Ngân hàng tính chuyện gọi vốn ngoại
Áp lực tăng vốn điều lệ chưa thể dừng lại với các ngân hàng Việt Nam. Nhu cầu tăng vốn năm 2023 của các ngân hàng cũng lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Khi thị trường trong nước khó khăn thì vốn ngoại là một hướng mở được các tổ chức tín dụng tính tới. Sau nhiều năm khá vắng các thương vụ lớn, rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch huy động vốn ngoại trong thời gian tới.
Những kế hoạch tham vọng
Gần đây, thông tin SHB thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm nay đang được nhiều bên xác nhận. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là một thương vụ bán vốn lớn được ghi nhận vào nửa đầu 2024. Trước đó, đã có thông tin một số nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Tại thời điển hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường của SHB khoảng 1,7 tỷ USD, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T.
Một ngân hàng TMCP khác là SeABank đã công khai kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành, cho một quỹ đầu tư Na Uy. Việc phát hành này được dự đoán mang về cho SeABank ít nhất hơn 1.200 tỷ đồng.
Ngoài 2 thương vụ đã được xác nhận thì còn nhiều kế hoạch bán vốn khác đã được các ngân hàng thông tin tới cổ đông.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Trong khí đó, tại ĐHĐCĐ vừa qua, BVBank cũng tiết lộ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để cùng nhau phát triển. Lãnh đạo Sacombank cũng từng tiết lộ sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, nhà băng này dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại.
Ngoài các ngân hàng cổ phần tư nhân, ngân hàng gốc quốc doanh lớn cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD. Cụ thể, Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu cổ phiếu, thực hiện trong năm 2023 - 2024. Còn BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết lãnh đạo ngân hàng này đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, song do tình hình thị trường không phù hợp nên chưa thể “chốt” thương vụ.
Việc bán vốn cho các đối tác ngoại càng trở nên nóng hơn khi vào tháng 3/2023, VPBank gây xôn xao thị trường khi ký kết thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được cho là lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, với giá trị 1,5 tỷ USD. Theo đó, VPBank thoả thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc Tập đoàn tài chính SMFG).
Hiện nay, room dành cho các nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng Việt Nam không còn dư dả. Rất nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MSB, TPBank… Tuy vậy, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 100% room ngoại hoặc tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như SeABank, BacA Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank… SeABank đã khóa room ngoại ở mức rất thấp 5% để giữ chỗ cho đối tác chiến lược. Trong khi đó, mặc dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB chỉ là 8,87% vốn điều lệ. Đối với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này tính đến nay chỉ là 8,21% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, việc bán vốn cho cổ đông ngoại cũng trở nên tiềm năng khi , Ngân hàng Nhà nước có tờ trình Chính phủ về việc nâng tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%. Hiện có 3 tổ chức tín dụng trong diện chuyển giao bắt buộc.
Chấp nhận mua giá cao
Trong phiên giao dịch ngày 8/8, hơn 58 triệu cổ phiếu SGB đã được các nhà đầu tư giao dịch, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng và chiếm gần 19% vốn cổ phần ngân hàng. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 44 triệu cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, thông qua giao dịch thỏa thuận. Số cổ phiếu mà khối ngoại mua vào trong phiên chiếm 14,3% vốn Saigonbank và nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 14,8%.
Đây không phải là một thương vụ bán vốn trực tiếp của tổ chức tín dụng nhưng đã phần nào cho thấy sự hấp dẫn của các ngân hàng Việt trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Chính vì thế, với các kế hoạch bán vốn của các ngân hàng hiện nay, các chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Hơn nữa, lợi ích chiến lược của việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài còn mang đến khả năng tiếp cận thị trường, chuẩn mực quốc tế và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thực tế, cho đến nay, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.
Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect, nhận định huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng với các ngân hàng. Việc SMBC quyết 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư lớn.
Đại diện VPBank cũng cho hay, việc có thêm gần 36.000 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn sẽ giúp ngân hàng mở rộng phạm vi kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (trong đó có các khách hàng FDI), tăng cường bộ đệm vốn, hiện thực hóa các tham vọng tăng trưởng cao. Đây là lý do năm nay, VPBank nằm trong số ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao: tín dụng tăng 35%, huy động vốn tăng 36%, lợi nhuận trước thuế tăng 31%...
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến ngân hàng trong nước là rất lớn, nhưng nhiều ngân hàng đã cạn room hoặc tỷ lệ thấp khiến nhà đầu tư không còn mặn mà. Do đó, vấn đề nới room ngoại đã và đang được không ít ngân hàng và chuyên gia đề xuất.
Gần đây, đã có nhiều đề xuất về việc tăng room ngoại cho các ngân hàng Việt dấy lên hy vọng về cơ hội ngân hàng nội tăng huy động được vốn ngoại. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay không nên mở rộng với tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và nhận chuyển giao.
Nguyên nhân được cơ quan này chỉ ra là khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ Châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại. Hơn nữa, quy định về room ngoại bị hạn chế còn do phải đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang là thành viên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận