Nhà đầu tư nước ngoài mang hơn 2,6 tỷ USD rời sàn HoSE
Khối ngoại sắp có tháng bán ròng thứ 7 liên tiếp với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tính từ đầu năm, tiền ngoại đã rút gần 64.000 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD) khỏi sàn HoSE.
Bất chấp việc đẩy mạnh giải ngân bắt đáy vào nửa đầu tháng 8, xu hướng chủ đạo của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là bán ròng.
Tính riêng tháng 8 này, khối ngoại đã bán ròng hơn 4.500 tỷ đồng cổ phiếu trên HoSE. Nếu không có “phép màu” nào xảy ra trong phiên 30/8, khối ngoại sẽ chính thức ghi nhận tháng bán ròng thứ 7 liên tiếp.
Mang hơn 2,6 tỷ USD rời sàn HoSE
Theo thống kê, tính riêng trên sàn HoSE, lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã giải ngân 303.439 tỷ đồng mua cổ phiếu và bán ra 367.409 tỷ đồng, tương đương giá trị bán ròng đạt gần 64.000 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).
Trong đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu danh sách bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài hạ tỷ trọng với 15.311 tỷ đồng, kế đó là chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (-7.756 tỷ đồng).
FPT - một trong những cổ phiếu tăng ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng gần 60% cũng nằm trong nhóm bị khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 6.538 tỷ đồng từ đầu năm.
Ngoài ra, danh sách bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài còn 2 đại diện "họ Vin" khác là VRE của Vincom Retail bị bán 4.700 tỷ đồng và VIC của Vingroup bị bán 3.118 tỷ đồng. Cùng với đó là các cổ phiếu MSN (-3.553 tỷ đồng), VNM (-3.273 tỷ đồng), VPB (-3.030 tỷ đồng) và TCB (-2.816 tỷ đồng)...
Kể từ đầu năm, thị giá của 3 cổ phiếu VHM, VIC, VRE đều không ghi nhận bất cứ giao dịch khởi sắc nào mà có chung xu hướng điều chỉnh. Thậm chí với VHM, cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam vừa thiết lập mức thấp nhất lịch sử vào đầu tháng 8.
Ở chiều đối lập, hầu hết cổ phiếu còn lại đã trải qua nhịp tăng tốt so với đầu năm, điển hình như FUEVFVND đã tăng 26,2%; FPT (+60,6%); MSN (+15%); VNM (+10,7%); TCB (+49,1%). Do đó, động thái bán ròng phần nào có thể phản ánh ý đồ chốt lời của các nhà đầu tư ngoại.
Thực tế, nếu loại trừ tháng 1, thời điểm phát sinh các giao dịch thỏa thuận đột biến, khối ngoại đã bán ròng 16/17 tháng gần nhất trên sàn HoSE.
Trước đó, khối ngoại đã có nhiều tháng “gom hàng”, từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, với giá trị lũy kế khoảng 45.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD tính theo tỷ giá quy đổi thời điểm đó.
Không hoàn toàn do nội tại thị trường
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc phòng Khách hàng Cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt, đánh giá việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Việt Nam không hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố nội tại của thị trường mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên ngoài.
Các yếu tố nội tại bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng tài chính, mức độ minh bạch và quản trị doanh nghiệp, cùng với các chính sách đầu tư của quốc gia. Mặc dù kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng, nhưng nếu không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, điều này có thể dẫn đến việc rút vốn.
Việc triển khai chậm trễ các hệ thống như KRX và thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng cũng có thể làm giảm sự hấp dẫn của thị trường. Ngoài ra, các vấn đề về quản trị doanh nghiệp có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, yếu tố bên ngoài cũng đóng vai trò quan trọng. Biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm việc giảm lãi suất của Fed, biến động tỷ giá hối đoái và căng thẳng địa chính trị có thể khiến nhà đầu tư chuyển vốn về các thị trường phù hợp hơn.
Vị chuyên gia cho biết xu hướng đầu tư chung của các quỹ quốc tế có thể dẫn đến việc điều chỉnh danh mục đầu tư, rút vốn từ các thị trường mới nổi và chuyển sang các thị trường phát triển hơn. Khi các thị trường khác, chẳng hạn như Mỹ, có hiệu suất tốt hơn, nhà đầu tư có thể chuyển vốn sang các thị trường đó để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Việc Đài Loan, Thái Lan và các quốc gia khác cũng bị nhà đầu tư rút ròng mạnh cho thấy rằng vấn đề không chỉ nằm ở yếu tố nội tại của từng quốc gia mà còn có liên quan đến xu hướng đầu tư toàn cầu và các yếu tố ngoại vi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận