Lần đầu báo lỗ, BAF nói gì?
Đại diện CTCP Nông nghiệp BAF (HOSE: BAF) cho biết mức giá thức ăn chăn nuôi cao từ đầu và giữa năm có độ trễ và phản ánh vào quý 4/2023, trong khi giá heo tạo đáy trong kỳ kéo doanh thu giảm sâu. Tuy vậy, với việc giá heo đang vào đà phục hồi mùa giáp Tết, BAF cho rằng kết quả quý 1/2024 sẽ khả quan hơn.
Kết quả kinh doanh của BAF trong quý 4 và cả năm 2023
Quý 4, BAF ghi nhận hơn 1.6 ngàn tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm 24%, còn gần 1.6 ngàn tỷ đồng. Dẫu vậy, sau khấu trừ, Doanh nghiệp lãi gộp 41 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 34%.
Dù doanh thu tài chính tăng mạnh lên 11 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ; nhưng chi phí tài chính cũng tăng cao, lên 55 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, hầu hết là chi phí lãi vay. Đây cũng là 2 chỉ tiêu tác động lớn nhất đến kết quả sau cùng của BAF.
Kết thúc quý 4, BAF lỗ ròng 31 tỷ đồng, cũng là quý đầu tiên BAF báo lỗ kể từ khi lên sàn.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp “heo ăn chay” đạt gần 5.3 ngàn tỷ đồng doanh thu, thấp hơn năm trước 26%; lãi sau thuế và lãi ròng ròng lần lượt 23 và 20 tỷ đồng, giảm khoảng 93%. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, BAF thực hiện được 76% mục tiêu doanh thu và chỉ gần 8% mục tiêu lãi sau thuế cả năm.
Triển vọng tại quý 1/2024
Theo BAF, 2023 có nhiều thách thức với toàn ngành chăn nuôi. Doanh nghiệp đã nâng được quy mô trang trại và tổng đàn (hiện hơn 300,000 heo nái và thịt, tăng 30%; heo thương phẩm 720,000 con, tăng 50% so với đầu năm). Doanh nghiệp cũng đã đưa vào hoạt động thêm 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi, vận hành 4 trang trại xanh công nghệ cao, và mở rộng kênh phân phối thực phẩm.
Tuy nhiên, lợi nhuận ngắn hạn vẫn chịu ảnh hưởng nặng vì nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là giá bán, từ đầu năm đã duy trì ở mức thấp và tạo đáy trong quý 4, xuống dưới 50,000 đồng/kg. Tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn gây ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến doanh thu sụt giảm.
Một nguyên nhân khác là độ trễ của giá nguyên liệu. Đại diện BAF cho biết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quý 4 thực chất là từ quý 2 - thời điểm giá nguyên liệu cao.
BAF cũng cho rằng sản lượng heo bán ra chưa tương ứng với quy mô đàn. Các trang trại mới trong năm 2023 được đưa vào vận hành, đến đầu năm 2024 mới cho sản lượng đầu ra. Hơn nữa, từ sau tháng 5, BAF đã giữ toàn bộ lượng heo cai sữa để nuôi lớn bán thịt, thay vì bán sớm như trước đây. Việc này giúp Doanh nghiệp không buộc phải bán heo trong giai đoạn giá thấp và tối ưu lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời kéo sản lượng 2023 đi xuống. Độ trễ này sẽ được ghi nhận trong năm 2024.
Từ đầu năm 2024, giá heo hơi trung bình cả nước ghi nhận mức tăng, có lúc lên đến trên 57,000 đồng/kg, do nhu cầu tăng cao dịp cận Tết và nguồn cung hạn chế dưới tác động của dịch bệnh. Doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận của BAF trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, rủi ro từ heo nhập lậu đã được Doanh nghiệp tính đến. Đại diện Doanh nghiệp cho biết gần đây, có hiện tượng heo nhập lậu từ Campuchia ồ ạt tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, qua hội nghị do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 26/01, các địa phương bắt đầu tăng cường tuần tra, kiểm soát. Theo BAF, với việc các ban ngành siết chặt, tình trạng heo nhập lậu sẽ chấm dứt trong tương lai gần và rủi ro từ việc này không cao.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của BAF đạt gần 6.6 ngàn tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, với gần 3.2 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, tăng 19%. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ tăng 69%, lên 423 tỷ đồng. Tồn kho tăng 47%, ghi nhận hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là đàn heo dự kiến tung ra thị trường vào quý 1/2024.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn tăng 33%, lên hơn 3 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, các chỉ số tài chính tương đối ổn định, với tỷ số thanh toán hiện hành và tỷ số thanh toán nhanh lần lượt đạt 1.2 lần và 0.7 lần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận