Nhiều ngành nghề lao đao vì COVID-19 nhưng 3 ông lớn ngành thép vẫn lãi lớn
COVID-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhưng riêng các doanh nghiệp ngành thép vẫn tăng trưởng tốt, lợi nhuận được cải thiện phần lớn nhờ vào cắt giảm tối đa chi phí giá vốn.
Trong quý 1/2020, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đạt 19.233 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ. Giá vốn chiếm 15.470 tỷ đồng nên lãi gộp ở mức 3.763 tỷ đồng, tăng khá 43% so cùng kỳ. Tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ 17,5% lên mức 19,5%.
Sau cùng, Hoà Phát đạt 2.285 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26% so cùng kỳ 2019.
Trong cơ cấu lợi nhuận, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép của Hoà Phát đóng góp 2.872 tỷ đồng, mảng nông nghiệp tới 481 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp khác là 73 tỷ đồng, kinh doanh bất động sản cũng chỉ gần 93 tỷ đồng.
Với CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), Công ty này báo doanh thu đạt 5.779 tỷ đồng, giảm 16%; giá vốn hàng bán giảm đến 23%, chiếm 4.703 tỷ nên lãi gộp đạt ở mức 1.076 tỷ đồng, tăng 38%.
Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 11% lên 18% trong quý 2 của niên độ. Chi phí tài chính tăng lên 223 tỷ từ 204 tỷ nhưng chi phí lãi vay lại giảm về 151 tỷ từ 192 tỷ đồng.
Các loại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng tương ứng với mức tăng của doanh thu chiếm lần lượt 503 tỷ và 142 tỷ.
Dù vậy thì sau cùng, lãi ròng của Hoa Sen đạt 201 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của Hoa Sen tăng mạnh trở lại trong 2 quý gần đây sau khi Công ty đã hoàn tất tái cơ cấu hệ thống chi nhánh. Hiện nay, Hoa Sen chỉ còn 55 chi nhánh tỉnh và chuyển các chi nhánh khác sang cửa hàng trực thuộc chi nhánh. Điều này góp phần tiết giảm chi phí, kéo lợi nhuận tăng trở lại kể từ quý 4/2019.
Theo Ban lãnh đạo Công ty, 2 nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng vọt: Công ty chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá để tập trung chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể; chủ động giảm nợ vay ngân hàng và kiểm soát hàng tồn kho để giảm chi phí.
Theo chiến lược kinh doanh trước dịch bệnh, Hoa Sen phải đối mặt với 4 khó khăn cụ thể, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rào cản thuế quan được dựng lên ở nhiều quốc gia, tỉ giá biến động mạnh, nguy cơ bị điều tra về tránh thuế và thị trường bất động sản hạ nhiệt khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm.
Sau nhiều quý có dấu hiệu kinh doanh đi xuống thì Nam Kim đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, ghi nhận số lãi trong quý đầu năm 2020 hơn 41 tỷ đồng.
Cụ thể, CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) báo doanh thu thuần đạt gần 2.452 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn giảm đến gần 24% nên lãi gộp thu về hơn 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đã lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, hàng xuất khẩu đạt 1.131 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu bán hàng trong nước.
Chi phí tài chính trong quý tăng mạnh từ 54 tỷ đồng lên gần 92 tỷ đồng quý này, trong đó chi trả lãi vay chiếm hơn 57 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 22 tỷ đồng, lên mức 62 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 2 tỷ đồng lên 19 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế thì Công ty báo lãi ròng hơn 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ khủng 101 tỷ đồng.
Dự báo về bức tranh của ngành thép thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, với thị trường thép trong nước, sau thời gian chững lại của quý 1/2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc với giá rẻ do Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức hoàn thuế đối với 1.084 hàng hóa xuất khẩu lên 13% và với 380 mặt hàng lên 10% kể từ ngày 20/3/2020.
Các sản phẩm thép bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như thép không gỉ, thép thanh, ống thép và các sản phẩm cuối cùng làm bằng thép như đồ dùng nhà bếp là một trong số 1.084 mặt hàng được hưởng hoàn thuế 13%. Hiện tại, các sản phẩm thép này hầu hết được hoàn thuế ở mức 9% hoặc 10%, tùy thuộc vào loại hoặc thông số kỹ thuật.
Với việc tăng hoàn thuế, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn để giảm giá xuất khẩu hơn nữa và do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc trên phạm vi quốc tế trong đó có Việt Nam.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc chào bán.
Với nguồn cung ứng nguyên liệu, trong ngắn hạn tác động không nhiều, tuy nhiên, 1 số nguyên liệu như than cốc, than điện cực… sẽ có nguy cơ hạn chế nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Với các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu thay thế từ Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bước sang tháng 4 và quý 2, tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong sẽ khó khăn hơn do nhu cầu thấp và lo ngại dịch bệnh còn kéo dài. Kể cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng sẽ rất khó khăn khi cuối quý 2 sẽ bước vào mùa thấp điểm xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận