Loạt sai phạm khi cổ phần hóa, thoái vốn tại DIC Group
Thanh tra Chính phủ nêu hàng loạt sai phạm về xác định giá tài sản, giá trị quyền sử dụng đất và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, khi cổ phần hóa, thoái vốn tại DIC Group.
Ngày 27/8, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Công ty Đầu tư phát triển - Xây dựng, nay là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group).
Kết luận nêu, việc thoái vốn nhà nước tại DIC Group đúng chủ trương của Chính phủ và đạt những kết quả tích cực, huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế để nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Từ khi chuyển sang công ty cổ phần năm 2008, đến khi thoái hết vốn nhà nước năm 2017, vốn điều lệ của DIC Group tăng từ 370 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 2.300 tỷ đồng lên 6.130 tỷ đồng.
Giá trị tài sản giảm 2,4 tỷ đồng khi cổ phần hóa
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại DIC Group còn những vi phạm.
Trước tiên, Bộ Xây dựng căn cứ Nghị định 187/2004 để lập phương án cổ phần hóa doanh nghiệp "là không đúng quy định". Quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trên cơ sở kết quả thẩm tra xác định giá trị doanh nghiệp của Vụ Kế hoạch tài chính, không được Ban chỉ đạo cổ phần hóa thẩm tra, cũng bị xác định là "không đúng quy trình".
Những vi phạm trên dẫn đến một số thủ tục không thực hiện đúng theo nghị định 109/2007, như DIC Group không lập phương án sử dụng đất; không xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý với đất thuê là loại đất đô thị để tính vào giá trị doanh nghiệp.
Ngày 13/7/2016, Bộ Xây dựng phê duyệt giá trị vốn nhà nước tại thời điểm 0h ngày 13/3/2008 để bàn giao doanh nghiệp nhà nước từ Công ty Đầu tư phát triển - Xây dựng sang Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng cũng được kết luận "không đúng thời gian".
Đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam (Vivaco) xác định không đúng suất vốn đầu tư và nguyên giá của hai công trình xây dựng trên đất, dẫn đến giá trị tài sản của DIC Group giảm 2,4 tỷ đồng.
Vivaco cũng không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất 25 căn biệt thự thuộc khu biệt thự Phương Nam "là không đúng quy định". Tuy nhiên, doanh thu từ việc chuyển nhượng 14 căn biệt thự sau ngày 1/1/2007 đã được hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty nhà nước. 11 căn còn lại được Kiểm toán nhà nước xác định bổ sung tiền sử dụng đất và doanh nghiệp đã nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Kết quả thanh tra xác định, Vivaco và Bộ Xây dựng không xác định lại giá trị đất dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước mà sử dụng tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa "là không đúng quy định của Chính phủ".
Khi quyết toán giá trị vốn nhà nước, Công ty Đầu tư phát triển - Xây dựng đã hạch toán các khoản lỗ của ba công ty con tổng 23 tỷ đồng vào giá trị vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần là trái quy định. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng và người đại diện phần vốn nhà nước tại DIC Group làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm với khoản lỗ nêu trên.
Bộ Xây dựng 'chưa làm hết trách nhiệm'
Năm 2009, DIC Group chào bán cổ phiếu riêng lẻ giá 100.000 đồng và 102.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng với vai trò là chủ sở hữu được Thanh tra Chính phủ xác định là "chưa làm hết trách nhiệm" trong việc chỉ đạo về giá chào bán, "cần được kiểm điểm, xử lý".
Năm 2017, Bộ Xây dựng phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước nhưng không xin ý kiến Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, không đúng theo quy định về quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.
DIC Group cũng không cung cấp thông tin đầy đủ, dẫn đến đơn vị tư vấn không xác định lại giá ba khu đất, gồm khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai; khu dân cư thương mại phường 4, Vị Thanh, Hậu Giang và khu đất 88 Trần Phú, Vũng Tàu. Định giá mỗi cổ phần tạm tính thiếu 1.821 đồng.
Đối với giá chào bán, Bộ Xây dựng xác định giá bán tối thiểu là 15.000 đồng, tham khảo dựa trên kết quả thẩm định giá và lịch sử giá thị trường. Giá này cao hơn giá thẩm định của tư vấn. Tuy nhiên, giá bán khớp lệnh trên sàn chứng khoán khi đó là 19.250 đồng mỗi cổ phiếu, cao hơn giá do Bộ Xây dựng xác định. Theo quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước, giá bán cổ phần theo phương thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán do thị trường quyết định.
Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm và xử lý với tập thể lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007-2008 và 2016-2017. Các khoản lỗ đã quyết toán vào giá trị vốn nhà nước tại Công ty Đầu tư phát triển - Xây dựng, cần được làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý. Những tập thể, cá nhân liên quan đến việc không xác định lại giá trị ba vị trí đất trong quá trình thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại DIC Group cũng cần kiểm điểm.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần phối hợp với tỉnh Đồng Nai xác định giá trị khu đất dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, nếu giá trị đất thấp hơn tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án đã tính vào giá trị doanh nghiệp thì giữ nguyên; nếu giá trị đất cao hơn thì thu nộp ngân sách nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận