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 239.
Ông Phạm Nhật Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, bảy năm liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có mặt trong danh sách của Forbes và luôn dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam.
Hai gương mặt mới xuất hiện trong danh sách tỷ phú năm nay là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan.
Điểm chung của 3 tỷ phú này đều là những người Việt khởi nghiệp tại Đông u. Sau khi trở về Việt Nam, dù lối rẽ kinh doanh khác nhau và đều gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Nhóm “Đông Âu và duyên với mỳ gói
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968. Người đàn ông 51 tuổi này bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình khi du học tại Matxcova (Nga) vào năm 1987.
Sau khi tốt nghiệp ở Matxcova, ông Vượng kết hôn và chuyển tới Kharkov, Ukraine lập nghiệp. Tại Ukraine, ông mở một nhà hàng Việt tên là Thăng Long với số vốn 10.000 USD. Một thời gian sau, ông cùng một số người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để sản xuất mỳ ăn liền.
Từ năm 1993 đến 1999, dưới sự điều hành của ông Vượng, Technocom dần trở thành “đế chế” số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine, doanh thu mỗi năm ước tính hơn 150 triệu USD, và được định giá lên tới 1 tỷ USD.
Thời kỳ đỉnh điểm công ty Technocom với thương hiệu Mivina của Phạm Nhật Vượng ở Ukraine có 7 nhà máy, hơn 5 nghìn công nhân, sản xuất mì, bao bì, túi folie, gia vị… Năm 2010, Technocom được tập đoàn Nestle S.A của Thụy Sĩ mua lại với giá 150 triệu đô la.
Năm 2001, ông đầu tư phần lớn lợi nhuận về Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản thông qua 2 công ty Vinpearl Land và Vincom, và bắt đầu gây dựng “đế chế” của mình tại Việt Nam, bắt đầu từ Nha Trang.
Hiện Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang dẫn đầu về vốn hóa thị trường. Ông Vượng cũng trở thành người giàu có nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 7,8 tỷ USD.
Nổi tiếng không kém ông Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) và ông Hồ Hùng Anh (1970) được biết đến là những ông chủ của một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và tài chính ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam với vốn hóa thị trường lên tới gần 4 tỷ USD.
Con đường đi lên của hai đại gia này tương đối giống với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cùng thành công với sản phẩm mỳ gói tại Đông u. Điểm khác ở chỗ, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh sản xuất kinh doanh tại Nga, trong khi ông Phạm Nhật Vượng nổi tiếng với mỳ gói tại Ukraina.
Cơ ngơi đầu tiên về mỳ gói của “cặp bài trùng” Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang có công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mỳ, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ vào những năm 90. Đến năm 2002, ông Nguyễn Đăng Quang đưa Masan trở về quê nhà.
Sau khi về nước, 2 doanh nhân này đã tiến hành xây dựng Masan Group với khởi đầu là Masan Food và đầu tư vào ngân hàng Techcombank trong khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng chuyển trọng tâm sang BĐS cao cấp, du lịch, công nghệ…
Từ sự phát triển trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng và hoạt động ngân hàng hai đại gia Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh đã mở rộng để chế của mình. Gần đây, Masan thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm để mở rộng quy mô như Nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafé Biên Hòa, Proconco, Núi Pháo…Trong khi đó, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh năm 2018 giữ vị trí á quân lợi nhuận ngành và cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên có lợi nhuận trên vạn tỷ, chỉ sau ông lớn Vietcombank.
Mối quan hệ “chân kiềng” của Vingroup, Masan và Techcombank
Được biết đến là một trong những gương mặt thành công nhất của nhóm những doanh nhân “khởi nghiệp tại Đông u”, sau khi về nước, Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã tiến hành xây dựng Masan Group với khởi đầu là Masan Food cũng như đầu tư vào ngân hàng Techcombank. Hiện ông Nguyễn Đăng Quang đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Techcombank còn ông Hồ Hùng Anh là chủ tịch của Techcombank.
Không chỉ là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại Techcombank (theo báo cáo tài chính bán niên năm 2018), tập đoàn Masan cùng các công ty con cũng đang là khách hàng lớn với 1.973 tỷ đồng tiền gửi tại Techcombank của Hồ Hùng Anh.
Các công ty con, công ty liên kết của Masan, các cổ đông và bên liên quan của lãnh đạo chủ chốt cũng có nhiều giao dịch lớn với Techcombank, gồm gửi tiền, vay nợ… Đáng chú ý, có một khoản vay tại Techcombank của ông Hồ Hùng anh trị giá hơn 1.156 tỷ đồng đã được Masan của ông Nguyễn Đăng Quang bảo đảm bằng tỷ lệ tài sản hiện tại và tương lai với quyền khai thác mỏ Núi Pháo.
Trong giai đoạn 2011 – 2014, khi nhiều doanh nghiệp khổ sở vì không vay được vốn ngân hàng thì Masan của ông Nguyễn Đăng Quang vẫn được các ngân hàng “ưu ái” cấp vốn, trong đó có Techcombank của ông Hồ Hùng Anh. Năm 2011, tổng quy mô nợ vay của Masan đã lên tới trên 10 nghìn tỷ đồng. Sau đó, quy mô nợ tiếp tục tăng lên gần 15 nghìn tỷ (cuối năm 2012) và vượt mức 21.000 tỷ đồng dư nợ vào cuối năm 2013.
Năm 2017, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã thu về khoảng 2.000 tỷ đồng phần lãi được chia từ Techcombank, chiếm gần 1/2 lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Trong hệ sinh thái giữa Techcombank và Vingroup, liên kết với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giúp Techcombank vượt trội trong mảng cho vay bất động sản và mang về lợi nhuận cao.
Tính đến cuối năm 2017, gần 11% khoản vay dài hạn của Vingroup đến từ Techcombank. Ngoài ra, hơn 85% khoản vay mua nhà của Techcombank đến từ những dự án của Vingroup với hơn 11.000 khách hàng.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 của Vingroup, nếu không kể khoản vay hợp vốn, Techcombank chính là “chủ nợ” lớn nhất của Tập đoàn này với 1.421 tỷ đồng vốn vay ngân hàng dài hạn.
Năm 2017, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), công ty con của Techcombank là đơn vị chính tư vấn phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhờ đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đến từ hệ sinh thái Vingroup (chủ yếu là phí phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp) chiếm tới 24% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của ngân hàng.
Thông tin mới nhất về thương vụ bom tấn về việc sáp nhập hệ thống bán lẻ Vinmart và Vineco của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào Masan càng cho thấy mối khăng khít giữa 2 tỷ phú này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận