Ngân hàng: Nợ xấu gia tăng, áp lực dự phòng lớn
Quý I/2024, ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung toàn ngành tài chính, tăng trưởng lợi nhuận chiếm 52% lợi nhuận toàn thị trường và đạt mức cao hơn.
Trên toàn thị trường, đà phục hồi lợi nhuận quý I/2024 ghi nhận chững lại, đạt mức 21,5% so với cùng kỳ, một phần do mức nền của quý I/2023 không thấp như quý I/2022.
Tổng lợi nhuận của số doanh nghiệp chiếm 98% vốn hóa trên thị trường đạt hơn 100,3 nghìn tỷ đồng (số liệu ở một số đơn vị thống kê khác ghi nhận có sự dao động ở khoảng 112 nghìn tỷ đồng), chỉ thấp hơn so với quý I/2022. Trong đó, ngân hàng và bất động sản là 2 ngành đang báo cáo có những khó khăn trong tăng trưởng lợi nhuận, theo Chứng khoán ACBS.
Thực tế, thống kê về kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy có sự phân hóa rõ nét trong ghi nhận lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng. Trong đó, ngành ngân hàng đóng góp khoảng 50-60% lợi nhuận của VN-Index và chiếm hơn 40% vốn hóa thị trường ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ. Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay dự phóng khoảng 19,4%.
Kết quả lợi nhuận của ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ nét, xuất phát từ phân hóa tăng trưởng tín dụng - lĩnh vực cho vay cốt lõi tạo thu nhập lãi đóng góp từ 70-80% tổng thu nhập tùy thuộc từng ngân hàng.
ACBS thống kê tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết trong quý I đạt 1,9% so với đầu năm. Con số này khác với số tính chung toàn hệ thống 0,26% tại 25/3/2024. Nó cũng cho thấy rằng nhìn chung tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng niêm yết cao hơn so với các ngân hàng ngoài nhóm niêm yết, trừ một số trường hợp. Và quy mô của các ngân hàng không hoàn toàn quyết định về tăng trưởng tín dụng.
Đơn cử quý I/2024, LPB bất ngờ dẫn đầu hệ thống với tăng trưởng tín dụng 11,7%. VCB nằm trong nhóm các ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm (-0,3%). Ngoài ra còn có 2 ngân hàng thuộc nhóm quy mô lớn đã niêm yết như SHB (-0,6%), TPB (-3,3%), cũng chung với nhiều ngân hàng thương mại quy mô nhỏ khác có tăng trưởng tín dụng âm trong quý như SGB, BVB, NVB, ABB.
"Các ngân hàng có sự tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn và cho vay bất động sản báo cáo có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng có truyền thống bán lẻ", theo ACBS.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng là tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) hạ xuống, khi lãi suất cho vay hạ nhanh hơn lãi suất huy động. Theo đó, NIM bình quân của hệ thống chỉ còn 3,7%.
Đối với yếu tố tín dụng và NIM, tác động đến lợi nhuận quý II và các quý tiếp theo của ngành ngân hàng cũng được dự báo có thể "đảo chiều", khi nhu cầu vốn có tín hiệu phục hồi. Ngành ngân hàng đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 3,8% trong quý II/2024. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng tín dụng quý II ở mức 5-6%; đồng thời người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngân hàng thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi vay 1-2%.
Lãi suất huy động từ tháng 4- nay đã có tín hiệu tăng khi hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng các kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm, và lãi suất trên 12 tháng đã xuất hiện trở lại các mốc trên 6%/ năm. Trong khi đó, yêu cầu hạ lãi suất vay vừa là chủ trương của Chính phủ, cũng là điều kiện cần của chính các ngân hàng phải thực hiện nhằm thu hút khách hàng vay vốn trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn vay vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Điều này được kỳ vọng có thể hỗ trợ các ngân hàng giữ NIM ở mức 3,7% như hiện tại hoặc cải thiện hơn.
Tuy nhiên, một cách thận trọng, ACBS cho rằng khi nhu cầu tín dụng chưa tăng, NIM sẽ khó cải thiện.
Bên cạnh tăng trưởng tín dụng yếu, NIM giảm, ngành ngân hàng không chỉ được dự báo khó khăn trong tăng trưởng lợi nhuận, còn đối mặt với nợ xấu tăng và áp lực trích lập dự phòng giảm.
Tại quý IV/2023, số liệu thống kê từ các ngân hàng niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ xấu ước tính đã giảm từ 2,24% xuống 1,93%. Ở quý I/2024, số liệu theo ACBS thống kê nợ xấu của các ngân hàng là 2,17%. Trong đó, nợ xấu, nợ cơ cấu lại, nợ nhóm 2 đều có xu hướng tăng. "Xét về tổng tỷ lệ thì tỷ lệ này đang thấp hơn nợ xấu giai đoạn quý II-III/2020 trong Covid-19, nhưng nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ nhóm 2 tăng cho thấy đã hình thành một lớp nợ xấu mới", các chuyên gia phân tích.
Cùng với đó, tỷ lệ LLR-dự phòng bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cũng giảm sau khi tăng nhẹ trong quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng tăng lên.
Năm 2023, còn nhớ nhiều ngân hàng đã giảm mạnh dự phòng bao phủ nợ xấu để bù đắp lợi nhuận sụt giảm và chỉ tăng nhẹ vào quý cuối khi tăng trưởng tín dụng tăng dựng đứng và dòng tiền ào ạt đổ vào nền kinh tế trước khi khép lại giải ngân của năm tài chính. Liệu "kịch bản" này có tiếp tục lặp lại ở 2024 khi các điều kiện và diễn biến có phần tương ứng, từ nhịp tăng trưởng tín dụng chậm đầu năm, đang và sẽ được "thúc" ở những quý sau; cũng như Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ, khoanh và giãn nợ, giảm lãi... theo NHNN dự kiến cũng sẽ tiếp tục được kéo dài đến hết năm nay?
Nhận xét về thu nhập lãi của ngành ngân hàng quý I đi ngang so với quý IV/2024, ACBS cho rằng nếu tín dụng vẫn chậm, NIM khó tăng thì thu nhập lãi cũng có khả năng chỉ tăng nhẹ.
Đáng lưu ý, theo CTCK này, lãi dự thu (khoản lãi ngân hàng chưa thu nhưng đưa vào báo cáo thu nhập và tạo lợi nhuận) đang có xu hướng tăng. Số ngày lãi dự thu từ 86 ngày tại quý II/2022 tăng lên 116 ngày tại quý I/2024. "Đây là rủi ro tiềm ẩn của hệ thống vì không chỉ có nguy cơ làm giảm thu nhập lãi tương lai (khi không thu được phải thoái lãi dự thu) mà còn gây nên áp lực dự phòng và chuyển lãi nợ xấu", ACBS lưu ý về rủi ro lãi giả, lỗ thật của khoản mục trên bảng cân đối của các ngân hàng.
Một số TCTD ghi nhận có tỷ lệ nợ xấu tăng: Nhóm Big 4, ngoài Vietcombank tiếp tục giữ tỷ lệ nợ xấu thấp, BIDV có 27.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 20,7% so với cuối 2023; VietinBank nợ xấu ghi nhận ở mức 20.017 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023; trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng mạnh 167%, lên 6.640 tỷ đồng.
Nhóm NHTM có nợ xấu trên 3% tại cuối quý I/2024: VPBank nợ xấu 4,9% với giá trị đạt 28.173,5 tỷ đồng ; PVCombank nợ xấu xấp xỉ 4%; ABBank có nợ xấu 3,92%; BVB (3,9%), MSB (3,2%), VietBank (3,1%)...
Ngoài ra, nhiều NHTM có nợ xấu dưới 3% song cũng đã tăng mạnh so với hồi đầu: MBB có tăng từ mức 1,6% lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024; Eximbank tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%, PGBank với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 2,93%...
Đối với nợ xấu ngân hàng của Việt Nam, chuyên gia kinh tế cao cấp của WorlBank tai Việt Nam - bà Dorsati Madani - nhận định, trong điều kiện lạm phát giảm và tăng trưởng yếu đi, chính sách tiền tệ được nới lỏng. NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp từ 2023- nay. Tuy nhiên, mặc dù các biện pháp cho phép giãn hoãn thời gian trả nợ được tiếp tục có hiệu lực, nhưng chất lượng tài sản tài chính đang giảm đi khi tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán (NPL) tại các ngân hàng thương mại tăng lên 4,5% vào tháng 12/2023, từ mức 1,9% vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng không đi kèm với việc tăng trích lập dự phòng cho vay của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay giảm đáng kể, xuống mức trung bình 95% trong quý IV/2023, từ mức 123% vào cuối năm 2022.
Một điểm nữa được chuyên gia WB nhấn mạnh, mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng cũng rất khác nhau, từ 7 - 230%, với một số ngân hàng có dự phòng không đáng kể để đủ bù lỗ cho các khoản nợ xấu. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp như vậy có thể đã cho phép các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn tăng nhẹ lên mức 11,9% vào tháng 12/2023, so với mức 11,5% vào cuối năm 2022.
"Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi do thị trường bất động sản suy giảm có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng khi vốn dự phòng, đặc biệt của một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn, đang tương đối mỏng", chuyên gia lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường