Một loạt công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục
Qua báo cáo tài chính của một số công ty chứng khoán nổi bật cho thấy, nhiều công ty báo lãi sau thuế kỷ lục nhờ lợi nhuận từ mảng đầu tư tự doanh.
Nhờ đâu các công ty chứng khoán thi nhau báo lãi?
Tính đến nay, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, lũy kế năm 2023.
Đáng nói, lợi nhuận sau thuế của nhiều công ty đạt mức kỷ lục, lý do là doanh thu và lợi nhuận mảng đầu tư tăng mạnh. Như "anh cả" ngành chứng khoán là Công ty Chứng khoán SSI (SSI) báo cáo lãi từ tài sản ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) trong năm 2023 đạt hơn 3.121 tỉ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Cả năm 2023, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 6.893 tỉ đồng, tăng gần 13%. Chi phí hoạt động giảm khoảng 9,5% còn 2.320 tỉ đồng. Theo đó, SSI báo lãi ròng năm 2023, đạt gần 2.120 tỉ đồng, tăng 35%.
Lũy kế hết năm, SSI ước lãi trước thuế đạt 2.848 tỉ, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng nói, chỉ tính riêng trong quý IV/2023, lợi nhuận mua bán chứng quyền có bảo đảm tăng đột biến, lên tới 131 tỉ đồng, gấp 19 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ bán chứng quyền chỉ ở mức hơn 12 tỉ đồng.
Sự khởi sắc trong mảng đầu tư quý IV/2023 trở thành nhân tố chính góp phần giúp SSI đạt lãi sau thuế 489 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Ngoài SSI, CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND) hết năm 2023 báo lãi sau thuế đạt hơn 2.017 tỉ đồng, tăng 48%.
Trong năm 2023, công ty này có doanh thu hoạt động không biến động nhiều, lãi FVTPL tăng nhẹ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 28%, doanh thu môi giới và bảo lãnh phát hành cũng lần lượt giảm 31% và 45%.
Tính đến hiện tại, CTCP Chứng khoán BIDV (BSI) là cái tên "hot" khi báo lãi sau thuế tăng đến 263%.
Cụ thể, đơn vị này trong năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động giảm đến 31,4% (xuống còn 451 tỉ đồng) bao gồm lỗ FVTPL giảm 46%, còn 179 tỉ đồng.
Trong khi đó, lãi FVTPL tăng vọt lên 47%, đạt mức 436 tỉ đồng.
Từ kết quả trên, hết năm 2023, BSI báo lãi sau thuế tăng từ mức 112 tỉ đồng (năm 2022) lên đến 408 tỉ đồng.
Cũng ghi nhận lãi kỷ lục trong năm 2023, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lợi nhuận trước thuế TPS đạt hơn 228 tỉ đồng, tăng 69% so với năm 2022. Nguyên nhân là do tổng thu nhập hoạt động và thu nhập khác giảm 7%, trong khi chi phí quản lý công ty chứng khoán giảm 19% so với năm 2022.
Cùng ghi nhận lãi ở mảng đầu tư, hết năm 2023, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) báo lãi FVTPL tăng đến 83%, đạt 1.649 tỉ đồng, chỉ riêng trong quý 4, doanh nghiệp này lãi FVTPL gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lãi từ hoạt động cho vay và phải thu đạt 507 tỉ đồng, tăng 52%. Kết hợp với việc chi phí hoạt động ghi nhận 150 tỉ đồng, giảm 57%, nên cuối kỳ TCBS báo lãi sau thuế đạt 2.396 tỉ đồng.
Còn CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) báo lãi sau thuế gấp 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt mức 559.3 tỉ đồng.
Nguyên nhân nhờ lãi FVTPL tăng 25%, lỗ FVTPL lại giảm đến 53,6%. Tổng chi phí hoạt động của SHS lũy kế cả năm giảm đến 44%.
Các công ty chứng khoán "găm" nhiều cổ phiếu nào?
Chi tiết các danh mục cổ phiếu mà các công ty chứng khoán đầu tư trong năm 2023 chủ yếu là các mã cổ phiếu của nhóm ngân hàng.
Như tại SSI, danh mục cổ phiếu gia tăng gấp đôi quy mô so với đầu năm, đạt hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, cổ phiếu VPB, FPT, HPG là các khoản đầu tư nổi bật nhất.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của SSI trích chụp từ báo cáo tài chính.
Tương tự, năm qua, VND tăng mạnh tỉ trọng các cổ phiếu ngân hàng như VPB, ACB, ngoài ra còn có HSG. Trong đó, VND mua mạnh nhất cổ phiếu của VPB với giá gốc là 455 tỉ đồng.
SHS năm qua cũng đầu tư nhiều nhất vào EIB với tổng giá trị đầu tư 311 tỉ đồng. Ngoài ra còn có MWG và FRT với giá mua lần lượt là gần 278 tỉ và 299 tỉ đồng.
Còn Công ty BSI lại đầu tư vào cổ phiếu NAF và PNJ. So với giá gốc, tổng khoản đầu tư này đang tạm lãi hơn 2 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận