menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Ngân hàng tăng tốc thanh toán không tiền mặt

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nắm bắt tâm lý của nhiều người dân ngại di chuyển đến những nơi công cộng để tránh nguy cơ lây nhiễm, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình miễn giảm phí

Ngay khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trong khi nhiều người đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng để mua hàng tích trữ, anh Mạnh Hùng 35 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) lại quyết định lựa chọn mua hàng online và thanh toán qua di động. “Chỉ trong nửa ngày, tôi đã có đủ lượng hàng hóa cần thiết mà không cần phải bước chân ra siêu thị, vừa tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 do tập trung nơi đông người lại vừa tiện lợi. Hiện tại, các ngân hàng đang hỗ trợ thanh toán điện tử rất tốt, tôi thực hiện thao tác rất nhanh, gọn mà không gặp phải trở ngại nào. Chưa kể, thời gian gần đây nhiều ngân hàng cũng đồng loạt giảm phí thanh toán cho các giao dịch mệnh giá thấp dưới 500.000 đồng”, anh Hùng chia sẻ..

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 có xu hướng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã miễn, giảm phí dịch vụ, nhằm khuyến khích giao dịch trực tuyến và hạn chế việc người dân tiếp xúc với tiền mặt có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đồng loạt giảm phí giao dịch dưới 500.000 đồng

Từ ngày 25/3 - 31/12/2020, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giá trị giao dịch từ 500.000 - 2.000.000 đồng (giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 900 đồng/giao dịch).

Còn Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD) từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng đối với khách hàng (nếu TCTD có thu từ khách hàng) tương ứng với mức giảm trừ chiết khấu do CIC thực hiện đối với TCTD.

Theo dữ liệu thống kê từ NAPAS, số lượng giao dịch của 32 ngân hàng miễn, giảm phí chiếm 98% tổng số lượng giao dịch toàn hệ thống. Việc giảm phí dịch vụ của NAPAS là tiền đề để cả hệ thống ngân hàng thực hiện chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng quốc doanh đưa ra mức thu khách hàng thấp nhất trong bốn ngân hàng quốc doanh, với mức phí 2.000 đồng/giao dịch. Trong số 15 ngân hàng tiếp theo giảm phí dịch vụ, 5 ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống, gồm MSB, BaoViet Bank, VIB (thời điểm áp dụng tùy từng ngân hàng).

7 ngân hàng áp dụng mức giảm thu khách hàng từ 1.300 – 5.000 đồng/giao dịch, tương đương với mức giảm của NAPAS tùy theo kênh giao dịch và đối tượng khách hàng. Cụ thể, trong số 15 ngân hàng tiếp theo thực hiện miễn, giảm giá chuyển tiền lần này, VietinBank áp dụng mức thu 7.000 đồng/giao dịch (mức phí cũ là 9.000 đồng/giao dịch) kể từ ngày 01/03/2020. Hiện tại VietinBank đang miễn phí hoàn toàn gói VBiz.

Trong khi đó, Agribank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch trên kênh Agribank E-mobile banking, ATM (mức phí cũ là 8.000 đồng/giao dịch) và thu 8.000 đồng/giao dịch trên kênh internet banking (mức phí cũ là 10.000 đồng/giao dịch) kể từ 2/3/2020. Shinhan Bank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch (mức phí cũ 10.000 đồng) trên kênh mobile banking và internet banking từ ngày 3/3/2020.

Ngân hàng tăng tốc thanh toán không tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt được miễn giảm phí

Các ngân hàng khác cũng áp dụng mức giảm thu phí khách hàng tương đương mức giảm của NAPAS gồm SHB từ 29/2/2020 đến 31/12/2020, ngân hàng SCB, LienVietPostBank từ 09/03/2020 và IBK từ 16/3/2020. Riêng Nam A Bank và IVB cũng triển khai đồng thời hai chương trình miễn/giảm phí. Theo đó, từ 05/03/2020 Nam A Bank miễn phí giao dịch trên các kênh internet banking, mobile banking và ATM, tại kênh quầy áp dụng mức thu 2.000 đồng/giao dịch.Trong khi đó, IVB cũng miễn thu khách hàng từ ngày 4/3/2020 đến 5/5/2020, sau thời gian này IVB sẽ áp dụng chính sách tương đương mức giảm của NAPAS. Chính sách thu phí khách hàng 2.000 đồng/giao dịch được ACB triển khai từ 05/03/2020, OceanBank áp dụng từ 10/03/2020 đến 31/12/2020.

Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng khác sẽ tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ, nhằm khuyến khích giao dịch trực tuyến và hạn chế việc người dân tiếp xúc với tiền mặt có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Nhiều giải pháp liên kết

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là dịp để cộng đồng dịch chuyển mạnh hơn trong xu hướng mới là thanh toán không dùng tiền mặt. Hòa chung xu hướng này, một loạt ngân hàng cũng đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích giao dịch điện tử để hạn chế lây lan virus.

Từ ngày 14/2 - 30/4, BIDV triển khai chương trình tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Phí giao dịch cũng sẽ được BIDV hoàn vào tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng với tổng số tiền hoàn phí này ước tính lên đến 2,46 tỉ đồng.

Ngân hàng Nam Á cũng yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking... để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.

Ngân hàng SCB miễn phí thường niên dịch vụ eBanking cho khách hàng cá nhân nhằm khuyến khích giao dịch online. Phí Mobile Banking, Internet Banking được miễn phí từ tháng 2 đến tháng 4. Ngân hàng An Bình cũng khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch online nhằm phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Từ ngày 6/3, chủ tài khoản HDBank đã đăng ký dịch vụ eBanking có thể liên kết tài khoản hoặc thẻ ghi nợ nội địa với ví điện tử TrueMoney, nạp tiền vào ví để sử dụng các dịch vụ và tiện ích như: Chuyển tiền đến ví TrueMoney khác nhanh chóng và miễn phí; mua thẻ nạp điện thoại với mức chiết khấu hấp dẫn; thanh toán nhanh các loại hóa đơn điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp...

Ngoài ra, khách hàng HDBank có thể sử dụng mã QR (QRCode) của VNPay trên ví TrueMoney để thanh toán tại gần 30.000 điểm giao dịch cũng như sử dụng các tiện ích khác như: đặt khách sạn, mua vé máy bay, mua xổ số Vietlott... Đặc biệt, khách hàng có thể kích hoạt thẻ ảo thanh toán quốc tế Mastercard WeCard và sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch online.

“Việc liên kết này người dùng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ và tiện ích đa dạng trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng sự thuận tiện, trải nghiệm và hài lòng của khách hàng. Đồng thời qua đó cũng thúc đẩy các giao dịch thanh toán số, góp phần xây dựng xã hội và nền kinh tế không tiền mặt”, thông báo của HDBank cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại