menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Lên kế hoạch phát hành trái phiếu khủng - ngân hàng cần tiền để làm gì?

Các ngân hàng tiếp tục đặt kế hoạch phát hành trái phiếu khủng trong năm 2021, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung dài hạn vẫn rất lớn khi nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình phục hồi. Ngoài điều kiện mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, còn có động lực nào khác thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu?

Kế hoạch khủng

Ngày 18-5-2021, Hội đồng quản trị HDBank thông qua phương án phát hành 11.500 tỉ đồng trái phiếu năm 2021 để huy động vốn, theo đó lần 1 sẽ phát hành 1.500 tỉ đồng và lần 2 phát hành 10.000 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2020, lượng giấy tờ có giá (GTCG) phát hành của HDBank đã tăng ròng hơn 9.300 tỉ đồng, lên mức hơn 34.332 tỉ đồng vào cuối năm 2020. Con số này cũng gấp 2,3 lần so với năm 2018 và gấp 3,5 lần so với năm 2017.

Lên kế hoạch phát hành trái phiếu khủng - ngân hàng cần tiền để làm gì?
Hội đồng quản trị HDBank thông qua phương án phát hành 11.500 tỉ đồng trái phiếu năm 2021 để huy động vốn. Ảnh: HỒNG TÂN

Con số dự kiến phát hành của HDBank vẫn chưa là gì so với kế hoạch phát hành 25.000 tỉ đồng GTCG của VIB trong năm nay. Trong năm 2020, Hội đồng quản trị VIB phê duyệt phương án phát hành 16.000 tỉ đồng GTCG và sau đó ngân hàng này phát hành thành công gần 14.480 tỉ đồng, chiếm 10,4% toàn ngành và là một trong ba ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất thị trường.

Trong năm nay, sau hai đợt phát hành trong tháng 4 với 1.500 tỉ đồng/đợt, giữa tháng 5 vừa qua, VIB có đợt phát hành thứ ba với giá trị 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm, lãi suất 4%/năm. Đối tượng mua các trái phiếu này đều là công ty chứng khoán (CTCK).

Không ít ngân hàng đang tìm cách mua lại các trái phiếu lãi suất cao đã phát hành trước đây, rồi tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất thấp nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào.

Đây cũng là đối tượng đã mua 2.000 tỉ đồng trái phiếu cùng lãi suất 4%/năm với kỳ hạn ba năm do ACB phát hành đợt đầu tiên hồi cuối tháng 4, trong kế hoạch phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2021.

Từ đầu quí 2 đến nay, một số ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trở lại để huy động vốn, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đang phục hồi trong khi tăng trưởng tiền gửi chưa theo kịp.

Cụ thể riêng trong tháng 4, nhóm ngân hàng đã phát hành 15.189 tỉ đồng, quay lại vị trí dẫn đầu, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam. Ngoài VIB và ACB có thể kể đến như Agribank đã phát hành 1.789 tỉ đồng, VPBank phát hành lên đến 7.400 tỉ đồng...

Đến tháng 5 có thêm VietinBank phát hành hơn 1.500 tỉ đồng, TPBank cũng đã có ba đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm với tổng giá trị 2.600 tỉ đồng, lãi suất 3%; 3,8%; 4,1%/năm. SHB hôm 18-5 cũng đã phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm với lãi suất cố định 3,8%/năm.

Trước đó, trong năm 2020, các ngân hàng thương mại phát hành tổng cộng 138.916 tỉ đồng, tăng 11,2% so với năm 2019 và chiếm 31,7% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tiếp tục là chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường. Trong đó, tốp 5 ngân hàng phát hành lớn nhất gồm BIDV, HDBank, VIB, LienVietPostBank và TPBank.

Động lực tất yếu

Từ giờ đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng cường nguồn vốn kinh doanh và hoàn thành kế hoạch khủng đặt ra trong năm nay. Huy động vốn trung, dài hạn của các ngân hàng vẫn là nhu cầu thường trực, khi mà tiền gửi dài hạn được dùng trong việc tính toán tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn phải tính theo kỳ hạn còn lại, chứ không phải kỳ hạn ban đầu trên hợp đồng. Đáng lưu ý là từ đầu tháng 10 năm nay, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm còn 37% từ mức 40% theo quy định hiện nay.

Trong khi đó, nhu cầu tín dụng cũng đang phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm nay, trong đó một lượng vốn vay đáng kể đã rót vào các kênh đầu tư như thị trường bất động sản, vốn thường sử dụng nguồn trung, dài hạn rất lớn. Ngoài ra, các ngân hàng mạnh về cho vay tiêu dùng, bán lẻ cũng có đặc thù cần vốn trung, dài hạn rất lớn để tài trợ cho các chiến lược kinh doanh của mình, mà VIB, VPBank, ACB hay HDBank ở trên đều là những tên tuổi có thế mạnh này.

Một yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành GTCG nói chung, và trái phiếu nói riêng, là để tận dụng mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay. Đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm của VIB và ACB vừa qua chỉ có mức lãi suất 4%/năm, bằng với trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng hiện nay và thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhiều ngân hàng.

Chính vì lãi suất giai đoạn hiện nay đã giảm mạnh so với các thời kỳ trước và gần như đang ở đáy, nên không ít ngân hàng đang tìm cách mua lại các trái phiếu lãi suất cao đã phát hành trước đây, rồi tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất thấp nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào cũng như hạn chế rủi ro lãi suất trong tương lai. Như trường hợp của HDBank, cùng với việc thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu năm nay, ngân hàng này cũng thông báo sẽ mua lại 4.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành, thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25-5 đến 10-6-2021.

Các GTCG kỳ hạn từ năm năm trở lên cũng được sử dụng để tính vào cấu phần vốn cấp 2 riêng lẻ của các ngân hàng, một thành tố quan trọng khi tính hệ số an toàn vốn (CAR). Tuy nhiên, cũng theo quy định, từ năm thứ năm trước khi đến hạn thanh toán, các GTCG này phải được khấu trừ 20% để đảm bảo đến năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán giá trị GTCG này tính vào vốn cấp 2 bằng 0. Chính vì giá trị suy giảm xét trên kỳ hạn còn lại như thế, nên các ngân hàng phải liên tục phát hành trái phiếu mới để bù đắp cho giá trị bị suy giảm này ở những trái phiếu cũ đã phát hành.

Trong năm năm trở lại đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn tự có nhằm đáp ứng hệ số CAR ngày càng được nâng cao theo chuẩn mực quốc tế, cũng như có cơ hội phát triển cho vay ở các lĩnh vực có biên lợi suất tốt hơn nhưng phải chịu hệ số rủi ro cao hơn. Như trong năm 2020, trong tổng số trái phiếu mà các ngân hàng phát hành, có đến hơn 54.500 tỉ đồng đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Một thực tế không thể phủ nhận là việc tăng mạnh vốn điều lệ (cấu phần lớn nhất trong vốn tự có cấp 1) trong những năm qua đã giúp các ngân hàng đủ điều kiện liên tục phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tăng vốn tự có cấp 2, do theo quy định về các chỉ tiêu an toàn thì tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% tổng giá trị vốn cấp 1 và tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và các công cụ nợ khác cũng chỉ tối đa bằng 50% vốn cấp 1.

Cuối cùng, việc phát hành trái phiếu, GTCG cũng mang lại nhiều lợi ích hơn so với huy động từ tiền gửi khách hàng, khi có thể cung cấp cho ngân hàng tùy chọn mua lại trước hạn, không chỉ giảm thiểu rủi ro lãi suất như đã nói mà còn giúp ngân hàng cân đối vốn tối ưu hơn theo từng thời kỳ. Hiện tại, ngoài hệ số CAR, còn có khá nhiều quy định giới hạn gắn với vốn tự có của ngân hàng như: giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng/nhóm khách hàng, tỷ lệ đầu tư góp vốn mua cổ phần, trạng thái ngoại hối,...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả