Ngành thép Việt “đỏ mắt” chờ một “sân chơi” bình đẳng
“Việc thép Trung Quốc “ồ ạt” vào Việt Nam là hiện tượng phi lý, không thể chấp nhận. Điều này cho thấy cần thiết phải điều tra và có giải pháp chống gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh…”.
Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long xung quanh chuyện ngành thép Việt đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa bởi thép giá rẻ từ Trung Quốc đã và đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Ngành thép Việt đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa bởi thép giá rẻ từ Trung Quốc đã và đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn… và điều đáng lo ngại của ngành thép Việt là đang có nguy cơ bị mất thị trường nội địa bởi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo VSA, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn, doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên mà VSA nhắc đến đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.
Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, theo VSA, tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.
Được biết, trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật… nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Chia sẻ thêm về nội dung này, các chuyên gia cho biết, Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, có khoảng 500 nhà máy thép các loại với tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023. Cho đến cách đây vài năm, nhu cầu trong nước rất mạnh với tiêu thụ trung bình 757 - 775 triệu tấn thép mỗi năm vì cơ sở hạ tầng khi đang có sự tăng trưởng lớn.
Tuy nhiên, nhu cầu thép trong nước đã bắt đầu giảm bởi thị trường bất động sản đình trệ. Do đó các nhà sản xuất thép nước này có nhiều thép hơn để cung cấp trên thị trường quốc tế và bị thúc đẩy bởi áp lực phải duy trì hoạt động của ngành và họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Các thị trường xuất khẩu chính của họ ngoài Ấn Độ là Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu và các thị trường khác. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và Brazil đã đưa ra các hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Các thị trường như châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu gần như tràn ngập thép Trung Quốc.
Chuyên gia cho rằng, một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế. Điều này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bình luận về tình trạng thép giá rẻ từ Trung Quốc đã và đang “ồ ạt” vào Việt Nam, PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, thị trường như chiến trường. Doanh nghiệp cần các quyết sách nhanh hơn, phản ánh với biến động của thị trường nhanh nhất. Nếu càng kéo dài và không có giải pháp gì, Thép cán nóng (HRC) nhập khẩu giá thấp càng tràn vào Việt Nam. Vị chuyên gia cho rằng, một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế. Điều này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển.
"Thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng. Trước đây khi Việt Nam chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Nếu Việt Nam mãi phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh hơn. Vì thế, cần phải bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Cứ nhìn các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia có sản lượng thấp hơn Việt Nam, lượng nhập khẩu ít hơn sản xuất trong nước cũng đã dùng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn và thấy ngay tầm quan trọng của việc bảo vệ sản xuất trong nước của nhiều quốc gia", ông Tuất nói.
Từ góc nhìn chuyên gia, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định, việc thép HRC nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, bỏ xa lượng sản xuất trong nước là hiện tượng phi lý, không thể chấp nhận được. Điều này cần thiết phải được điều tra cụ thể và có giải pháp để chống gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã gây tác động tiêu cực cho sản xuất và thị trường trong nước. Vì thế, lẽ ra không cần đợi đến khi doanh nghiệp có đơn yêu cầu điều tra, mà cơ quan quản lý nhận thấy có dấu hiệu tác động tiêu cực từ sản phẩm nhập khẩu cũng có thể tiến hành điều tra. Điều này là bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
"Hiện tại đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải có cuộc điều tra cụ thể. Việc thép HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh và giá thấp hơn các nước khác là đủ để cơ quan quản lý mở cuộc điều tra cụ thể. Càng chậm trễ, sản phẩm giá thấp nhập khẩu càng nhiều sẽ gây nguy hại cho doanh nghiệp. Khi ngành sản xuất trong nước bị thu hẹp, nhiều hệ lụy xảy ra. Trước hết, người lao động bị mất việc làm thì sẽ tác động nặng đến an sinh xã hội. Sau đó, sản xuất của Việt Nam khó tự chủ khi bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu… Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét nhanh chóng vào cuộc khi thép HRC tràn vào Việt Nam bất thường", ông Long nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường