menu
M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược
Huyền An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược

Một thương vụ M&A đáng chú ý là màn “đóng deal” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC).

Trong năm vừa qua, mặc dù không quá sôi động nhưng thị trường chứng khoán đã được chứng kiến những thương vụ M&A hấp dẫn. Tại đó, mỗi “tay chơi” lại có một đường đi nước bước khác nhau, với những toan tính riêng trong việc tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Năm 2023, không nằm ngoài ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị và sự chậm lại của nền kinh tế, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam cũng phần nào giảm bớt sự sôi động. Tuy nhiên, không vì thế mà các thương vụ này trở nên kém hấp dẫn. Thậm chí, đây còn được xem là thời cơ để các “tay chơi” thực hiện các “nước cờ” chiến lược.

Trong đó, các thương vụ M&A doanh nghiệp niêm yết được xem là một “lăng kính” phản ánh sự thú vị của thương trường khi mà mỗi “cuộc chơi” diễn ra theo một cách khác nhau. Cũng cần nói thêm, với các doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung trên thị trường chứng khoán, “cuộc chơi” M&A buộc phải có mức độ minh bạch về thông tin cao hơn so với các thương vụ thông thường. Tưởng chừng điều đó sẽ khiến cho đường đi nước bước của các bên tham gia bị “phơi bày” trước giới quan sát, nhưng trên “bàn cờ” này, toan tính của các “kỳ thủ” lại dễ dàng đi đến thành công.

Hoá chất Đức Giang chấp nhận “đi đường vòng” để thâu tóm Tibaco

Đầu tháng 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) công bố đã hoàn tất mua vào hơn 3,4 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco, HNX: TSB), nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 51%, chính thức trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này.

M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược

Hoá chất Đức Giang hoàn tất M&A Tibaco chỉ trong 2 tháng đầu năm

Điểm đáng chú ý đó là Hoá chất Đức Giang không trực tiếp tham gia vào thương vụ đấu giá cổ phần tại Tibaco. Theo kế hoạch thoái vốn Nhà nước, tháng 12/2023, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã thông báo đấu giá toàn bộ hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB nắm giữ với giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần thị giá trên sàn. Đầu tháng 1/2023, Vinachem bán hết số cổ phiếu nói trên cho hai cá nhân với mức giá bằng giá khởi điểm và thu về gần 135 tỷ đồng. Trong đó, bà Bùi Thị Hà Thu mua gần 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 45,9% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn nhất), còn bà Nguyễn Thị Thu Hà mua số còn lại, tương ứng 5,1% vốn điều lệ.

Đáng nói, bà Bùi Thị Hà Thu là vợ của ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Hoá chất Đức Giang và hai tháng sau đó, “ông trùm” ngành hoá chất đã mua lại toàn bộ số cổ phần của bà Hà Thu cùng bà Thu Hà với giá bằng giá đấu giá, hoàn tất việc “thâu tóm” Tibaco. Những diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra giả thuyết rằng, Hoá chất Đức Giang đã chủ ý “mượn” người tham gia thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tibaco.

Giả thuyết nói trên sau đó đã được chính tập đoàn này xác nhận. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang tiết lộ, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mua lại phần vốn của Vinachem tại Tibaco trong bí mật và dùng cách “đi đường vòng” vì sợ các đối thủ sẽ tham gia và đẩy giá mua lên cao.

Mặc dù lựa chọn “đi đường vòng” nhưng “ván cờ” M&A của Hoá chất Đức Giang lại diễn ra một cách khá “chóng vánh”, chỉ trong có vỏn vẹn 3 tháng. Điều này cho thấy sự nhạy bén của “tay chơi” này khi săn đón và chớp thời cơ trong “game” thoái vốn Nhà nước. Còn nhớ, Tổng Giám đốc Đào Hữu Duy Anh từng chia sẻ: “Năm nay là cơ hội để chúng tôi mua sắm các tài sản giá rẻ. Khi nền kinh tế khó khăn, chính phủ có các chính sách thúc đẩy, đó là cơ hội tốt để đầu tư. Việc các đơn vị trong ngành suy yếu cũng tạo điều kiện cho các thương vụ thâu tóm diễn ra”.

Cũng cần nói thêm, sở dĩ “đại gia” ngành hoá chất có thể xuống tiền nhanh còn là nhờ nền tảng tài chính vững mạnh sau một năm 2022 kinh doanh đại thắng. Tại thời điểm kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này đã tích luỹ được lớp đệm vốn khá “dày” với tổng số tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới một năm ghi nhận tại ngày 31/12/2023 lên tới hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản.

Thương vụ M&A nói trên cũng được đánh giá là mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Đối với Hoá chất Đức Giang, việc sở hữu Tibaco sẽ giúp tập đoàn này mở rộng phát triển sản xuất pin lithium phosphate - một sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Về phía Tibaco, việc “về chung nhà” với Hoá chất Đức Giang cũng mở ra cơ hội tận dụng các lợi thế về công nghệ, quản trị và vốn của tập đoàn này để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường ắc quy. Còn Vinachem, rõ ràng, thương vụ thoái vốn đã mang về một “món hời” khi giá đấu giá cao hơn gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu TSB trên thị trường chứng khoán.

Tasco và SVC Holdings sáp nhập: Dọn chỗ cho "trận đánh lớn"

Năm 2023 cũng là năm diễn ra thương vụ sáp nhập lịch sử giữa Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) với Công ty Cổ phần SVC Holdings. Ngày 31/8, Tasco hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi với SVC Holdings, qua đó thâu tóm 100% vốn cổ phần của doanh nghiệp này.

M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược

Giữa năm 2023, Tasco và SVC Holdings về chung nhà

Khép lại thương vụ M&A, Tasco đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của SVC Holdings từ công ty cổ phần trở thành công ty TNHH Một thành viên. Cần biết, SVC Holdings là đơn vị sở hữu 54,1% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC) – một trong những doanh nghiệp phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, Tasco sẽ nắm trong tay khoảng 13,5% thị trường phân phối ô tô trên toàn quốc (theo số liệu VAMA 6 tháng 2023). Đây được xem là một bước đi chiến lược để doanh nghiệp này hoàn thiện mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc, tiến đến tham gia chuỗi giá trị cao hơn của ngành công nghiệp ô tô.

Trước đó, năm 2022, Tasco đã mua lại một công ty bảo hiểm từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp) và biến nó thành Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco - công ty bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất trên thị trường chỉ tập trung cho bảo hiểm xe cơ giới.

Bên cạnh đó, việc M&A thành công SVC Holdings còn giúp Tasco bổ sung thêm một loạt các dự án mà doanh nghiệp này sở hữu như Savico Megamall Hà Nội, Trung tâm Thương mại Savico Đà Nẵng, Trung tâm Thương mại Savico Cần Thơ, Khu dân cư Long Hoà Cần Giờ, Khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ, Dự án Mercure Sơn Trà,… vào danh mục bất động sản của hệ thống. Cũng trong năm 2023, công ty con của Tasco là Công ty Cổ phần Tasco Land cũng mua lại 50% cổ phần Công ty TNHH NVT Holdings, đơn vị sở hữu Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT).

Đáng nói, chuỗi các thương vụ M&A trên được thực hiện sau khi nguyên Chủ tịch Tasco Phạm Quang Dũng uỷ quyền toàn bộ quyền quản trị cho nhóm DNP. Thực tế, “game” đổi chủ ở Tasco đã “manh nha” từ nửa đầu năm 2021 và cái gọi là “hệ sinh thái DNP – Tasco” đã được giới quan sát ngầm mặc định khi hàng loạt nhân sự thuộc nhóm DNP nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại Tasco. Tuy nhiên, mãi đến tháng 4/2023, doanh nhân Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần DNP Holding (HNX: DNP) mới chính thức lộ diện trên cương vị Chủ tịch HĐQT Tasco và SVC Holdings.

Cần biết, dưới thời ông Vũ Đình Độ, sau khi được “bẻ lái” từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất (Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai) thành doanh nghiệp đầu tư đa ngành, DNP Holdings cũng bộc lộ rõ tham vọng xây dựng hệ sinh thái với 4 trụ cột: nước (DNP Water); vật liệu xây dựng (DongNai Water Pipes, DNP Hawaco, CMC); đồ gia dụng (Inochi); và bao bì (TanPhu Packaging, Dong Nai Packaging), đồng thời lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Thời điểm DNP “nhảy vào” Tasco, giới quan sát đã đặt ra không ít câu hỏi xung quanh sự kết hợp có vẻ như “không liên quan lắm” này.

Trong “ván cờ” thâu tóm SVC Holdings, việc sử dụng Tasco - một đơn vị sở hữu nguồn lực tương đối dồi dào cùng danh mục đầu tư đa dạng nhưng không đi xa khỏi mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mục tiêu, phải chăng đã nằm trong tính toán của giới chủ hệ sinh thái DNP – Tasco? Thực tế, thương vụ M&A này đã gây ấn tượng mạnh khi Tasco lọt nhóm “Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu giai đoạn 2009 – 2023” tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 cùng với một loạt các ông lớn như Masan, Vingroup, Thaco, Kido, VPBank, Vinamilk,…

Dù vậy, có lẽ vẫn cần thêm nhiều thời gian để có thể quan sát đường đi nước bước tiếp theo trong hành trình tái định vị hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ.

Tập đoàn Hoành Sơn “đóng deal” tại Cao su Sao Vàng

Một thương vụ M&A đáng chú ý khác là màn “đóng deal” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC). Đầu tháng 12/2023, Tập đoàn Hoành Sơn công bố đã mua vào hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC từ 6 cá nhân, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,54% lên 50,22%, chính thức vượt mặt Vinachem trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao Vàng.

Cộng thêm việc ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn hiện đang nắm giữ vị trí cao nhất tại Cao su Sao Vàng, mọi quyết định và quyền điều hành về cơ bản đã về tay nhóm Hoành Sơn, mặc dù cổ đông nhà nước là Vinachem vẫn còn sở hữu 36% vốn điều lệ.

Không giống như Hoá chất Đức Giang hay Tasco, cho tới khi “đóng deal”, thương vụ M&A này của Tập đoàn Hoành Sơn đã kéo dài tới hơn 7 năm. Trong suốt hơn 7 năm đó, doanh nghiệp tới từ Hà Tĩnh này đã “nên duyên” với Cao su Sao Vàng từ mối quan hệ đối tác, rồi mới từ “kép phụ” hoá “vai chính”.

M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược

Cuối năm 2023, Tập đoàn Hoành Sơn chính thức “đóng deal” M&A Cao su Sao Vàng sau 7 năm

Cụ thể, năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn được Cao su Sao Vàng lựa chọn trở thành đối tác phát triển dự án bất động sản cao cấp trên khu “đất vàng” rộng 6ha trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nơi đặt nhà máy cao su trước kia.

Đáng nói, cùng với việc “thâu tóm” dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi, Tập đoàn Hoành Sơn cũng dần “hiện diện” tại Cao su Sao Vàng. Năm 2019, khi Vinachem đấu giá 4,2 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống còn 36%, nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn này đã “ôm” trọn lô cổ phần này rồi đề bạt ông Phạm Hoành Sơn vào vị trí cao nhất tại Cao su Sao Vàng.

Tháng 7/2020, Tập đoàn Hoành Sơn thông báo hoàn tất mua vào gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC, qua đó trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Cao su Sao Vàng với tỷ lệ sở hữu 24,5%. Đây được xem là “bàn đạp” quan trọng để doanh nghiệp này giành “quyền định đoạt” Cao su Sao Vàng thời gian gần đây.

Cần biết, Tập đoàn Hoành Sơn, sau khi vươn lên thành một trong những “ông lớn” tại khu vực miền Trung đã dần trở thành một tay chơi M&A “thứ thiệt” chuyên “thâu tóm” các doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”. Trước Cao su Sao Vàng, Tập đoàn Hoành Sơn từng giành quyền chi phối Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) - đơn vị phát triển “siêu dự án” Cảng Phước An có tổng vốn đầu tư lên tới 17.571 tỷ đồng.

Xuất phát điểm là một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, sau hơn hai thập kỷ hoạt động, Tập đoàn Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời... Cùng với đó, quy mô vốn và tài sản cũng liên tục được mở rộng. Hiện tại, vốn điều lệ của Tập đoàn đang ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Theo thông tin cập nhật tại website doanh nghiệp, Hoành Sơn có tổng tài sản lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.

“Bóng dáng” Thành Công sau màn “đổi chủ” tại PGBank

Hạ tuần tháng 12/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB) chính thức đổi tên thương mại thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, khép lại chặng đường “tìm chủ mới” dài đằng đẵng của nhà băng này.

Sau nhiều năm lên kế hoạch và nhiều lần M&A “hụt”, ngày 7/4/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) thông báo đã đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ cho 4 nhà đầu tư, gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Với giá trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu, Petrolimex thu về 2.568 tỷ đồng, chính thức rút lui tại PGBank.

Đáng chú ý, mặc dù có tới gần 20 tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá nhưng mức giá trúng bình quân chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm 100 đồng đã khiến giới đầu tư đặt nghi vấn về việc “game đổi chủ” đã “ngã ngũ” từ trước. Trước đó, giới quan sát từng xôn xao về việc Tập đoàn Thành Công của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn muốn “thâu tóm” PGBank nhưng Chủ tịch HĐQT ngân hàng thời điểm đó là ông Nguyễn Quang Định đã phủ nhận thông tin này.

3 tổ chức thắng đấu giá sau này gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh, Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát đều ít nhiều có liên quan đến Tập đoàn Thành Công khi lãnh đạo của các doanh nghiệp này đều là những “nhân sự” cốt cán trong hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn.

Đến tháng 12/2023, “bóng dáng” của Tập đoàn Thành Công đã hiện diện một cách rõ ràng tại PGBank. Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, bên cạnh việc đổi tên thương mại, nhà băng này đã chuyển trụ sở chính sang tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - dự án do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Trong đợt “thay máu” hệ thống nhân sự cấp cao, ông Đào Phong Trúc Đại, một lãnh đạo của Tập đoàn Thành Công đã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Một điểm đáng lưu ý khác, ĐHĐCĐ lần này của PGBank được tổ chức tại Khách sạn G3, G4 – The Five Villas & Resort, một dự án thành phần của siêu Tổ hợp sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng tại tỉnh Ninh Bình của Tập đoàn Thành Công. Chưa kể, cuộc họp còn có sự hiện diện của Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Nguyễn Anh Tuấn và con trai ông, đồng thời cũng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tú.

M&A doanh nghiệp niêm yết năm 2023: Khi những 'tay chơi' đi 'nước cờ' chiến lược

Slogan mới của PGBank là "Luôn cùng bạn thành công".

Là tập đoàn sản xuất kinh doanh quy mô hàng đầu cả nước với tổng doanh thu hàng năm lên đến nhiều tỷ USD, việc hoàn thiện một hệ sinh thái kinh doanh có thể thấy rõ là một chiến lược lớn Tập đoàn Thành Công. “Gã khổng lồ” này không hề giấu giếm tham vọng “chen chân” vào mảng tài chính khi từng theo đuổi cuộc chiến giữa các cổ đông lớn tại Eximbank trong nhiều năm cho đến lúc rời đi vào 2022.

Dường như, việc Thành Công đầu tư ngân hàng không chỉ đơn thuần là một “ván game” tài chính để tập đoàn này tìm lãi kiếm lời, mà nhằm mục tiêu xa hơn là mở rộng thành một hệ sinh thái với ngân hàng là trụ cột quan trọng bậc nhất. Trước mắt, giới đầu tư vẫn kỳ vọng với tiềm lực tài chính và hạ tầng sẵn có của “đế chế” này, bộ mặt của PGBank sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
15.80 +0.10 (+0.64%)
25.50 (0.00%)
15.70 -0.40 (-2.48%)
116.50 +1.10 (+0.95%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả