Nhu cầu phân bón trong nước dự kiến tăng mạnh, VAT phân bón tạo lợi thế cho doanh nghiệp nội
Theo báo cáo phân tích từ CTCK Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS), dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi áp dụng thuế suất 5% với hàng hóa phân bón, cùng dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước tăng mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhóm doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa bứt phá.
Dẫn báo cáo từ Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), ORS cho biết nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới sẽ tăng nhẹ trong 2 năm tới. Cụ thể, dự báo nhu cầu tiêu thụ phân Ure sẽ tăng 6% trong giai đoạn 2024-2028, trong khi phân lân phụ thuộc vào những thay đổi trong chiến lược xuất khẩu của Trung Quốc và Maroc. Riêng nhu cầu phốt phát sẽ vẫn chịu áp lực vào năm 2025, tăng trưởng nhẹ dưới 2% vào năm 2026.
Tuy nhiên, thị trường phân bón Việt Nam với giá trị hơn 3.4 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3.38%, có thể đạt 4.2 tỷ USD vào năm 2030, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2017-2023 (1%).
Trong 3 quý đầu năm nay, sản xuất phân bón hóa học của Việt Nam tăng khoảng 13% so với cùng kỳ. Sản lượng phân urê tăng khoảng 8%, trong khi NPK tăng hơn 13%. Sự tăng trưởng này đến từ việc mở rộng cơ sở sản xuất và nâng cấp công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quý 3/2024 có sự giảm nhẹ trong nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu do các yếu tố mùa vụ và sự chậm trễ của mùa mưa ảnh hưởng đến lịch trồng trọt. Theo ORS, nhìn chung, tiêu thụ trong nước đã ổn định và dự kiến tăng vào quý cuối năm, phù hợp với mùa thu hoạch chính.
Ngành phân bón Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi sang cây trồng có năng suất cao và đầu tư vào các phương pháp canh tác bền vững. Ngoài ra, khi dân số Việt Nam tăng, nhu cầu về sản xuất thực phẩm cũng tăng, từ đó thúc đẩy nhu cầu về phân bón. Tuy nhiên, Việt Nam cũng tham gia cam kết phát triển bền vững, do vậy sẽ phát triển theo xu hướng thế giới tập trung mạnh vào phân bón hữu cơ và phân bón sinh học.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm các loại: urê, DAP, NPK, Kali... Trong đó, phân urê chiếm tỷ trọng sản xuất lớn, tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm, với phần lớn nguyên liệu đầu vào khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn.
Theo dự báo từ AgroMonitor, tiêu thụ Ure năm 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022-2023. Nhu cầu phân bón ngắn hạn kỳ vọng cải thiện nhờ các yếu tố: nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa cải thiện; xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng tích cực, giúp gia tăng lượng phân bón tiêu thụ. Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định khi nông dân tiếp tục áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại..
Giá nguyên liệu không quá biến động, VAT phân bón tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa
Giá dầu có xu hướng rớt mạnh gần đây khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, vì có ý định rút Mỹ ra khỏi hiệp định Paris. Tuy nhiên, ORS cho rằng Mỹ sẽ không khai thác ào ạt dầu trong nước. Ngoài ra, triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc năm tới vẫn chưa rõ ràng, do vậy dự đoán xu hướng giá dầu sẽ giảm nhẹ trong năm 2025.
Giá khí tự nhiên trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc lớn vào mùa đông châu Âu (từ tháng 12 đến tháng 2) và các sự kiện địa chính trị. Một số diễn biến có thể thay đổi động lực thị trường ngắn hạn. Nếu mùa đông lạnh trong khi tình hình cấm vận khí đốt Nga gia hạn sẽ khiến khí đốt tăng trở lại.
Trong khi đó, giá than 2 năm qua dao động ổn định trong khoảng 120-150 USD/tấn, giảm mạnh so với giai đoạn dịch COVID-19, nhưng vẫn ở mặt bằng mới cao hơn trước dịch khá lớn. Dự báo giá than sẽ giảm dần do nhu cầu từ sản xuất thép giảm khi kinh tế chưa phục hồi mạnh và xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo để sản xuất điện thay thế dần điện than.
Một sự kiện đáng chú ý gần đây là vào 26/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý áp dụng mức thuế suất 5% với mặt hàng phân bón và quặng sản xuất phân bón. Luật sẽ được ban hành và áp dụng từ 01/07/2025.
Trước đây, vào năm 2015, Luật Thuế VAT sửa đổi đã chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế sang không chịu thuế, qua đó gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Do nếu không chịu thuế thì sẽ không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến phải hạch toán vào chi phí sản xuất, làm tăng giá bán thành phẩm. Điều này làm giảm tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu (được hưởng 0% VAT đầu ra và vẫn được hoàn thuế VAT đầu vào).
ORS đánh giá việc đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón sẽ giúp các công ty trong nước hưởng lợi đáng kể từ việc giảm giá thành sản phẩm, hoặc có thể tăng được biên lợi nhuận nếu vẫn duy trì giá bán. Giá vốn mua vào của các công ty phân bón khoảng từ 60% doanh thu thuần nếu được khấu trừ 10% VAT đầu vào, tương đương 6% doanh thu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 1.3 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 531 triệu USD, với giá trung bình hơn 410 USD/tấn, tăng 8.5% về khối lượng. Campuchia là nước dẫn đầu nhập khẩu phân bón nước ta, chiếm 33% kim ngạch. Tính chung trong 9 tháng, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3.85 triệu tấn, trị giá 1.28 tỷ USD, tăng 29.7% về kim ngạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường