Nhóm bất động sản vắng bóng, trái phiếu ngân hàng chiếm lĩnh thị trường
Trong khi nhóm ngân hàng chiếm lĩnh thị trường với tổng khối lượng phát hành lên đến hơn 28.000 tỉ đồng trong 20 ngày đầu tháng 6 thì nhóm bất động sản hoàn toàn vắng bóng. Thị trường không ghi nhận doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong thời gian này.
Trái phiếu ngân hàng áp đảo, bất động sản vắng bóng
Ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính từ đầu tháng 6 đến ngày 20.6, có 16 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành hơn 29.917 tỉ đồng. Trong đó, có 13 đợt phát hành thuộc các ngân hàng (ACB, MB, Shinhan Việt Nam, MSB, Bac A Bank, HDBank) và 3 đợt phát hành thuộc lĩnh vực tài chính (Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư I.P.A, Home Credit Việt Nam).
Đáng chú ý, trong đó có đợt phát hành với khối lượng lớn của ACB với 2 mã trái phiếu có tổng giá trị phát hành 10.000 tỉ đồng, Techcombank cũng có đợt phát hành 5.000 tỉ đồng, BIDV phát hành 3.500 tỉ đồng, MB 2.000 tỉ đồng,…
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III.
Trong khi trái phiếu ngân hàng vẫn chiếm lĩnh thị trường thì nhóm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản hoàn toàn vắng bóng. Tính từ đầu tháng 6 đến ngày 20.6, thị trường không ghi nhận doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.
Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng cũng chiếm tỉ lệ áp đảo với 57,4%, trái phiếu bất động sản chiếm gần 31% giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu lĩnh vực khác.
Các doanh nghiệp đã mua lại 5.150 tỉ đồng trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 56.678 tỉ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 57,1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 32.336 tỉ đồng).
Hiện các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn. Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.533 tỉ đồng, 42,6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 67.490 tỉ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 29.298 tỉ đồng (chiếm 18,5%).
Nhà đầu tư trái phiếu khó lấy lại niềm tin thị trường
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua vẫn trong tình trạng trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù những con số thống kê đã ghi nhận số lượng phát hành mới, tuy nhiên tôi không nhìn thấy việc các nhà đầu tư quay lại thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trái phiếu phát hành thành công thời gian qua là những trái phiếu phát hành cho các bên liên quan của tổ chức phát hành, hoặc là trái phiếu của các ngân hàng, đây là loại trái phiếu luôn có tính thanh khoản cao. Còn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong tình trạng trầm lắng.
Vị chuyên gia dự báo, trong năm nay thị trường trái phiếu chưa thể phục hồi, thị trường cần có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề phát hành trái phiếu. Và quan trọng hơn cả là các nhà đầu tư họ phải lấy lại niềm tin đối với thị trường.
Từ đây cho đến cuối năm, chúng ta kỳ vọng vào sự biến động thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp với những chính sách mới của Chính phủ như Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực và Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực. Những thay đổi về pháp lí có thể khiến nhà đầu tư dần dần lấy lại được niềm tin đối với thị trường này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận